Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (18/9) ngang ngược cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính ở gần đó”. Đồng thời Cảnh Sảng khẳng định lập trường này của Trung Quốc có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.
Sau khi bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, phản đối về những hành động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tiếp tục đưa ra các tuyên bố ngang ngược, ngụy biện cho những hành vi phi pháp của Chính quyền. Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển gần Bãi Vạn An thuộc Quần đảo Nam Sa (Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Về vấn đề này, Trung Quốc có đủ cơ sở lịch sử và pháp lý. Việt Nam đã tiến hành các hoạt động khoan dầu khí đơn phương tại vùng biển Vạn An của Trung Quốc kể từ tháng 5 năm nay, đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc và vi phạm thỏa thuận song phương Trung-Việt bao gồm Hiệp định về các nguyên tắc cơ bản trên biển; vi phạm Điều 5 của Tuyên bố về hành vi của các bên và các quy định có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Phía Việt Nam cần chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương và khôi phục sự hài hòa và yên tĩnh cho các vùng biển liên quan. Hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền quản hạt của Bắc Kinh là hợp lý, hợp pháp, không thể tranh cãi. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam để xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan thông qua tham vấn thân thiện”.
Từ tuyên bố phách lối trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy nước này hoàn toàn không hiểu về luật pháp quốc tế, cố tình xâm chiếm biển đảo của Việt Nam; vu cáo, đổ lỗi cho các hoạt động hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông… Hành động này của Bắc Kinh không chỉ khiến cộng đồng quốc tế thấy thất vọng, mà còn khiến người dân trên thế giới coi thường Trung Quốc – một trong 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế, Trung Quốc lặp đi lặp lại luận điệu sai lệch nhằm ngoan cố theo đuổi ý đồ độc chiếm Biển Đông, vốn đã kéo dài nhiều thập niên qua. Mở đầu chính là việc Trung Quốc khoanh vùng, đưa yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp. Tiếp đó, Bắc Kinh đẩy mạnh chiếm, bồi lấp, cải tạo các đảo nhân tạo phi pháp từ năm 2013, làm bàn đạp, tạo ra cơ sở về hậu cần, kỹ thuật cho các hoạt động của tàu thuyền, máy bay của Trung Quốc chiếm biển của Việt Nam. Điểm đáng chú ý là càng về sau này Trung Quốc càng mở rộng phạm vi, mức độ hành vi sai phạm. Bằng chứng là những gì xảy ra trên thực địa từ nhiều tháng qua: Trung Quốc không chỉ có phát ngôn mà còn cử tàu chiến, tàu cảnh sát biển, tàu dân quân biển, tàu khảo sát địa chất… để gây hấn với hàng loạt nước khu vực Biển Đông như Malaysia, Philippines, Việt Nam. Thậm chí Trung Quốc không ngại đe dọa, cản trở bên thứ ba như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp, Anh tiếp cận khu vực. Bên cạnh đó, trước đây Trung Quốc tập trung bảo vệ khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trái phép, còn bây giờ Trung Quốc lại đẩy mạnh lập trường đảo nhân tạo do họ xây được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Ý đồ của Trung Quốc là “cái sai nói mãi, làm mãi sẽ trở thành cái đúng”.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, “Trung Quốc cố ý diễn giải sai lệch luật pháp quốc tế để tiến hành các hành vi sai trái”. Theo ông Việt, Trung Quốc cho rằng các hoạt động dầu khí của Việt Nam làm “phức tạp tình hình”, qua đó vi phạm DOC. “Lập luận này của Bắc Kinh là cách suy diễn hoàn toàn lệch lạc. Khái niệm “hành vi làm phức tạp tình hình” chỉ áp dụng cho các vùng biển có tranh chấp. Hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hoàn toàn nằm trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo UNCLOS năm 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên. TQ muốn biến các vùng biển Việt Nam thành vùng biển tranh chấp nên viện dẫn rất vô lý đến quy định DOC”. Từ việc diễn dịch sai, Trung Quốc tiến hành các hành vi sai như thời gian qua. Theo ông Việt, Bắc Kinh muốn tái diễn kịch bản bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm từ Philippines năm 2012.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cập nhật thông tin về nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (12/9) khẳng định: “Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do những hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông cũng như ở khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan tới hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền được xác định theo đúng quy định của UNCLOS năm 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982. Việt Nam cũng khẳng định lập trường của mình đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Đáng chú ý, nhân dịp dự lễ khai mạc Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 16, tại Nam Ninh (Trung Quốc), trong cuộc hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính và Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lộc Tâm Xã, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (21/9) đã nêu rõ lập trường của Việt Nam, đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên Biển Đông.