Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan sát Cuộc sống Đó đây Hồ sơ Triều Tiên và Mỹ...

Quan sát Cuộc sống Đó đây Hồ sơ Triều Tiên và Mỹ có thể trở thành đồng minh?

Hai học giả David Jonathan Wolff và William R. McKinney đã nêu những cơ sở để kịch bản này có thể xảy ra.

Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên, những căng thẳng được hạ nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên đã đưa ra cơ hội thực tế để giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng cách tập trung vào những lo ngại an ninh ngày càng có điểm chung giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ về tham vọng của Trung Quốc.

Thực tế mới báo trước một sự sắp xếp lại trật tự an ninh khác xa so với sự sắp xếp hiện nay cũng như đánh giá lại vai trò và trách nhiệm an ninh của Mỹ trong khu vực.

Mỹ nên tìm kiếm việc tái cân bằng sự thay đổi quyền lực ở Đông Bắc Á bằng 2 cách: Thứ nhất, “trao quyền” cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm tái cân bằng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Thứ hai, trở thành một nhà đảm bảo an ninh đa chiều cho các đồng minh, đối tác khu vực trong đó có thể bao gồm cả Triều Tiên.

Kết luận của học giả David Jonathan Wolff và William R. McKinney dựa trên 2 giả định. Thứ nhất, vai trò của Mỹ là thiết yếu trong việc đối trọng với xu hướng gia tăng quyền lực của Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ nên tìm cách đối trọng với sức mạnh Trung Quốc từ Bán đảo Triều Tiên.

Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ nên đề xuất một thỏa thuận an ninh và kinh tế mới để “trao quyền” cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc hỗ trợ mình trong việc cân bằng Trung Quốc. Và để ngăn chặn sự chi phối của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên, chiến lược của Mỹ cần phải bao gồm cả mối quan hệ mang tính xây dựng với Triều Tiên; tương tự như mối quan hệ giữa Mỹ với Hàn Quốc.

Mối quan hệ được bình thường hóa giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ mở ra con đường tốt nhất cho Mỹ để định hình một cách tích cực môi trường an ninh Đông Bắc Á trong tương lai, và là cách thực tế duy nhất nhằm thuyết phục Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý phi hạt nhân hóa.

Mối đe dọa an ninh chung về lâu dài

Sự trở lại của một Trung Quốc bá chủ đã tạo cơ hội cho Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên liên kết các lợi ích an ninh với lợi ích chung lâu dài. Để nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân trước tiên ông ấy cần phải được thuyết phục rằng, việc phi hạt nhân hóa sẽ không bị đánh đồng với việc mất an ninh quốc gia của Triều Tiên.

Những chỉ trích của Triều Tiên nhằm vào Mỹ khiến nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Tuy nhiên, động cơ tối cao của Triều Tiên là an ninh và sự tồn tại của chính họ. Răn đe Mỹ là một phần của nỗ lực đó, nhưng sẽ còn hợp lý hơn khi kết luận rằng họ lo sợ đòn bẩy ngày càng lớn từ một Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.

Quyết định quan trọng đối với người [Bán đảo] Triều Tiên

Sự liên kết an ninh sẽ làm mạnh mẽ thêm tương lai của người dân trên Bán đảo Triều Tiên như thế nào?

Tất cả người Triều Tiên (Hàn Quốc và Triều Tiên) đều lo ngại sâu sắc bởi sự trỗi dậy chủ nghĩa bá quyền lịch sử của Bắc Kinh đối với Bán đảo Triều Tiên. Họ ngày càng hiểu rằng Trung Quốc đang tìm cách hòa hợp với cả 2 miền [Bán đảo] Triều Tiên cho đến khi có thể khiến họ phải phụ thuộc vào các lợi ích của Trung Quốc. Điều này đã được chứng minh khi Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên nhiều hơn so với nhập khẩu từ nước này. Trung Quốc cũng đã vượt mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, gia tăng ảnh hưởng đối với cả 2 nửa của Bán đảo Triều Tiên.

Đối với cả 2 miền, mối quan hệ đối tác với Mỹ sẽ là lựa chọn đối trọng tốt hơn. Hàn Quốc đã làm vậy suốt 7 thập kỷ và họ đã chứng minh được đó là lựa chọn tốt. Ngược lại, quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc đã khiến họ không được đảm bảo an ninh cũng như thịnh vượng.

Vai trò cân bằng quyền lực của Mỹ

Thuyết phục Kim Jong-un chấp nhận đề xuất của Mỹ về việc làm cho Triều Tiên những gì họ đã làm cho Hàn Quốc, sẽ rất khó khăn, nhưng không phải là bất khả thi.

Xuyên suốt lịch sử, các cựu thù đã lựa chọn trở thành đối tác trước sự thay đổi cán cân quyền lực. Như cựu Thủ tướng Anh Henry John Temple đã từng nói: Các nước không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, họ chỉ có các lợi ích vĩnh cửu.

Học thuyết cân bằng quyền lực cũng chỉ ra rằng, các mối đe dọa bất ổn an ninh cần phải được kiềm chế, đối trọng hoặc bị loại bỏ. Mỹ không có ý định loại bỏ Trung Quốc và cũng không thể kiềm chế Trung Quốc. Bởi vậy, Mỹ phải đối trọng với Bắc Kinh.

Chiến lược của Mỹ với Triều Tiên hiện nay là răn đe quân sự, cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế. Biện pháp này không hiệu quả. Hơn nữa, việc làm suy yếu nửa Bắc của Bán đảo Triều Tiên không nằm trong lợi ích lâu dài của Mỹ hay Hàn Quốc, ngược lại, nó thậm chí có thể mở đường cho sự can dự sâu hơn của Trung Quốc vào Bán đảo Triều Tiên.

Một cách tiếp cận tốt hơn có thể sẽ là bảo vệ các lợi ích thiết yếu của Mỹ trong khu vực bằng cách đối trọng quyền bá chủ của Trung Quốc. Trong đó có 1 phần là việc trao quyền cho người [Bán đảo] Triều Tiên. Mỹ sẽ làm việc với đồng minh Hàn Quốc để kéo Triều Tiên về gần quỹ đạo của mình.

Sự hỗ trợ của Mỹ trong việc phát triển kinh tế Triều Tiên sẽ không thể ngăn được mối quan hệ giữa Trung Quốc với hai miền Triều Tiên, nhưng sẽ vẫn mở ra các cơ hội mới cho các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á.

Nếu mối quan hệ Mỹ-Triều được bình thường hoá, chúng ta có thể thấy Quân đội Nhân dân Triều Tiên tự điều chỉnh mục đích để bảo vệ sự độc lập của Triều Tiên trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Triều thậm chí còn có thể tính đến cả điều khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Mục tiêu thống nhất có thể trở nên khả thi khi quan hệ liên Triều được cải thiện.

Chiến lược được chứng minh là thành công

Bình thường hóa Bán đảo Triều Tiên đòi hỏi sự cam kết toàn diện với Triều Tiên. Với những vấn đề bất đồng gay gắt cần phải thiết lập các bước dần dần hướng tới những mục tiêu dài hạn.

Việc đóng băng các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân Triều Tiên là điều kiện cho phép Mỹ và Hàn Quốc làm việc với Bình Nhưỡng để giải quyết những mối lo ngại an ninh và kinh tế.

Ngược lại, các lệnh trừng phạt đã không làm thay đổi Triều Tiên. Những sáng kiến tài chính và kinh tế sẽ có hiệu quả hơn, nhưng lại chưa nằm trong chiến lược của Mỹ bởi Washington cho rằng như vậy là “trao phần thưởng” cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không phải là trao phần thưởng, mà nó sẽ làm thay đổi Triều Tiên.

Lôi kéo chính phủ hiện tại của Triều Tiên là một ý tưởng khiến nhiều người cảm thấy khó chấp nhận. Nhưng sẽ sai lầm nếu phản đối điều đó. Đây là một chiến lược đã được chứng minh là thành công trong việc cải thiện quan hệ với các cựu thù của Mỹ.

Mỹ từng có nhiều ví dụ điển hình về thành công trong chiến lược này như: cách tiếp cận của Nixon với Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm 1970, tình trạng giảm căng thẳng giữa Reagan và Gorbachev (Liên Xô) những năm 1980, việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam của Clinton những năm 1990 và nỗ lực của Obama trong việc làm điều tương tự với Myanmar và Cuba (giai đoạn những năm 2010).

Trong mỗi trường hợp, chính quyền Mỹ đều đã cải thiện đáng kể các mối quan hệ sau khi chuyển đổi chiến lược. Kết quả tất nhiên vẫn chưa phải là hoàn hảo nhưng khá ổn định. Việc giao kèo với Triều Tiên giờ là chính sách khả thi để Mỹ đi đến những đột phá tương tự. Tuy nhiên, để thành công, cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên phải cùng nắm bắt lấy cơ hội sắp xếp lại địa chiến lược

RELATED ARTICLES

Tin mới