Chuẩn đô đốc Karl O. Thomas, người đứng đầu hạm đội hải quân lớn nhất thế giới, nhấn mạnh tự do hàng hải phải được duy trì ở Biển Đông và Mỹ sẽ hiện diện tại khu vực cho tới khi không còn bất kỳ yêu sách vô lý nào nữa.
“Vì sao lại chọn Biển Đông? Câu trả lời vì đây là một khu vực đầy những tranh chấp lãnh thổ phức tạp cả trên biển, trên không và hiện diện ở khu vực là nghĩa vụ của chúng tôi”, Chuẩn đô đốc Thomas nhấn mạnh trước các nhà báo được mời lên tàu sân bay USS Ronald Reagan đang hoạt động ở Biển Đông.
“Các chuyến tuần tra của chúng tôi không chỉ vì lợi ích của Mỹ, mà còn vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực”, ông Thomas nhấn mạnh, trước khi kêu gọi các quốc gia khác cử các lực lượng hải quân tới tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông với mục đích duy trì an ninh, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Chuẩn đô đốc Mỹ nhấn mạnh tự do hàng hải có ý nghĩa quan trọng trên Biển Đông, nơi ghi nhận các giao thương hàng hóa bằng đường biển lên tới 5,3 ngàn tỉ USD mỗi năm.
Tờ Manila Standard của Philippines bình luận: dù không đề cập trực tiếp, Chuẩn đô đốc Thomas đã ngụ ý sự hiện diện của hải quân Mỹ tại khu vực sẽ đóng vai trò hạn chế hành vi gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông, duy trì ảnh hưởng của Washington.
Các tuyên bố của ông Thomas dường như là lời nhắn nhủ dành cho người kế nhiệm ông, Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, một cựu phi công hải quân dày dặn kinh nghiệm. Một buổi lể chuyển giao quyền chỉ huy từ ông Thomas sang ông Wikoff đã được tổ chức trên tàu USS Ronald Reagan trong cùng ngày 29-9.
Theo trang USNI News, ông Thomas sẽ trở về Washington và phục vụ trong vai trò mới là trợ lý Tham mưu trưởng hải quân Mỹ.
USS Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận Talisman Saber 2019 tại Úc tháng 7-2019 – Nguồn: US NAVY
Trong 14 tháng dưới thời ông Thomas, các tàu chiến của hạm đội 7 đã liên tục tham gia các đợt tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và thách thức chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như đợt diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN hồi đầu tháng 9.
Trên cương vị mới, Chuẩn đô đốc Wikoff sẽ nắm quyền chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và bất kỳ nhóm tàu sân bay hay tàu chiến nào của Mỹ hoạt động trong khu vực rộng 124 triệu km2 từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương.
USS Ronald Reagan, siêu tàu sân bay hạt nhân thuộc lớp Nimitz của Mỹ, hiện đang có mặt trên Biển Đông, theo trang USNI News.
Con tàu trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày cuối tuần qua khi một số bức ảnh vệ tinh chưa thể xác minh được lan truyền trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và Twitter. Nó cho thấy tàu sân bay Mỹ đang bị “vây hãm” bởi một nhóm tàu nhỏ hơn mà theo giả thuyết của một số tờ báo là “tàu chiến Trung Quốc”.
Các bức ảnh được chụp các ngày 23-9 và 28-9 cho thấy USS Ronald Reagan dường như chỉ có một mình khi đi ngang qua vùng biển đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này gây ngạc nhiên cho giới theo dõi tin tức quân sự vì tàu sân bay của Mỹ luôn có tàu hộ tống.
Hiện Mỹ vẫn chưa lên tiếng về vụ việc. Khi được hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo ngày 26-9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã né tránh, song lên giọng cáo buộc Mỹ đang kích động bất ổn quân sự trong khu vực và kêu gọi Washington “đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.
Có căn cứ tại cảng Yokosuka của Nhật Bản, Hạm đội 7 là lực lượng mạnh và đông đảo nhất của hải quân Mỹ với hơn 70 tàu chiến các loại, bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu ngầm hạt nhân; 140 máy bay chiến đấu cùng hơn 40.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến.
Tính đến ngày 30-9, trong số 100 tàu chiến được hải quân Mỹ triển khai trên khắp thế giới, có tới 59 tàu thuộc Hạm đội 7, theo USNI News.