Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThấy gì qua việc cộng đồng quốc tế thể hiện mối quan...

Thấy gì qua việc cộng đồng quốc tế thể hiện mối quan tâm và quan ngại với các hoạt động đơn phương của TQ trên Biển Đông?

Các nước đều thể hiện lập trường và mối quan ngại lớn trước việc nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và Thềm lục địa được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

1. Anh, Pháp, Đức hôm 29/8 đã cùng ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình ổn định trên Biển Đông và cho biết Bộ Quốc phòng Anh sẽ đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông vào năm 2021 để tham gia hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này. Trong tuyên bố chung, ba nước châu Âu bày tỏ lo ngại tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn, mất an ninh trong khu vực, kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, chú ý quyền của những quốc gia ven biển trong vùng biển của họ và quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Ba nước nói trên đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nhấn mạnh cần thực thi UNCLOS trên toàn cầu nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho hoạt động ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông. “Công ước phải được thực hiện, tạo cơ sở cho hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”, tuyên bố có đoạn, đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông dựa theo UNCLOS năm 2016. Anh, Pháp và Đức hoan nghênh những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông, khuyến khích các bên sớm đạt thỏa thuận.

2. Mỹ: Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 18/9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell lên án Trung Quốc bắt nạt và quân sự hóa ở Biển Đông, thách thức trật tự khu vực. “Trong lúc Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đạt tiến bộ đáng kể để củng cố và thúc đẩy trật tự tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chúng tôi ngày càng lo ngại rằng một số đang tích cực tìm cách thách thức trật tự này”. Trong lần phát biểu đầu tiên tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6, ông Stilwell khẳng định Mỹ cam kết hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ quy tắc, nhưng cũng phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng hành vi cướp bóc để làm xói mòn trật tự khu vực. “Như Chiến lược An ninh quốc gia của Tổng thống đã nêu rõ, chúng tôi đặc biệt quan ngại việc Bắc Kinh sử dụng cách thức mua chuộc và trừng phạt kinh tế phi thị trường, các hoạt động gây ảnh hưởng và hăm dọa để thuyết phục quốc gia khác lưu tâm đến chương trình nghị sự an ninh và chính trị của họ. Việc Bắc Kinh theo đuổi tầm nhìn mang tính áp bức liên tục đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tìm kiếm sắp xếp lại trật tự khu vực theo ý muốn của họ và đặt Bắc Kinh vào vị trí cạnh tranh chiến lược với tất cả những ai tìm kiếm gìn giữ trật tự tự do và cởi mở của các quốc gia đa dạng, có chủ quyền”, ông Stilwell cho biết. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, từ đầu tháng 7, các tàu Trung Quốc dưới sự hộ tống của tàu hải cảnh và lực lượng dân quân biển đã tiến hành hoạt động khảo sát ở Nam Biển Đông, hăm dọa Việt Nam và các nước ASEAN trong hoạt động phát triển tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Thông qua các hành động phi pháp lặp đi lặp lại và quân sự hóa các thực thể tranh chấp, Bắc Kinh đã và tiếp tục hành động ngăn chặn các thành viên ASEAN khỏi tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể phục hồi trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD.

Ấn Độ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar hôm 29/8 tuyên bố Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu và New Delhi quan tâm sâu sắc đến hòa bình, ổn định khu vực. “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Sự khác biệt phải được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng quy trình pháp lý và ngoại giao, không thể dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”, ông Kumar cho hay. Ấn Độ khẳng định Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải.

Giới chuyên gia quốc tế: Jeffrey Ordaniel, Chuyên gia hàng đầu của Diễn đàn Thái Bình Dương, nghiên cứu về an ninh, kinh tế khu vực tại Hawaii, Mỹ nhận định việc nhiều nước trên thế giới lên tiếng về tình hình Biển Đông, cho thấy phạm vi quan ngại đã được mở rộng. Đánh giá về việc các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam gần hai tháng qua, chuyên gia Ordaniel cho rằng đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo nên thực tế mới ở Biển Đông, biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp. Các tàu của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa nước này và ASEAN, vi phạm Công ước luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), các tuyên bố của ba nước châu Âu và Ấn Độ mang tính nhắc nhở chung chung với tất cả các bên về các nguyên tắc. Tuyên bố của các nước khiến Bắc Kinh cảm thấy phiền toái nhưng sẽ khó thay đổi cách hành xử, Collin nhận xét. Ông lý giải Trung Quốc dường như quan tâm đến dư luận trong nước nhiều hơn là quốc tế. Carl Schuster, nhà nghiên cứu tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, Mỹ cũng lưu ý các tuyên bố của Anh, Pháp, Đức thể hiện sự quan ngại về căng thẳng, nhưng không nhắc đến hành động phi pháp nào của Trung Quốc. Mark Hoskin, chuyên gia tại Đại học London (Anh), thể hiện sự ủng hộ việc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm hướng tới văn bản dựa trên luật lệ, hiệu quả và tuân theo UNCLOS. Hoskin đánh giá COC là cơ chế tốt, giúp đưa ra một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông. Giáo sư Robert Ross, Đại học Harvard, Mỹ, dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực với các nước ven Biển Đông do năng lực trên biển của Bắc Kinh đang gia tăng.Schuster nhận định nếu Việt Nam thoái lui, Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm phạm lợi ích của Việt Nam. Hà Nội cũng không phải “nạn nhân” duy nhất, các nước khác cùng có tranh chấp với Bắc Kinh sẽ gặp phải tình huống này.

Kết luận: Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua bày tỏ lập trường về diễn biến nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm và quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế, trước những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. Lập trường của Việt Nam là kiên quyết phản đối việc tàu Địa chất Hải Dương 8 tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam, khẳng định các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS. Lập trường này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và nhất quán, đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế cũng như UNCLOS. “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, theo tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới