Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm 2019: Duy trì trật tự...

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm 2019: Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Bộ Quốc phòng Trung Quốc (26/9) cho biết, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 với chủ đề “Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” sẽ được tổ chức từ ngày 20-22/10.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang diễn ra gay gắt, tình hình Biển Đông, Hồng Công, Đài Loan đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp và vấn đề nội bộ Trung Quốc đang có nhiều bất ổn.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhâm Quốc Cường cho biết bốn chủ đề lớn của diễn đàn là: Quan hệ giữa các nước lớn và trật tự quốc tế; Quản lý và kiểm soát rủi ro an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Lợi ích và an ninh chung của các nước vừa và nhỏ: Hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và ổn định toàn cầu. Các chủ đề của 8 nhóm thảo luận trong diễn đàn là: Đổi mới khái niệm an ninh; Xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau; Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương; Tình hình an ninh hàng hải; Quốc tê hợp tác chống khủng bố: Tình thế an ninh mới ở Trung Đông; Đổi mới công nghệ và an ninh quốc tế; Trí tuệ nhân tạo và chiến tranh trong tương lai. Theo ông Nhậm Quốc Cường, năm 2019 còn có một chủ đề đặc biệt là “70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sự phát triển hòa bình của thế giới”, trong đó đề cập bốn vấn đề lớn là: Trào lưu thời đại hội tụ hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi; nghiên cứu mệnh đề quan trọng 70 năm nước Trung Quốc mới và 100 năm của thế giới; những đe dọa và thách thức về an ninh mà tất cả các quốc gia phải đối mặt trong sự thay đổi lớn chưa từng có trong cả trăm năm qua; cùng nhau bàn luận, xây dựng và chia sẻ cộng đồng vận mệnh nhân loại.

Ban Tổ chức đã gửi giấy mời đến lãnh đạo Bộ Quốc phòng và quân đội của hơn 100 quốc gia, người phụ trách các tổ chức và cơ quan nghiên cứu cùng nhiều chuyên gia, học giả quốc tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới có gần 60 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế xác nhận sẽ cử các phái đoàn chính thức tới tham gia Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9. Trong đó có 25 bộ trưởng quốc phòng, 6 chỉ huy quân đội, 14 quan chức cấp thứ trưởng và hơn 100 chuyên gia, học giả.

Diễn đàn An ninh Hương Sơn Bắc Kinh do do Hội Khoa học quân sự Trung Quốc đứng ra tổ chức. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã 8 lần tổ chức Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh. Khi mới lập ra năm 2006, cứ hai năm tổ chức một lần, là diễn đàn không chính thức. Tuy nhiên, từ năm 2014 Diễn đàn Hương Sơn chuyển thành diễn đàn quốc tế về phòng thủ và an ninh tiến hành mỗi năm một lần (trừ năm 2017 không tổ chức được với lý do Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đang tái cơ cấu).

Tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 với chủ đề “Xây dựng đối tác an ninh kiểu mới, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng thắng” (25-26/10/2018), có 4 phiên toàn thể về các chủ đề: Quan niệm (ý tưởng) mới, con đường (phương pháp tiếp cận) mới đối với quản trị an ninh quốc tế; chủ nghĩa khủng bố và các biện pháp ứng phó; hiện thực và tầm nhìn hợp tác an ninh trên biển; thách thức và hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; cùng các phiên đồng thời. Tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 có hơn 400 đại biểu là các nhà lãnh đạo quân đội, học giả và nhà nghiên cứu đến từ hơn 70 nước và 4 tổ chức quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư tới Diễn đàn, cho biết Trung Quốc kiên trì con đường phát triển hòa bình, sẵn sàng hợp tác an ninh với tất cả các nước vì mục tiêu cùng thắng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư (24/10) dẫn lời ông Tập Cận Bình cho rằng, thành tựu lịch sử Trung Quốc giành được qua 40 năm Cải cách mở cửa và những thay đổi có tính lịch sử là kết quả của ý chí đoàn kết, phấn đấu vươn lên của nhân dân Trung Quốc; con đường Cải cách mở cửa của Trung Quốc là con đường “hợp tác cùng chiến thắng” giữa Trung Quốc với thế giới; cho rằng, mậu dịch song phương Trung – Mỹ quyết không phải là “đường một chiều” Mỹ đem của cải đến cho Trung Quốc. Thực tế, Mỹ đã giành được lợi ích kinh tế rất lớn từ việc hợp tác với Trung Quốc. Hai bên cần cùng đi một hướng, thông qua đàm phán giải quyết ổn thỏa các vấn đề tồn tại để quan hệ hai bên phát triển theo quỹ đạo đúng; khẳng định “lập trường nguyên tắc của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên và vấn đề Biển Đông” và chĩa mũi nhọn vào Mỹ khi nói: “Có quốc gia đã áp dụng một loạt cách làm sai trái trong vấn đề Đài Loan, làm tổn hại đến hòa bình ổn định của khu vực eo biển Đài Loan, cũng uy hiếp hòa bình, an ninh khu vực, chúng tôi kiên quyết phản đối”. Theo ông Lật Chiến Thư, “Đài Loan là một bộ phận không thể chia cắt của Trung Quốc; Trung Quốc có ý chí kiên định, niềm tin và đủ khả năng đánh bại âm mưu chia cắt, Đài Loan độc lập dưới bất cứ hình thức nào”.

