Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ - Trung vừa đánh vừa đàm

Mỹ – Trung vừa đánh vừa đàm

Theo một số nguồn tin, vòng đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc trong hai ngày 10 và 11-10 đã bị rút ngắn còn một ngày giữa lúc hai bên không mấy mặn mà và hạ thấp kỳ vọng vào cuộc gặp lần này…

Bối cảnh cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên phức tạp và bị ảnh hưởng bởi những diễn biến thời sự dồn dập ở hai nước, từ biểu tình dai dẳng ở Hong Kong đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo một số nguồn tin của tờ South China Morning Post (SCMP), vòng đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc trong hai ngày 10 và 11-10 đã bị rút ngắn còn một ngày giữa lúc hai bên không mấy mặn mà và hạ thấp kỳ vọng vào cuộc gặp lần này, dù chỉ còn vài ngày là đến hạn Mỹ tăng thuế quan lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc.

Chúng tôi không thích thuế quan và thực tế cũng chẳng muốn sử dụng chúng. Nhưng sau ngần ấy năm nói đi nói lại và mọi thứ vẫn như cũ, thuế quan cho thấy nó thực sự có hiệu quả, buộc Bắc Kinh phải chú ý tới các lo ngại của Washington.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ WILBUR ROSS, đang ở Úc ngày 10-10, cho rằng thuế quan là cách duy nhất để buộc Trung Quốc tự vấn lại cách hành xử thương mại của nước này.

Cuộc gặp thủ tục?

Scott Kennedy, chuyên gia về thương mại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), lưu ý các động thái trừng phạt Bắc Kinh vì vấn đề Tân Cương ngay trước thềm cuộc đàm phán. 

“Điều đó cho thấy Mỹ có thể đã xác định tâm thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán rằng cuộc gặp lần này sẽ không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Do đó, việc gặp nhau chỉ còn mang tính thủ tục” – ông Kennedy nhận định với Hãng tin Reuters.

Không còn được gọi là “đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình” trong chuyến đi Mỹ lần này, song nhiệm vụ không vì thế mà đơn giản cho Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ông sẽ phải thuyết phục Washington dời hạn tăng thuế quan 30% lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc sau ngày 15-10 trong cuộc gặp với đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Nếu ông Lưu thất bại và cuộc đàm phán bị phá vỡ một lần nữa trước ngày 15-12, gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ (khoảng 550 tỉ USD) sẽ gánh thêm thuế quan trừng phạt của Mỹ.

Taoran Notes, một tài khoản mạng xã hội được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để thăm dò dư luận, cho rằng kể cả khi Mỹ tăng thuế, Trung Quốc vẫn cần tham gia các cuộc đàm phán bởi đó là chiêu “vừa đánh vừa đàm”.

 Khó có đột phá

Báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ ngày 10-10 dẫn nguồn tin riêng tiết lộ Bắc Kinh đang muốn tách bạch các vấn đề và thu hẹp phạm vi đàm phán. 

Theo đó, các vòng đàm phán sắp tới chỉ bàn về vấn đề thương mại, các vấn đề khác liên quan đến sở hữu trí tuệ và lệnh cấm Huawei của Mỹ chỉ nên được thảo luận trong các cuộc đàm phán riêng lẽ. Điều này được cho là nhằm khai thông thế bế tắc đã kéo dài 5 tháng qua.

Vấn đề này đã được đem ra thảo luận tại cuộc gặp cấp thứ trưởng ở Washington trong các ngày 7 và 8-10. Tuy nhiên, nỗ lực phá bế tắc của Trung Quốc lại đẩy các cuộc đàm phán vào sự bế tắc mới. Thất bại của cuộc gặp mang tính chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao đã báo trước một kết quả không mấy tích cực. 

“Phía Trung Quốc không muốn nhắc vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ – cốt lõi của những bất bình trong chính quyền Trump và bỏ qua vấn đề trợ cấp nhà nước, thứ mà ông Trump cho rằng đã giúp các công ty Trung Quốc hưởng lợi thế không công bằng với các công ty nước khác” – một nguồn tin ẩn danh của báo SCMP tiết lộ.

“Họ không đạt được bất kỳ tiến triển nào sau cuộc gặp” – nguồn tin của SCMP cho biết thêm.

Những ý kiến lạc quan nhất cho rằng Trung Quốc sẽ cam kết mua thêm nông sản Mỹ trong cuộc đàm phán, đổi lại việc Washington đóng băng thuế quan. Nhưng ông Trump hôm 9-10 đã đóng sầm cánh cửa này lại, tuyên bố ông không thích một thỏa thuận tạm thời. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông muốn một “thỏa thuận lớn”, thứ sẽ giải quyết luôn cả vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến cùng xuất hiện tại hội nghị các nhà lãnh đạo APEC ở Chile vào tháng 11. Do đó, kết quả khả quan nhất sau cuộc đàm phán lần này có thể chỉ là các nỗ lực đặt nền tảng cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump vào tháng tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới