Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh TQ có điểm gì đặc...

Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh TQ có điểm gì đặc biệt

Ngày 1/10, Bắc Kinh sẽ tổ chức hàng loạt các sự kiện chào mừng 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.

Lễ kỷ niệm 70 năm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc không “yên bình”

Năm 2019, Trung Quốc đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Từ quan hệ quốc tế, an ninh chính trị nội bộ, đến kinh tế, quân sự đều gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết; tình hình căng thẳng ở Hồng Công tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; vấn đề Đài Loan đang bế tắc; vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục bị phương Tây lên án, chỉ trích năng nệ; Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích; nền kinh tế trong nước chịu áp lực suy giảm tăng trưởng nặng nề, năng suất lao động sụt giảm kéo dài khiến Bắc Kinh đối mặt với nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội…

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra từ giữa năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Theo một khảo sát gần đây của Reuters, khoảng 80% các nhà kinh tế tham gia cho rằng chiến tranh thương mại sẽ giữ mức hiện tại hoặc trầm trọng hơn cho đến hết năm sau. Các cuộc đàm phán thương mại hai bên thời gian qua đều rơi bế tắc sau khi Bắc Kinh được cho là đi ngược với các cam kết trước đó, bao gồm việc thay đổi luật pháp để tăng cường các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc và tạo thuận lợi để doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch tăng thuế đối với hầu hết các mặt hàng Trung Quốc nhằm tăng cường thế và lực của Washington trên bàn đàm phán. Mới đây nhất, hai bên liên tục tung thuế ăn miếng trả miếng đẩy thương chiến lên nấc thang mới. Washington ngày 1/9 kích hoạt thu thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, còn Bắc Kinh áp thuế bổ sung 5-10% lên hàng hóa Mỹ cùng ngày. Hiện chưa thể khẳng định các cuộc đàm phán sắp tới sẽ giúp trì hoãn việc áp thuế bổ sung từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/10.

Đã 18 tuần, hoạt động biểu tình ở Hồng Công chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bất kể Trưởng Đặc khu Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút Dự luận dẫn độ, tình hình căng thẳng ở Hồng Công vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, khiến Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục hối thúc Bắc Kinh cần có giải pháp đối thoại cho vấn đề Hồng Công. Biểu tình gần 4 tháng qua ở Hồng Công được xem là một trong những thách thức lớn nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Trung Quốc phủ nhận can thiệp vào các vấn đề của Hồng Công, cáo buộc các nước phương Tây thúc đẩy tình trạng thêm bất ổn. Hình ảnh người dân xếp hàng dài tại sân bay biểu tình, các cuộc đụng độ trên khắp các con phố có mặt trên khắp các trang báo khiến nhiều nước lên tiếng quan ngại và kéo sụt lượng khách du lịch tới Hồng Công nhiều tháng qua. Hơn 1.100 người bị bắt giữ kể từ khi bạo lực leo thang đầu tháng 6. Hồng Công cũng đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế lớn.

Tình hình kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Trung Quốc trở thành động lực chính của sự tăng trưởng kinh tế thế giới khi các quốc gia phát triển đang chịu thiệt hại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ đầu những năm 1990. Trung Quốc chứng kiến sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ chấm nhất kể từ tháng 8/2002. Vài tuần sau, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng sẽ không dễ để nước này duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%. Các vấn đề trong nước, thương chiến với Mỹ và dịch tả lợn, tất cả đang phá vỡ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Không những vậy, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng Tám so với một năm trước đó và xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 16%. Kinh tế Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ trong quý II, giảm từ 6,4% trong ba tháng đầu năm và 6,6% trong năm 2018.

Cuộc sống người dân Trung Quốc đang bị đảo lộn và chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt thực thẩm và lạm phát tăng cao. Trong một khảo sát gần đây của Bloomberg, với nhiều người dân Trung Quốc, mối lo về chi phí sinh hoạt là lớn nhất. Rất nhiều người nói về việc cuộc sống ngày một khó khăn, đặc biệt khi giá thịt lợn tăng cao. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho biết, thịt lợn là món ăn chủ chốt tại Trung Quốc. Giá mặt hàng này đã tăng gần 50% trong tháng 8, khiến nhiều sản phẩm khác cũng trở nên đắt đỏ hơn. Tình trạng này có thể kéo dài sang năm sau. Ngay cả việc nhập khẩu thịt lợn cũng không đủ bù 10 triệu tấn thiếu hụt tại đây.

Mới đây nhất, hơn 30 nước dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã lên án Trung Quốc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cho rằng các nước này đang vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo trong một sự kiện khác bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc; cho rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số. Ông Pompeo đã đưa ra ý kiến trên trong một cuộc họp vào Chủ nhật với các bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Trung Á, bao gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan bên lề Đại hội đồng thường niên của Liên Hợp Quốc. Trước đó, Thượng viện Mỹ (11/9) đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực Tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức.

Đáng chú ý, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc liên tục điều các nhóm tàu khảo sát, chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Nhật Bản… Hành động trên của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối cứng rắn của cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) đã phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (19/7) cũng lên tiếng chỉ trích hành động đe dọa hòa bình và an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông John Bolton nhận định tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và ASEAN. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc nhằm vào các nước láng giềng Đông Nam Á đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình – ổn định khu vực…

Trung Quốc ban hành hàng loạt lệnh cấm để chuẩn bị Quốc Khánh

Để làm tốt công tác chuẩn bị cho đợt lễ kỷ niệm, Chính phủ Trung Quốc đang có sự cảnh giác cao độ và đưa ra hàng loạt các lệnh cấm như cấm thả diều, bóng bay, chim bồ câu, máy bay mô hình điều khiển từ xa; cấm các chủ phương tiện tự mình bơm xăng xe tại các cây xăng; cấm sử dụng bộ đàm và các thiết bị khác sử dụng sóng vô tuyến. Người dân sống tại những ngôi nhà gần quảng trường Thiên An Môn được lệnh không được đến gần cửa sổ và phải đóng rèm lại. Tại tỉnh Thiểm Tây lân cận, cảnh sát và nhân viên các cơ quan an ninh địa phương khác cũng bị cấm uống rượu kể từ ngày 15/9.

Đáng chú ý, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các hoạt động kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Trung Quốc cũng đưa ra một loạt các biện pháp kiểm soát. Hiện Bắc Kinh và các khu vực lân cận đã áp dụng biện pháp hạn chế các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng, điện, nhằm giữ bầu trời quang đãng trước ngày quốc khánh. Thành phố Từ Châu, thuộc tỉnh Giang Tô, cũng đóng cửa hơn một chục nhà máy sản xuất thép và hạn chế việc sản xuất than cốc. Ngoài ra, chính quyền Từ Châu sẽ hạn chế các xe chở hàng công nghiệp và việc đốt rơm tại các khu vực ngoại thành. Tại thành phố trọng điểm công nghiệp khác là An Dương, tỉnh Hà Nam, chính quyền cũng ra báo động đỏ từ 25/9 nhằm siết lại hoạt động công nghiệp và vận tải, trong đó cũng đóng cửa toàn bộ các nhà máy sản xuất thép.

Lễ duyệt binh của Trung Quốc có gì mới

Lễ duyệt binh lần này là một phần quan trọng trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập nước Trung Quốc mới, nhiều loại vũ khí tối tân do Trung Quốc sản xuất sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc diễu binh lần này. Đại diện Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương nhấn mạnh sự kiện là dịp để công bố các thành tựu của công cuộc xây dựng quốc phòng 70 năm qua tại Trung Quốc, đồng thời thể hiện hình ảnh mới của quân đội Trung Quốc sau đợt cải tổ lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Lễ diễu binh sẽ có 3 đội hình chính, gồm lực lượng diễu binh dưới đất, trên không và trang bị vũ khí. Đáng chú ý, ông Thái Chí Quân cho biết, Lễ duyệt binh không nhằm vào bất cứ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào, không nhằm vào bất cứ tình thế riêng lẻ nào và quy mô cuộc duyệt binh không nhằm gửi tín hiệu cứng rắn, quân đội Trung Quốc luôn “cam kết bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định khu vực”.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters cho biết, các lực lượng vũ trang Trung Quốc dự kiến sẽ giới thiệu hàng loạt vũ khí mới tại lễ duyệt binh. Các loại tên lửa tiên tiến sẽ là yếu tố thu hút sự quan tâm lớn nhất tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. Nhiều loại trong số này được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và căn cứ mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực. Một số vũ khí có thể kể ra gồm “kẻ hủy diệt tàu sân bay Dongfeng-21D” được Trung Quốc cho là có thể đánh trúng các loại tàu chiến hiện đại, và tên lửa tầm trung DF-26, được gọi là “kẻ hủy diệt Guam,” ám chỉ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Sự chú ý của của truyền thông nhà nước còn tập trung vào tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, đủ sức vươn tới Mỹ. Vũ khí này là một trong những phương tiện răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn đạt được bước tiến lớn trong hoạt động phát triển các tên lửa siêu vượt âm như DF-17. Theo lý thuyết, loại tên lửa này có thể đạt tới tốc độ cao gấp nhiều lần vận tốc âm thanh, từ đó nâng cao hơn nữa khả năng tấn công tầm xa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bên cạnh các loại tên lửa mới, giới phân tích còn đặc biệt chú ý tới khả năng Trung Quốc sẽ ra mắt hai mẫu máy bay không người lái tàng hình trong lễ duyệt binh. Sau khi phân tích các bức ảnh và các nguyên mẫu bị rò rỉ, các chuyên gia tin rằng, một trong hai chiếc máy bay này là “Lijian” (Kiếm Sắc/Sharp Sword), tương tự mẫu X-47 của Mỹ. Mẫu còn lại được cho là mang tên DR-8. Đây có thể là một máy bay do thám siêu âm hoặc siêu vượt âm. Hình dáng của DR-8 tương tự chiếc máy bay do thám không người lái D-21 của Mỹ trong những năm 1960, với tốc độ vượt hơn ba lần vận tốc âm thanh.

RELATED ARTICLES

Tin mới