Trong khi đó, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã giới thiệu về chính sách tăng cường hợp tác, thúc đẩy đối thoại của quân đội Trung Quốc. Ông cho hay, Trung Quốc mong muốn xây dựng một cấu trúc an ninh ở khu vực mà các nước đều chấp nhận được. Để hợp tác an ninh cùng thắng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra 4 đề xuất. Thứ nhất là hợp tác xa rộng hơn nữa thông qua nâng cao đối thoại chiến lược, quản lý các nguy cơ và khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát, nâng cao tin tưởng lẫn nhau và hợp tác làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng để nâng cao quản trị an ninh toàn cầu. Thứ hai là tiếp tục theo đuổi rộng mở dung nạp thay vì đối đầu, chấp nhận khác biệt, tạo điều kiện cho hợp tác cùng thắng và an ninh chung. Bên cạnh đó, theo đuổi tham vấn và đóng góp chung thay vì chủ nghĩa đơn phương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, các quốc gia cần kết hợp với nhau trên một con thuyền, các quốc gia lớn phải có đóng góp lớn hơn, thúc đẩy điều phối đa phương. Cuối cùng là theo đuổi tôn trọng lẫn nhau, chung sống trong hòa bình, bình đẳng, thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế, đối xử chân thành và chấp nhận lẫn nhau. Về vấn đề Biển Đông, Ngụy Phượng Hòa đã cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông một cách phi pháp là “thực thi quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền, không liên quan đến quân sự hóa”. Ông ta ám chỉ Mỹ khi nói, Trung Quốc “phản đối quốc gia ngoài khu vực giương chiêu bài tự do hàng hải để tới Nam Hải (Biển Đông) thể hiện vũ lực và tiến hành khiêu khích, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực”.

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất về chủ đề quản trị an ninh quốc tế, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ, những diễn biến an ninh trên thế giới gần đây có nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Không phải lúc nào Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế cũng được tôn trọng. Khi lợi ích cục bộ, chủ nghĩa đơn phương bị đẩy cao thì những thách thức đối với hiệu quả quản trị an ninh quốc tế cũng như đối với vai trò của Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương càng trở nên khó khăn, phức tạp. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng, để quản trị an ninh quốc tế tốt hơn, các nước cần củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế và cơ chế hợp tác. Các cơ chế hợp tác đa phương không chỉ giúp cho các quốc gia tìm kiếm cơ hội cùng phát triển, mà hơn nữa còn để giải quyết các bất đồng, tranh chấp và xung đột giữa các bên, coi đó như một nhân tố mới làm thay đổi nền chính trị thế giới hiện đại và thúc đẩy sự chuyển động định hình cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo trang tin Đa Chiều, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh có thể được Trung Quốc sử dụng để thách thức địa vị của Đối thoại Shangri-la. Đối thoại Shangri-la được tổ chức tại Đông Nam Á, một trong những trung tâm của địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương, được Mỹ ngầm ủng hộ. Còn Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh được các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm và ủng hộ, đồng thời có sự tham gia và ủng hộ của các nước Đông Bắc Á và Tây Á. Sự quan tâm của lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ qua việc ông Tập Cận Bình gửi thư chúc mừng và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư – nhân vật thứ 3 trong ban lãnh đạo Trung Quốc, tới dự và phát biểu tại bữa tiệc chào mừng tối 24/10/2018. Đa Chiều coi đây là một sự thay đổi quan trọng về mặt ngoại giao bởi khi Diễn đàn tổ chức lần đầu năm 2006, người đến dự và phát biểu chỉ là ông Tôn Á Tài, Phó Chủ nhiệm Văn phòng quan hệ với Đài Loan và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hà Á Phi. Diễn đàn lần 2 năm 2008, người phát biểu là bà Phó Oánh, Thứ trưởng Ngoại giao …Các năm 2014 và 2015, người phát biểu chào mừng đều là Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân. Về phía quân đội Trung Quốc, trong các lần trước đây, người đến dự và phát biểu tại Diễn đàn lần thứ nhất là Trợ lý Tổng Tham mưu trưởng Chương Tất Sinh, các lần sau thường là Phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên hoặc Thích Kiến Quốc; năm 2016 (lần 7) là Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, lần thứ 8 là Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Một điểm đáng chú ý, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2018 được tiến hành cùng lúc với cuộc Diễn tập Hải quân ASEAN – Trung Quốc (ACMEX) 2018 lần đầu tiên, diễn ra từ ngày 22- 26/10/2018 ngoài khơi quân cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với sự tham gia của các tàu hải quân Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Brunei, Thái Lan và Philippines, trong khi các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar chỉ cử quan sát viên. Trang tin Đa Chiều (DWNews) cho rằng, những động thái này của Trung Quốc nhằm tỏ rõ họ đã giành được những đột phá rõ rệt trong việc xử lý mối quan hệ đa phương và có ý thách thức Đối thoại Shangri-la do Mỹ và các nước phương Tây chủ xướng, thể hiện tiếng nói của họ trong vấn đề an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới