Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tiếp tục gửi thông điệp cứng rắn tới TQ trên vấn...

Mỹ tiếp tục gửi thông điệp cứng rắn tới TQ trên vấn đề Biển Đông

Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 26/09/2019, tàu sân bay USS Ronald Reagan (hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân) và nhóm tàu tấn công của Mỹ, đã từ căn cứ ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa (Nhật), đến hoạt động ở Biển Đông. Japan Times hôm 29/9/2019 đưa tintàu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan tiến hành các hoạt động tuần tra ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa, gần các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng và bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa thời gian qua.

Trước đó, hôm 24/9/2019 cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ công bố một báo cáo, trong đó coi Hải quân Trung Quốc “gây thách thức lớn” đối với khả năng của Hải quân Mỹ. Khi được đề nghị xác minh những thông tin trên, Trung tá Reann Mommsen – Người phát ngôn của Hạm đội 7 từ chối xác nhận vị trí tàu sân bay, nhưng cho biết hiện tàu “đang tiến hành các hoạt động thường lệ” và “tàu không phản ứng lại bất kỳ sự kiện cụ thể nào”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng hoạt động của tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tàu tấn công thuộc Hạm đội 7 Mỹ là nhằm phát đi tín hiệu “dằn mặt” Trung Quốc trước lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 01-10 và trước khi hai bên tiến hành đàm phán thương mại tại Washington dự kiến vào (đầu tháng 10/2019).

Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng dữ dội trước việc tàu sân bay USS Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Mỹ đưa tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu tấn công đến Biển Đông để “phô trương sức mạnh và leo thang quân sự hóa khu vực”; tức tối cho rằng đây là sự kiêu ngạo của Mỹ, thể hiện tâm lý “được ăn cả, ngã về không” và “chiến tranh lạnh của một số quan chức Mỹ”.

Trung Quốc hãy xem lại các hành vi của họ ở Biển Đông gần đây trước khi đưa ra những lời lẽ hằn học đó. Những hoạt động của tàu khảo sát, tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc trong vùng biển của các nước Malaysia, Philippines và nhất là hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 08 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 đến này là những hành động xâm lược. Chính những hành vi gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông là nguyên nhân thúc giục Mỹ phải có hành động trên thực tế ở Biển Đông để bảo vệ luật pháp quốc tế, ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc leo thang xâm lấn vùng biển của Việt Nam, bên cạnh những phát biểu mạnh mẽ lên án đích danh Trung Quốc của các cơ quan và quan chức, Nghị sĩ Mỹ, trong vòng chưa đầy 1 tháng qua Mỹ đã 2 lần cho tàu khu trục tuần tra tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Trường Sa trong phạm vi 12 hải lý đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn (hôm 28/8/2019) và đi xuyên qua quần đảo Hoàng Sa để chống lại yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc ở Hoàng Sa (hôm 13/9/2019) và lần này là tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tàu tấn công thuộc Hạm đội 7 của Mỹ gần các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc gặp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, ngày 26/09/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale – người chuyên trách các vấn đề chính trị khẳng định “Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông”.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “không có lửa làm sao có khói” và Trung Quốc chính là kẻ gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, buộc Mỹ phải điều tàu đến Biển Đông rồi lại “gắp lửa bỏ tay người”, lên giọng vu cáo Mỹ. Công luận đều nhận thấy rằng nếu Trung Quốc không có các hành động gây hấn, bắt nạt các nước ven Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền lợi biển chính đáng của các nước ven Biển Đông thì thiết nghĩ Mỹ cũng sẽ không cần điều tàu sân bay, tàu chiến đến Biển Đông.

Mọi người đều rõ Trung Quốc đang mưu toan khống chế, độc chiếm Biển Đông, đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông để dễ bề “cai trị” các nước nhỏ ven Biển Đông. Dân gian có câu “gieo gió, ắt sẽ gặp bão”, Trung Quốc thật xứng đáng nhận thông điệp “rằn mặt” cứng rắn của Mỹ để “ăn mừng” ngày đại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh của họ.

Hoạt động của tàu chiến và tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông và những phát biểu của quan chức chính quyền Mỹ thể hiện rõ quyết tâm và sự nhất quán của Mỹ trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở và thực hiện các cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong đó có việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa và gia tăng các hành động gây hấn, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông, đe dọa hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông thì sự hiện diện của các tàu sân bay và các tàu chiến Mỹ trên Biển Đông là một nhân tố cực kỳ quan trọng để ngăn chặn hành động gây hấn và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc làm của Mỹ đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông cần nhận được sự tham gia, phối hợp của các đồng minh, đối tác để chặn đứng chủ nghĩa bá quyền mà những người lãnh đạo ở Bắc Kinh đang theo đuổi.

RELATED ARTICLES

Tin mới