Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAi là "cửa trên" trong thương chiến Mỹ - Trung?

Ai là “cửa trên” trong thương chiến Mỹ – Trung?

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang tới gần, câu hỏi đặt ra về những mối quan hệ ngoại giao của Washington sẽ quyết định phiếu bầu cử tri: Ai đang nắm lợi thế trong thương chiến Mỹ-Trung.

Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang nắm lợi thế bởi nước này dần rời bỏ các sản phẩm máy tính Mỹ và sẽ sớm đạt được sự độc lập với những tiến bộ công nghệ riêng của mình.

“Trung Quốc sẽ không tin Mỹ thêm một lần nào hết, và nước này sẽ đạt được sự độc lập công nghệ trong vòng 7 năm. Đây không còn là thương mại, vấn đề ở đây là công nghệ, về các dòng ý tưởng tự do, nó đang dần dần trở thành dòng chảy tự do cho nhiều cá nhân”, Chủ tịch Hội Chiến lược Toàn cầu David Roche trả lời phỏng vấn đài CNBC hôm 16/9 cho biết.

Nền kinh tế Trung Quốc có thể chịu nhiều tổn thất nếu xét về góc độ kinh tế, nhưng còn về chính trị thì ‘quốc gia tỷ dân’ lại đang nắm lợi thế về thời gian so với Tổng thống Trump và những chính sách của ông.

Tuy nhiên một số chuyên gia khác, cụ thể ông James D. Schultz khi trả lời phỏng vấn CNN lại cho rằng, Mỹ mới là người chiến thắng sau cùng, bởi thương chiến đã giúp Washington bớt phụ thuộc vào các công ty sản xuất sản phẩm của Trung Quốc.

Dường như có vẻ như cả Washington và Bắc Kinh đều chịu tổn thất. Trang Libertarian Republic trích tuyên bố của phát ngôn viên Tổ chức Tự do thương mại cho người Mỹ Jon Gold cho thấy, những mức thuế ông Trump áp đặt lên Trung Quốc sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng Mỹ.

Cụ thể, các mức áp thuế sẽ khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn cho nhiều công ty Mỹ, khiến những công ty này phải tăng giá, và mức giá mới sẽ đánh vào người tiêu dùng. Hoặc những công ty này phải cắt giảm lương, quyền lợi, hay thậm chí cắt giảm việc làm của người lao động.

“Các mức áp thuế vào hàng Trung Quốc đang đánh thuế lên các gia đình, nông dân và doanh nghiệp Mỹ. Chính sách này đang giết chết việc làm và đang làm tổn hại nền kinh tế của chúng ta, và những chính sách đó không làm giảm sự thâm hụt thương mại giữa Mỹ-Trung. Đã đến lúc ngừng đánh thuế người dân Mỹ chỉ vì chính quyền muốn trừng phạt cho các hành vi xấu từ phía Trung Quốc”, ông Jon Gold phát biểu.

Hậu quả thương chiến đối với Trung Quốc

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, quyết định chuyển một số nhà máy của nhiều tập đoàn Mỹ ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc sang các quốc gia khác, ví dụ như Thái Lan sẽ tiết kiệm nguồn tiền hơn, và đó là lý do Trung Quốc đang thua trong thương chiến.

Khoảng 40% công ty Mỹ cho biết đang “xem xét hoặc sẽ chuyển các cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc” do những mức thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc, theo dữ liệu của AmCham Shanghai. Ngoài ra, hơn 50 tập đoàn toàn cầu khác như Apple, Nintendo hay Dell đã hối thúc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc hồi tháng 7/2019, theo số liệu của Nikkei.

Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp ở vùng thành thị Trung Quốc đã tăng lên mức 5,3% trong tháng 7/2019 và có dấu hiệu giảm trong tháng 8. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp trên thực tế cao hơn hẳn con số chính thức được đưa ra.

Hậu quả thương chiến đối với Mỹ

Người nông dân và các nhà sản xuất ôtô Mỹ chịu thiệt hại nặng nhất kể từ khi Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa Mỹ, trong đó bao gồm cả mức áp thuế 25% đánh vào hạt đậu nành Mỹ hồi tháng 7/2018, theo dữ liệu của CNBC.

Khoảng 75% công ty Mỹ cho biết, việc tăng thuế hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng không tốt tới việc làm ăn của họ. Cụ thể mức thuế đánh vào các xí nghiệp sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 81,5% và 85,2%, theo dữ liệu khảo sát AmCham Shanghai.

Ngoài ra ông Jon Gold còn cho biết, các đòn thuế của Trung Quốc khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang nhiều nước khác đắt hơn, và khiến các đối tác thương mại của Washington tìm kiềm nguồn hàng khác thay thế. Việc xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc giảm rõ rệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân Mỹ, nhất là ở các bang Iowa, Winconsin, Pennsylvania, Ohio, Michigan.

“Chúng tôi những người nông dân, đang thua. Chúng ta (nước Mỹ) nên đi gặp các nước châu Âu, Nhật Bản và phối hợp với họ nhằm đấu với Trung Quốc. Nước Mỹ không nên ‘đơn thương độc mã’ bước vào một cuộc thương chiến với nền kinh tế lớn số 2 trên thế giới khi không kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước khác”, Chủ tịch Hiệp hội nông dân Bắc Dakota Mark Watne nói.

Ai đang ‘trên cơ’ trong thương chiến Mỹ-Trung?
Người nông dân Mỹ khốn đốn vì thương chiến. Ảnh: AP

Ngoài nông nghiệp, ngành sản xuất ô tô Mỹ cũng chịu tổn hại từ thuế quan, khi Bắc Kinh lại là khách hàng mua ôtô lớn thứ hai của Washington.

Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị và động cơ (MEMA) cho biết, trong khi tổ chức này “hỗ trợ chính quyền Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, việc áp thêm 5% (thuế quan) vào mức thuế sẵn 25% với các bộ phận và thiết bị được nhập khẩu bởi các thành viên của MEMA từ Trung Quốc, lại không phải là giải pháp cho những vấn đề này”.

Giải pháp cho vấn đề thương chiến

Trang Libertarian Republic trích nhận định của nhiều chuyên gia cho biết, Tổng thống Trump nên đưa vấn đề “những sai phạm” của Trung Quốc trong thương mại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy nỗ lực từ các nước khác nhằm ngăn chặn hành vi thương mại sai trái của Trung Quốc. Cũng như sử dụng các khả năng của Bộ Tài chính Mỹ nhằm trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân.

“Cái cách mà Tổng thống Trump đối phó với những mối lo ngại trên đang làm tổn hại người dân Mỹ, hơn là giúp họ. Tình hình buôn bán hiện nay với Trung Quốc đắt đỏ và khó khăn hơn so với 2 năm về trước. Ý định của Tổng thống là tốt, nhưng xét về mặt chiến lược thì thất bại”, chuyên gia kinh tế thương mại Tori Whiting thuộc Heritage Foundation cho biết.

Bà Whiting cũng cho rằng, nếu Washington đưa vấn đề gian lận thương mại của Bắc Kinh lên WTO, thì “Mỹ gần như sẽ thắng và Trung Quốc dường như luôn phải thay đổi hành vi của mình. Trung Quốc là thành viên của WTO, và họ sẽ muốn giữ vị thế của minh ở tổ chức này. Bắc Kinh biết luật lệ của WTO, họ biết cách ‘lách luật’ và sau đó bị phát hiện như thế nào”.

“Đây cũng là trách nhiệm của nhiều quốc gia khác nhằm đưa vấn đề này lên WTO. Tổ chức Heritage Foundation luôn đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn. Chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này mà không phải đánh thuế người dân Mỹ. Theo quan điểm của tôi, vai trò của chính quyền Washington, nếu họ định giải quyết những vấn đề này, thì tác động tiêu cực ảnh hưởng tới người dân và nền kinh tế Mỹ là rất nhỏ”, bà Whiting kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới