Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐưa giàn khoan Hải Dương 982 vào hoạt động ở Biển Đông:...

Đưa giàn khoan Hải Dương 982 vào hoạt động ở Biển Đông: Hành động gia tăng căng thẳng mới của TQ

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (25/9) cho biết, Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 tới hoạt động ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lại thông tin từ tài khoản mạng xã hội Trường An Kiếm (Chang An Jian) của Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc cho biết giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 từ hôm 21/09 hoạt động tại một vùng biển sâu đến 3.000 m ở Biển Đông, nhưng vị trí của giàn khoan không được tiết lộ. Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc (21/8) thông báo Hải Dương 982 tiến hành hoạt động trên Biển Đông từ ngày 21/8 đến ngày 5/11, mỗi ngày 24 tiếng, tại khu vực có bán kính 2 km tính từ tâm là vị trí có tọa độ 17°37′44.589 vĩ Bắc / 110°21′16.894 kinh Đông. Cũng theo thông báo trên, vị trí này là khu vực giếng dầu Lăng Thủy 15-2-1 (LS15-2-1), nằm về phía Đông Nam thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 982 xuống Biển Đông trong bối cảnh tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của nước này cũng đang có các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tại khu vực Bãi Tư Chính. Hiện nay Hải Dương Địa Chất 8 đã được đưa về neo đậu tại Đá Chữ Thập, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia quân sự thì nhiều khả năng tàu khảo sát này sẽ tiếp tục quay lại Bãi Tư Chính để quấy phá như đã từng làm.

Theo tờ báo Hồng Kông, từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động thăm dò đầu khí nhằm giảm lệ thuộc vào nguồn cung ứng dầu thô từ nước ngoài. Mối quan ngại của Trung Quốc về việc thiếu nhiên liệu càng gia tăng, trong bối cảnh các cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út vừa bị tấn công, mà vương quốc này là nguồn cung cấp dầu thô thứ hai cho Trung Quốc.

Hải Dương 982 được hạ thủy tháng 5/2017 và được chuyển giao cho Công ty dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào tháng 3/2018. Giàn khoan Hải Dương 982 được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, có thể chịu được những cơn bão mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết khi tác nghiệp tại Biển Đông. Hải Dương 982 được trang bị hệ thống định vị động lực DP3, khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500m và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 9.144m. Giàn có chiều dài 104,5 mét, chiều rộng 70,5 mét, có thể phục vụ cho 180 nhân viên. Giàn khoan này được chế tạo với thời gian phục vụ khoảng 25 năm. CCTV từng cho biết, giàn khoan Hải Dương 982 chính là phiên bản giản hóa của giàn khoan Hải Dương 981. Nó sẽ thuận lợi hơn cho Trung Quốc trong quá trình thăm dò và khai thác dầu khí, bởi giàn khoan Hải Dương 982 được thiết kế có thể liên kết với các ụ tàu nổi, các cảng trên biển để trở thành “đảo di dộng nhân tạo trên biển”.

Trước đây, Trung Quốc từng nhiều lần đưa các giàn khoan nước sâu vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Điển hình là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép ở Biển Đông. Theo đó, ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí  cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc đã huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 7 tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá để “hộ tống” giàn khoan Hải Dương 981. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc, trong đó các tàu chiến thường xuyên lởn vởn xung quanh giàn khoan.

Để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định “thiết lập vị trí cố định”. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động của phía Trung Quốc và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ngày 5/5, Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Ngày 11/5, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu mọi phương án để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình, kể cả phương án pháp lý, đó là kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Ngày 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Ngày 20/5, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông”.

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dưới sức ép quyết liệt từ phía cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng đã phải chấm dứt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của mình và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trong những năm qua, tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định cho khu vực và thế giới. Vì thế, vấn đề Biển Đông luôn là mối quan tâm của các nước trong khu vực, các nước lớn và cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Đối với Việt Nam, giải quyết vấn đề này được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng và Nhà nước.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương. Với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan. Trong trường hợp các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải thực hiện bằng các phương thức khác, như: trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế tài phán quốc tế. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam không chấp nhận yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc để tạo thành vùng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục khai thác và bảo vệ các lợi ích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó có những hoạt động của các công ty dầu khí; đồng thời, hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài có thực lực và kinh nghiệm tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới