Truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã hạ thủy và đưa vào sử dụng tàu vận tải “Tam Sa 2” nhằm vận chuyển, cung ứng hậu cần cho các đảo, đá do nước này đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
“Tam Sa 2” – con bài chiến lược của Trung Quốc
Tân Hoa xã Trung Quốc cho biết, tàu “Tam Sa 2” có chiều dài 128m, rộng 20,4m, có trọng tải lên tới hơn 8.000 tấn, có thể chạy 6.000 km mà không cần được tiếp nhiên liệu và có thể chở đến 400 người. Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền “Tam Sa 2” được thiết kế để vận chuyển, tiếp tế nhu yếu phẩm cho các đảo, đá ở Biển Đông; tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa giữa các đảo, đá trên biển; đồng thời “thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng quốc tế” khi tham gia vào các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải và trợ giúp y tế khẩn cấp. Tầng 4 của tàu “Tam Sa 2” được thiết kế đặc thù, có đầy đủ các trang thiết bị y tế để tiến hành cấp cứu trên biển như phòng khám, phòng chụp X quang, phòng phẫu thuật vô trùng, phòng bệnh. Bác sỹ có thể tiến hành các ca phẫu thuật lớn trên tàu. Ngoài ra, “Tam Sa 2” còn có các “kênh” cứu trợ khẩn cấp, như sử dụng trực thăng, xe bọc thép lội nước, tàu vận chuyển chuyên dụng… để cấp cứu và đưa bệnh nhân vào đất liền. “Tam Sa 2” được trang bị thiết bị thu, phát sóng vệ tinh đảm bảo liên lạc và internet khi hoạt động trên biển. Ngoài ra, “Tam Sa 2” có thể vận chuyển 1.000 tấn nước ngọt để cung ứng cho các đảo, đá đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông; vận chuyển 20 xe téc có chiều dài 10m, trong đó có thể vận chuyển 10 xe đông lạnh…
Được biết, trong thời chiến, các tàu chở hàng Type 904 của Trung Quốc, vốn có kích thước lớn gấp đôi tàu Tam Sa 2, sẽ có thể là lực lượng chính làm nhiệm vụ tiếp tế cho các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đang vận hành 5 tàu hậu cần loại này trong biên chế Hạm đội Nam Hải. Trước đó, Trung Quốc (năm 2015) cũng đã đưa vào sử dụng tàu “Tam Sa 1”, nhưng tàu này chỉ có trọng tải 7.800 tấn. Đáng chú ý, Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch đóng con tàu thứ ba để “phục vụ tốt hơn lực lượng đồn trú trên các đảo”.
Âm mưu của Trung Quốc
Giới chuyên gia, học giả nhận định yàu “Tam Sa 2”, phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự, có thể tiếp tế cho lực lượng đóng trên các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát trái phép ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Philippines nhận định, tàu “Tam Sa 2” sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển trang thiết bị đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp, cũng như một số đảo nhân tạo Trung Quốc mới bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; cho rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng khả năng trong mọi lĩnh vực và việc triển khai đến vùng tranh chấp thậm chí còn mang tính biểu tượng lớn hơn. Ngoài ra, tàu “Tam Sa 2” đánh dấu “công nghệ mới nhất” của Trung Quốc.
Chuyên gia Andrew Yang, Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao Trung Hoa của Đài Loan cho rằng tàu “Tam Sa 2” có thể sẽ vận chuyển đạn dược, thực phẩm, nước ngọt và thiết bị cung cấp điện đến các thực thể mà Bắc Kinh kiểm soát trên Biển Đông. Ngoài ra, tàu mới sẽ hỗ trợ cho binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên các thực thể này.
Trong khi đó, chuyên gia Collin Koh chuyên nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết, so với Trung Quốc, Hải quân Việt Nam có tàu vận tải nhưng thường sử dụng các tàu đánh cá nhỏ hơn cho các công việc vận tải trên Biển Đông. Theo ông Collin Koh, Trung Quốc có thể gây gián đoạn các hoạt động tiếp tế của các tàu nhỏ hơn. Vấn đề ở đây là liệu các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể tái tục tiếp tế cho các đơn vị đồn trú của họ không bị gián đoạn, theo cách mà Trung Quốc đang tận hưởng ở Biển Đông hay không.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tàu Tam Sa 2 chưa chắc sẽ hữu dụng trong việc giúp Trung Quốc duy trì tiếp tế cho các đảo ở Biển Đông nếu xảy ra xung đột. Một trong những lý do là về kích cỡ, tàu này vẫn khá nhỏ so với các tàu vận tải quân sự. Nếu so sánh, Tam Sa 2 nhỏ hơn một tàu khu trục của Mỹ vốn có chiều dài hơn 152 m và lượng chiếm nước khoảng 9.000 tấn. Các tàu vận tải hàng hóa của hải quân Mỹ thường có lượng chiếm nước khoảng 40.000 tấn.
Vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam
Việc Trung Quốc đưa tàu “Tam Sa 2” vào sử dụng để vận chuyển, tiếp tế trái phép nhu yếu phẩm ra các đảo, đá ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh Việt Nam phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự; nghiêm túc tuân thủ DOC và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.