Thỏa thuận song phương này sẽ tạo nên sự kết nối bền vững kéo dài từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến phía tây Balkan và châu Phi, được coi là đối trọng với sáng kiến của Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Tờ Financial Times (FT-Anh) cho biết, ngày 27/9, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã tổ chức diễn đàn kết nối Á-Âu và hai bên cùng ký kết một thỏa thuận quan trọng để khởi động các dự án chung, xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập các tiêu chuẩn phát triển trên toàn thế giới. Thỏa thuận này được coi là đối trọng của sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.
Sự hợp tác giữa EU và Nhật Bản sẽ bao quát mọi lĩnh vực từ vận tải đến ngành công nghiệp kỹ thuật số. Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các thỏa thuận quốc tế như Thỏa thuận hạt nhân Iran và Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, đây là một phần trong nỗ lực mở rộng để hồi sinh sự hợp tác đa phương giữa hai bên.
Thỏa thuận được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đặt bút ký kết tại Brussels vào thứ Sáu (27/9) vừa qua. Động thái này nằm trong kế hoạch triển khai 60 tỷ euro nhằm cải thiện mối liên kết giữa châu Âu và châu Á của Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Abe cho hay, sự hợp tác giữa Brussels và Tokyo, bao gồm cả quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược, đang phát triển mạnh mẽ hơn và là một “tuyên bố vang dội” trong bối cảnh “các giá trị quan và nguyên tắc mà hai bên ấp ủ có thể bị lung lay hoặc đi lệch hướng”.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông nói thêm: “Dù là một tuyến đường hay một bến cảng, mỗi khi EU và Nhật Bản đầu tư vào một dự án, chúng tôi sẽ có thể xây dựng nên sự kết nối bền vững, dựa trên quy tắc kéo dài từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến phía tây Balkan và châu Phi”.
Theo báo Anh, mặc dù không đề cập đến trung Quốc nhưng ý tưởng và cách diễn đạt tổng thể của thỏa thuận này rõ ràng thể hiện mong muốn ngăn chặn sự mở rộng của sáng kiến Vành đai và con đường.
Sáng kiến Vành đai và con đường đã tác động tới hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế, với hơn một nửa trong số 28 quốc gia thành viên của EU nhưng sáng kiến của Bắc Kinh đồng thời cũng bị chỉ trích là “bẫy nợ ngoại giao” với những bản thỏa thuận thiếu minh bạch và gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường mặc dù Bắc Kinh liên tục phản đối những cáo buộc này.
Theo FT, thỏa thuận giữa EU và Nhật Bản đòi hỏi sự minh bạch trong các hoạt động trao đổi, đảm bảo tính bền vững của các khoản đầu tư và các tiêu chuẩn cao về bền vững kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường.
Ông Juncker cho rằng cần phải xây dựng một cơ sở hạ tầng mà không đòi hỏi các khoản nợ lớn hoặc phụ thuộc vào “một quốc gia duy nhất”.
Một nhà ngoại giao EU bình luận, hợp tác giữa EU và Nhật Bản có thể bao gồm việc EU cho các công ty Nhật Bản sử dụng máy bay không người lái để lập bản đồ về các con đường mà các nước châu Phi cần sửa chữa, trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản tài trợ cho các công ty năng lượng tái tạo châu Âu mong muốn mở rộng ở Đông Nam Á.
EU muốn thông qua dự án này, tận dụng hiệu quả sức ảnh hưởng kinh tế về các lĩnh vực thương mại, viện trợ và đầu tư để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại chiến lược.
Báo Anh cho biết, EU đã bắt đầu có lập trường mạnh mẽ hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đầu năm nay, họ đã đưa ra một tuyên bố mang tính bước ngoặt khi cho rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống” trong một số lĩnh vực và là đối thủ cạnh tranh hoặc đối tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác.