Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngTàu hải cảnh TQ lởn vởn, cố ý để bị phát hiện...

Tàu hải cảnh TQ lởn vởn, cố ý để bị phát hiện ở 3 nơi trên biển Đông: Thủ đoạn nham hiểm mới?

Một số tàu cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động ở biển Đông được cho là cố ý mở tín hiệu nhằm “được” các nước láng giềng phát hiện ở những vùng nước tranh chấp.

Quân đội Mỹ từng cảnh báo sẽ đối phó với thách thức từ tàu cá “trá hình” và tàu hải cảnh Trung Quốc theo cách thức giống như đối phó với tàu quân sự (Ảnh minh họa: CNA)

AMTI: Tàu hải cảnh Trung Quốc cố ý “được” phát hiện

Báo cáo ngày 26/9 của Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho biết họ xác định được 14 tàu hải cảnh Trung Quốc phát ra tín hiệu trong Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi di chuyển qua bãi Luconia, bãi Scarborough, và bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong năm qua.

Các tàu thương mại trọng tải trên 300 tấn được yêu cầu phải mở tín hiệu AIS thường trực để tránh va chạm, trong khi tàu chấp pháp và tàu quân sự được phép lựa chọn thời gian và địa điểm phát tín hiệu này. AMTI cho hay, những tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở các khu vực khác trên biển Đông chỉ mở AIS khi tiến vào hoặc rời khỏi bến cảng.

Theo đó, các tàu chấp pháp Trung Quốc di chuyển gần ba thực thể nêu trên dường như đã cố gắng để được “nhìn thấy”. Một tàu hoạt động gần bãi Luconia được ghi nhận phát sóng AIS 258 ngày trong vòng 365 ngày qua, trong khi tàu ở bãi Cỏ Mây là 215 ngày, và bãi Scarborough là 162 ngày.

“Dường như không có khu vực tranh chấp nào khác mà Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện lâu dài đến thế, và là nơi mà Trung Quốc rõ ràng muốn các nước trong khu vực biết được sự hiện diện của họ,” báo cáo của AMTI nói.

“Bắc Kinh rõ ràng đang thể hiện quan tâm đặc biệt tại bãi Luconia, bãi Cỏ Mây và Scarborouh. Có vẻ như họ đang đánh cược rằng nếu có thể duy trì hiện diện ‘bán thường trực’ của cảnh sát biển đủ lâu, thì các nước trong khu vực sẽ phải chấp thuận sự kiểm soát thực tế [của Trung Quốc] đối với khu vực này.”

Mục đích của Trung Quốc là gì?

Nếu Bắc Kinh thành công với mưu đồ này ở bãi Luconia và bãi Cỏ Mây, bên cạnh việc Trung Quốc gần như đã kiểm soát bãi Scarborough từ năm 2012 – AMTI phân tích, thì chiến lược kể trên sẽ trở thành một “bản kế hoạch đầy thuyết phục để mở rộng kiểm soát của Trung Quốc trên các đảo đá và bãi cạn khác” ở biển Đông.

Thông qua triển khai tàu hải cảnh, Trung Quốc sẽ tạo ra sự hiện diện rõ rệt trên thực địa tại những vùng mà nước này áp đặt chủ quyền phi lý nhưng không có được những cơ sở thường trực.

Tại Luconia hồi tháng 9 và tháng 10/2018, hải quân Malaysia xác định tàu hải cảnh số hiệu 3306 của Trung Quốc hoạt động trong hai ngày.

Ở gần bãi Cỏ Mây – thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Philippines chiếm đóng trái phép – hồi tháng 5 vừa qua, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn ba tàu tiếp tế của Philippines.

Theo AMTI, các tàu Trung Quốc hiện diện gần ba bãi cạn trên không mang theo vũ khí hạng nặng mà trang bị súng vòi rồng và các vũ khí nhỏ, song những tàu này có kích cỡ lớn hơn tàu chấp pháp và thậm chí là tàu quân sự của các nước láng giềng trên biển Đông.

“Điều này khiến [các tàu hải cảnh Trung Quốc] lý tưởng trong các chiến dịch liên quan đến đe dọa đâm va và, nếu cần thiết, chèn ép các tàu khác để xua đuổi họ mà không cần sử dụng vũ lực gây sát thương,” báo cáo của AMTI nêu.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Chương trình an ninh hàng hải, Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore, nói rằng việc để cho tàu hải cảnh “được” phát hiện hoạt động ở các khu vực có tranh chấp là thủ đoạn để Bắc Kinh tranh giành quyền kiểm soát và tài phán.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã leo thang trong mùa hè qua, khi Bắc Kinh bị các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lên án vì hành vi đơn phương gây hấn, làm xói mòn lòng tin và leo thang căng thẳng ở khu vực.

Hồi tháng 8, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ lần lượt lên án các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc trên biển Đông – bao gồm hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng hôm 12/9 tuyên bố, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải dương 8 (gồm tàu khảo sát Hai dương địa chất 8 và các tàu hải cảnh hộ tống) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, được quy định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng nêu rõ quan điểm về ảnh hưởng của hoạt động vi phạm của nhóm tàu này đối với quan hệ giữa giữa hai nước và với hòa bình, hữu nghị của khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khỏi vùng biển của Việt Nam.

Bà Hằng cũng nêu rõ, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán rằng mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng EEZ và thềm lục địa, hoàn toàn thuộc về Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982, mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

RELATED ARTICLES

Tin mới