Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Julián Ventura Valero (18/9) tiến hành phiên Tham khảo chính trị lần thứ 5 giữa Bộ Ngoại giao hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Tại phiên Tham khảo chính trị, hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao, trao đổi về tình hình Biển Đông và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Bộ Ngoại giao hai nước đánh giá quan hệ song phương đang tiến triển tích cực, đặc biệt về kinh tế với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 3,4 tỷ USD; nhất trí phối hợp tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương, thảo luận việc thiết lập khuôn khổ phù hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đặc biệt là cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư, phát huy hiệu lực của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Mexico là thành viên để mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài; thúc đẩy các dự án về nông nghiệp, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch; phối hợp tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế và văn hóa, giao lưu nhân dân hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Mexico (19/5/1975-2020). Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; chia sẻ các nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai bên nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), cũng như tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương (AP).
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam ở Mexico, Tổng Vụ trưởng châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mexico Claudia Franco Hijuelos nhấn mạnh Mexico coi trọng phát triển quan hệ mọi mặt với Việt Nam, đối tác chiến lược quan trọng của Mexico tại châu Á – Thái Bình Dương; cho biết Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ 17 của Mexico trên thế giới và thứ 8 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bà Claudia Franco Hijuelos bày tỏ tin tưởng rằng với vai trò là chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 – 2021, Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực vào bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Mexico là nước ở khu vực châu Mỹ, không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song vùng biển này có liên quan trực tiếp đến lợi ích cũng như quan hệ đối ngoại của Mexico. Trong những năm vừa qua, Mexico cũng đã đưa ra những tuyên bố thể hiện sự quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đáng chú ý, ngay sau khi Tòa Trọng tài tài ở La Haye (Hà Lan) đưa ra ngày 12/7 về vụ kiện liên quan tới Biển Đông, trong thông cáo gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Mexico, Chủ tịch Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico-Việt Nam (IACMV), Felix Castellanos Hernandez bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với phán quyết của Tòa Trọng tài. Thông cáo nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài mang ý nghĩa lịch sử, góp phần giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. IACMV hoan nghênh phán quyết công bằng, chính đáng và mang tính tích cực nói trên. Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico – Việt Nam yêu cầu Chính phủ Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa, đồng thời cho rằng bất cứ quốc gia nào không tuân thủ luật pháp quốc tế và đơn phương hành động sẽ gây bất ổn, đe dọa hòa bình và chủ quyền lãnh thổ của các nước trong vùng. IACMV cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời hoan ngênh cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và quan điểm về Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Không những vậy, đại diện nhiều đảng phái chính trị, tổ chức dân sự và giới chức, người dân Mexico cũng hoan nghên phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông, bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Việt Nam là giải quyết hòa bình tranh chấp, tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao, góp phần tích cực vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực. Tổng Bí thư đảng Lao động Mexico (PT) Alberto Anaya Gutierrez (27/7/2016), khẳng định quyết định của Tòa trọng tài là thắng lợi của lý lẽ và là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, mang lại chân lý cho các nước đang đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của mình, như Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Theo ông Alberto Anaya Gutierrez, phán quyết của Tòa Trọng tài hoàn toàn tích cực. Nếu PCA mang lại lý lẽ cho Philippines, thì tòa này cũng đủ lập luận để mang lại công lý cho Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông Anaya Gutierrez khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần hợp thành lãnh thổ Việt Nam và điều này phải được tôn trọng. Chủ tịch IACMV Felix Castellanos cho biết Mexico theo sát phán quyết của PCA đưa ra ngày 12/7/2016 và thấy rằng đây là một quyết định công bằng, chính đáng và mang tính tích cực. Ông Felix yêu cầu các bên liên quan tôn trọng phán quyết của tòa và đặc biệt là phía Trung Quốc.
Trước đó, IACMV (25/6/2014) cũng đã tổ chức mít-tinh trước trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc, tại Thủ đô Mexico, để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ban lãnh đạo và khoảng 100 thành viên của IACMV cùng các cơ quan truyền thông và một số tổ chức chính trị – xã hội của Mexico đã tham gia cuộc mít-tinh. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Virgilio Caballero, nguyên Hạ nghị sĩ Liên bang Félix Castellanos, Chủ tịch danh dự IACMV đọc bản “Tuyên bố của Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico – Việt Nam trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”; tố cáo Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 từ ngày 2/5/2014, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, triển khai và duy trì lượng tàu lớn, trong đó có nhiều tàu và máy bay quân sự ở vùng biển này, ngăn cản và tấn công các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhằm bảo vệ hành động trái phép trên, nghiêm trọng hơn là còn đâm chìm một tàu đánh cá có 10 ngư dân Việt Nam vào ngày 26/5/2014. Tuyên bố nêu rõ, các hành động kể trên của Trung Quốc cũng đã vi phạm nghiêm trọng Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản trong việc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển được ký kết giữa Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam vào tháng 10/2011, đi ngược lại với Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002, đồng thời, phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. IACMV đề nghị Chính phủ Mexico, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao José Antonio Meade, gửi Công hàm Ngoại giao tới Chính phủ Trung Quốc, nêu rõ các nguyên lý cơ bản, các công ước và thỏa thuận về hòa bình đã ký kết trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cũng như các hiệp ước và hiệp định quốc tế tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia; đề nghị Thượng viện Mexico gửi thông điệp tới các Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam với lời kêu gọi gìn giữ hòa bình tại khu vực này; kêu gọi toàn thể xã hội dân sự Mexico tham gia chiến dịch “Vì hòa bình và chủ quyền của Việt Nam” được IACMV phát động để chuyển thông điệp tới Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Sau cuộc mít-tinh, Ban lãnh đạo Viện chuyển bản Tuyên bố trên cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Mexico.
Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Mexico (NOTIMEX) thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam bằng cách đăng bải phỏng vấn của Đại sứ Việt Nam tại Mexico Lê Linh Lan tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982(UNCLOS). Theo Đại sứ Lê Linh Lan, các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Việc sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế để giải quyết các tranh chấp là một biện pháp giải quyết tranh chấp văn minh và hòa bình, đã được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS, giúp tránh được những xung đột có thể xảy ra và có thể đưa đến một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được. Đây cũng là xu thế chung trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong nhiều năm qua. Philippinnes sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong UNCLOS để giải quyết tranh chấp là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của SEAN, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và tinh thần của DOC. Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh là một quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS; cho rằng tranh chấp ở Biển Đông hết sức phức tạp: có tranh chấp liên quan đến hai nước như vấn đề quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; có tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong khu vực như vấn đề quần đảo Trường Sa; có những vấn đề liên quan đến cả các nước ở ngoài khu vực như vấn đề hòa bình ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải. Quan điểm của Việt Nam hết sức rõ ràng là những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương; những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì bàn bạc giữa các bên liên quan. Liên quan đến chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông, Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của mình ở Biển Đông; kiên định bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, tiếp tục phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhất là hoạt động dầu khí và đánh bắt cá trong phạm vi 200 hải lý theo đúng các quy định của UNCLOS.
Việt Nam kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Yêu sách “đường chín đoạn” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử, trái với tinh thần UNCLOS mà Trung Quốc là một bên tham gia và Tòa Trọng tài đã ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có quyền lịch sử ở khu vực này. Việt Nam kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC và thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được COC.