Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội đồng và Nghị viện châu Âu ủng hộ lập trường của...

Hội đồng và Nghị viện châu Âu ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Trong cuộc gặp giữa Đoàn đại biểu của Việt Nam và Hội đồng và Nghị viện châu Âu, hai bên đã trao đổi, thảo luận về thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và vấn đề Biển Đông.

Tham dự Diễn đàn Kết nối Âu-Á do Uỷ ban châu Âu (EC) tổ chức, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc với Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Dimitrios Papadimoulis, Uỷ viên Thương mại của EU Cecilia Malmstrom, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange.

Tại các cuộc làm việc với đại diện Lãnh đạo Hội đồng và Nghị viện châu Âu, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ vui mừng trước những tiến triển gần đây trong quan hệ hai bên, trong đó có việc ký kết hai Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA, IPA) và đề nghị hai bên phối hợp nỗ lực thúc đẩy tiến trình EP phê chuẩn hai hiệp định quan trọng này vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thành viên EU, vì chủ nghĩa đa phương, tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá. Đại diện Lãnh đạo Hội đồng và Nghị viện châu Âu khẳng định EU mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và cho rằng việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU mà còn thể hiện cam kết của hai bên đối với tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá, đồng thời cam kết cá nhân sẽ nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy việc phê chuẩn hai hiệp định trên.

Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Văn Bình đã trao đổi về diễn biến và các vi phạm đối với quyền chủ quyền của Việt Nam trong thời gian qua ở Biển Đông, đề nghị phía EU ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trong khi đó, Đại diện Lãnh đạo Hội đồng và Nghị viện châu Âu khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam, cho rằng các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, vì hoà bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không; đây là vấn đề quốc tế cùng quan tâm vì nơi đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả EU cũng như châu Á và toàn cầu. Theo bà Federica Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có EU; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm; nêu rõ việc quân sự hóa và căng thẳng vừa qua tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định tại khu vực; mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC có tính ràng buộc pháp lý.

Được biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 55,8 tỷ USD năm 2018, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với 400 triệu euro giai đoạn 2014-2020.Cuối tháng 6/2019, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; khẳng định cam kết của hai bên ủng hộ thương mại tự do, bình đẳng và minh bạch cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác liên khu vực Á-Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới