Trong gần 3 tháng qua, Trung Quốc liên tiếp cho tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 08 cùng với nhiều tàu Hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu chiến trá hình quần thảo trong vùng biển Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính. Việt Nam đã kiên trì đấu tranh ngoại giao, quốc tế Mỹ cũng đã lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc rút tàu và tuân thủ luật pháp quốc tế, song Trung Quốc đều làm ngơ và tiếp tục gây hấn ngày càng leo thang.
Đã có hàng trăm bài viết của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, luật gia vạch trầnâm mưu, ý đồ và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỗi người phân tích và đưa ra các nhận định ở những góc độ khác nhau, nhưng tựu chung lại thống nhất ở một điểm: Việt Nam và khu vực đang đối mặt với vấn nạn mà một nhà ngoại giao Mỹ gọi là“côn đồ” mà một số người còn gọi theo cách dân dã là vấn nạn “hủi Tàu” – một căn bệnh ai cũng muốn tránh xa.
Bản chất của kẻ “côn đồ” của Trung Quốc chính là “đại hán”,“bành trướng”,“bá quyền” “ăn cướp”, rồi “vừa ăn cướp vừa la làng”. Đi bất cứ nơi đâu cũng như tại nhiều diễn đàn quốc tế, khu vực từ ông Tập Cận Bình đến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đều lớn tiếng nói rằng: “Trung Quốc không có gen xâm lược”. Hãy nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy bản chất của những người cầm quyền ở Bắc Kinh là xâm lăng, gây hấn. Ở thời hiện đại của thế kỷ 20, Trung Quốc đã gây ra xung đột biên giới với hầu hết các nước láng giềng, kể cả 2 nước lớn là Nga (Liên Xô trước đây) và Ấn Độ.
Với Việt Nam, tháng 01/1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tháng 3/1988 họ đánh chiếm các cấu trúc ở Trường Sa bằng vũ lực; tháng 2/2019, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã tiến hành cuộc chiến tranh biên giới, xâm lấn 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có các hành động gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 như cắt cáp tàu khảo sát Bình Minh của Việt Nam; đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam năm 2014; và từ đầu tháng 7 đến nay là xâm lấn khu vực bãi Tư Chính thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Ngoài ra, suốt những năm qua các tàu chấp pháp, tàu dân quân biển Trung Quốc nhiều lần cưỡng ép, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa….
Với các nước ven Biển Đông khác (Malaysia, Philippines), Trung Quốc cũng thường xuyên có các hành động gây hấn, xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước này, tàu của Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ mặc ngư dân lênh đênh trên biển… những hành động của họ thật man rợ và vô nhân đạo như vậy phải nói rằng xâm lược và gây hấn là “gen trội” của Trung Quốc là tiêu biểu cho bản chất của Trung Quốc chứ không phải như những lời hay ho, mỹ miều mà lãnh đạo Trung Quốc nói.
Trung Quốc thật xứng danh với tên gọi “kẻ côn đồ” ở Biển Đông bởi lẽ họ hành động bất chấp tất cả từ luật pháp đến công luận quốc tế. Trong vụ việc xâm lấn bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến nay Trung Quốc hiện nguyên hình của một kẻ cướp bị cả thế giới lên án, nhưng họ lại la toáng lên như bố Chí Phèo: rằng “đấy là nhà của tôi, rằng Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam phải tôn trọng Đại cục”. Khổ nỗi, khi “Tiểu cục” còn nhem nhuốc thì làm sao có “Đại cục” tử tế được? Chưa thấy “Đại cục” ở đâu mà chỉ thấy quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông đang bị chính Trung Quốc xâm lấn. Rõ ràng, họ đưa ra một cái bánh vẽ “Đại cục” hão huyền để ru ngủ Việt Nam, để bịt họng Việt Nam.
