Qua những diễn biến gần đây ở Biển Đông cho thấy, nếu không có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại trong những năm tới và thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Thứ nhất, việc Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đề cập trong thông cáo báo chí về việc kêu gọi “các nước liên quan và cộng đồng quốc tếcùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chungở Biển Đông” phù hợp với xu thế và mong muốn chung của các nước hiện nay. Vì rõ ràng, bất kỳ diễn biến nào ở Biển Đông theo cách này hay cách khác cũng đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển hòa bình, ổn định của các nước trong khu vực và thế giới. Điều này sẽ hiệu quả vì thực tế không một quốc gia hay một tổ chức đơn lẻ nào có thể tự mình đảm nhận sứ mệnh này. Tuy nhiên, xu thế này lại đi ngược với những tính toán của Bắc Kinh vì từ lâu Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản các can thiệp từ bên ngoài đối với vấn đề Biển Đông. Bất kỳ hành động nào làm tệ hơn tình hình ở Bãi Tư Chính có thể gây ảnh ưởng tới lợi ích và thu hút được sự can thiệp chủ động của các bên ngoài khu vực dưới danh nghĩa việc bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Mặc dù, những tuyên bố của Việt Nam và sự tham gia của cộng đồng quốc tế có thể sẽ không khiến bắc Kinh phải đảo ngược lại tất cả các hành động của mình ở Bãi Tư Chính ngay lập tức, nhưng ít nhất nó có thể ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các hành động hung hăng hơn và chỉ duy trì hiện diện các tàu của mình trên các trạm trong vùng nước ở đây như hiện nay.
Thứ hai, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các quốc gia có liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, cần có một lập trường thống nhất và rõ ràng về vấn đề này. Nhờ những tiếng nói tích cực của một số thành viên như Việt Nam, Malaysia, ASEAN đã có những tiếng nói thể hiện quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ hơn đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, song điều mà ASEAN cần tránh là sự chia rẽ nội bộ về ngôn ngữ và tông giọng của các phát ngôn, sự chia rẽ này có thể khiến cho các tuyên bố của Khối đưa ra đối với các hành động của Trung Quốc bị giảm hiệu lực. Để đạt được tác động sâu sắc hơn, giới lãnh đạo chính trị ASEAN cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ loại hành vi cưỡng ép nào tại Bãi Tư Chính, đi ngược lại với các thông lệ và quy tắc quốc tế sẽ làm phương hại tới những gì mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong vòng hai năm qua, trong đó có cả tiến trình COC. Bãi Tư Chính có thể là một phép thử cho vai trò trung tâm và tính phù hợp trong thời gian tới của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đã đến lúc ASEAN phải có sự thể hiện phù hợp sau khi đã thất bại trong việc đưa ra tiếng nói chung tại Hội nghị của khối (7/2012).
Thứ ba, các cường quốc bên ngoài khu vực quan trọng và các thể chế quốc tế như Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc… vốn đã thành công trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong một thời gian dài, cũng nên thể hiện tiếng nói của mình. Mỹ đã là cường quốc đầu tiên phản ứng với các hành động gần đây của Trung Quốc. Dự thảo của Thượng viện về Đạo luật Trừng phạt Trung Quốc liên quan tới các hành vi trên Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2019, đề xuất vào cuối tháng 5/2019 có thể sẽ nhận được một cú huých nhất định sau va chạm này. Một khi được thông qua, các biện pháp trừng phạt có thể nâng cái giá phải trả đối với Trung Quốc và buộc nước này phải thay đổi hành động của mình. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế, không chỉ là các quốc gia ASEAN, nhận ra rằng việc cố gắng gắn Trung Quốc với các nỗ lực chung liên quan tới vấn đề Biển Đông đã không mang lại hiệu quả sau những nỗ lực liên tiếp thời gian qua. Một mặt, Trung Quốc công khai theo đuổi chính sách ngoại giao, thể hiện qua việc nước này thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Nhưng mặt khác, nước này tiếp tục sử dụng các công cụ cưỡng chế để có thể đạt được mục tiêu của mình, làm phương hại tới quyền hợp pháp của các bên khác. Các lợi thế về địa lý của Trung Quốc là một quốc gia ven biển ở Biển Đông và lực lượng của họ xây dựng trên và xung quanh Biển Đông đã cho họ các khả năng vô tiền khoáng hậu trong việc thực thi các hành vi cưỡng chế.
Tóm lại, nếu không có một phản ứng cứng rắn từ phía cộng đồng quốc tế tới các hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại trong những năm tới đơn giản bởi Bắc Kinh rất hào hứng nhận ra rằng các hành động cưỡng ép của họ đã mang lại hiệu quả. Từ đó, điều này sẽ trở thành một động lực không chỉ cho Trung Quốc mà còn là các nước khác trong và ngoài khu vực đang nhen nhóm ý định bình thường hoá các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ tiêu chuẩn trong cách hành xử quốc gia khi mà lẽ phải sẽ thuộc về kẻ nắm quyền. Như lịch sử đã chỉ ra, nhân nhượng sẽ chỉ gây ra nhiều hành động gây hấn hơn bởi những kẻ hung hăng cường quyền biết rằng sẽ không có giới hạn nào cho các hành động của họ. Và như vậy, Bãi Tư Chính không nên trở thành một “Sudetenland” của Biển Đông.