Ngày 18/9/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn trơ trẽn nói rằng “khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Trung Quốc” và “hoạt động dầu khí của Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế”. Không rõ Trung Quốc lấy văn bản luật pháp quốc tế nào để đưa ra những luận điệu ngang ngược như vậy? Chúng ta hãy lấy Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)– được coi là Hiến pháp của đại dương mà cả Việt Nam và Trung Quốc đếu là thành viên để xem xét tính pháp lý của khu vực bãi Tư Chính.
(i) Nếu tính từ bờ biển của đảo Hải Nam của Trung Quốc thì bãi Tư Chính nằm cách lãnh thổ của Trung Quốc 600 đến 700 hải lý điều khoản nào của UNCLOS cho phép Trung Quốc đòi vùng biển ra tận khu vực bãi Tư Chính?
(ii) Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa)” và đòi vùng biển tính từ Trường Sa ư? Tạm thời chưa bàn về chủ quyền của quần đảo Trường Sa nhưng một điều có thể khẳng định là khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa và càng không thể là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quần đảo Trường Sa chiểu theo các điều khoản của UNCLOS.
Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà có thể đòi hỏi theo UNCLOS. Tòa Trọng tài nhất trí rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi, chỉ có vùng biển không quá 12 hải lý; và Xu Bi, Huy Gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên, nên không có vùng biển 12 hải lý.
Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không. Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 của UNCLOS và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, mà chỉ có vùng biển phụ cận là 12 hải lý. Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng, UNCLOSkhông quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất, do đó, không một nước nào có thể vẽ đường cơ sở xung quanh các đảo ở Trường Sa để yêu sách vùng biển phụ cận xung quanh quần đảo Trường Sa.
Như vậy, có thể khẳng định một cách rõ ràng rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, trong đó có bãi Tư Chính. Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/9/2019 chỉ là một lời nói láo của kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Phát biểu hôm 18/9/2019 của Người phát ngôn Trung Quốc chỉ càng chứng minh cho bản chất “côn đồ” của Trung Quốc. Họ xâm lấn vùng biển của Việt Nam, vi phạm trắng trợn UNCLOS rồi lại vu cáo Việt Nam “vi phạm luật pháp quốc tế”. Còn nếu Trung Quốc cho rằng họ có căn cứ để chứng minh cho phát biểu của ông Cảnh Sảng thì hãy cùng Việt Nam ra Tòa để phân giải?
Hoạt động kéo dài của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam những ngày qua nhằm mục đích tạo ra nguyên trạng mới, đó là sự tranh chấp ngay trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển Việt Nam. Đây là bước leo thang mới nguy hiểm của Trung Quốc, gây sức ép để Việt Nam phải chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc, rồi tiến xa hơn nữa là khống chế toàn bộ Biển Đông.
Phải chăng luật pháp mà ông Cảnh Sảng đề cập trong phát biểu hôm 18/9/2019 chính là “luật rừng” mà Trung Quốc đang đơn phương áp đặt cho Biển Đông? Cách làm của Trung Quốc chẳng khác nào hành vi của kẻ “côn đồ”. Nhưng Trung Quốc cần biết rằng hành vi xâm lược bãi Tư Chính không chỉ là cuộc đối đầu riêng giữa Trung Quốc và Việt Nam mà nó thách thức cả cộng đồng quốc tế, trở thành vấn đề an ninh khu vực và bảo vệ luật pháp quốc tế. Các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới sẽ không để kẻ “côn đồ” hoành hành ngang tai, trái mắt ở Biển Đông.
Thôn tính Biển Đông và tìm mọi cách bắt Việt Nam lệ thuộc là chủ trương xuyên suốt của dàn lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay. Tuy nhiên, những người cầm quyền ở Bắc Kinh cần hiểu rằng dân tộc Việt Nam có tinh thần quật cường và bất khuất, mỗi người dân Việt Nam quyết không chịu rơi vào thảm hoạ “Bắc thuộc lần thứ ba”.