Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTên lửa siêu vượt thanh: Cuộc chạy đua giữa Mỹ, Nga và...

Tên lửa siêu vượt thanh: Cuộc chạy đua giữa Mỹ, Nga và TQ

Trong bối cảnh Mỹ, Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh quyền lực mềm và sức mạnh quân sự ngày càng căng thẳng, việc nghiên cứu, chế tạo và sở hữu vũ khí siêu vượt thanh sẽ là một trong những công cụ quan trọng giúp những nước này nắm quyền chủ động trong lĩnh vực quân sự.

Vũ khí siêu thanh được định nghĩa là loại công cụ chiến tranh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh (tốc độ âm thanh: 1.235km/h, hay Mach 1), bay thấp hơn các tên lửa đạn đạo truyền thống và giữa hành trình có thể liên tục đổi hướng. Ưu thế của các vũ khí này là rõ ràng: một tên lửa siêu thanh cho phép quốc gia sở hữu nó tấn công kẻ thù chỉ trong ít phút. Đường đạn thấp của loại vũ khí này cho phép chúng bay xa hơn và khó phát hiện hơn so với các loại tên lửa khác, tính cơ động của chúng cũng giúp tên lửa siêu thanh tránh được hệ thống phòng không trị giá nhiều tỷ USD của một số cường quốc.

Mỹ, Nga và Trung Quốc là các đối thủ đang chạy đua trong việc chế tạo và sở hữu vũ khí siêu thanh. Nhưng bên cạnh đó còn có những “tay chơi” khác như Pháp hay Ấn Độ. Tuy nhiên, hai nước này được cho là chưa thực sự có vũ khí siêu thanh. Tháng 3/2018, trong một bài phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin bóng gió về nhiều hệ thống vũ khí siêu thanh đang được thử nghiệm hoặc đã triển khai thử. Một trong số đó là là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat. Theo lời ông Putin, tên lửa này có thể bắn tới cả Bắc cực lẫn Nam cực. Có thông tin nói tên lửa Sarmat với sức công phá 750 kiloton, tầm bắn 18.000km, có thể phá hủy cả nước Pháp và bang Texas của Mỹ chỉ trong một phat bắn. Tháng 11/2017, hải quân Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công một nguyên mẫu tên lửa siêu thanh. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang sỡ hữu tên lửa siêu thanh DF-17 có thể bay với tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, cũng như có khả năng cơ động để tránh bị đánh chặn.

Nga đang chiếm ưu thế

Nga mới đây tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard có tầm bắn thuộc hàng liên lục địa, với tốc độ bay lên đến Mach 20 (Mach 1, tương đương 1.235km/h), tức là hơn 24.000km/h. Avangard là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược được trang bị phương tiện phương tiện lướt siêu vượt âm. Theo các nguồn tin công khai, vũ khí “đột phá” này được phát triển bởi Hiệp hội Nghiên cứu và Chế tạo máy ở thành phố Reutov thuộc khu vực Moscow. Loại vũ khí mới đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2004. Phương tiện lướt có khả năng bay ở tốc độ siêu vượt âm trong những tầng dày đặc của khí quyển và có thể điều khiển đường bay, độ cao cũng như xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Tên lửa siêu thanh Avangard là loại tên lửa có thể bay và hoạt động ở khí quyển tầng cao với tốc độ trên Mach 5. Điều này khiến cho các tên lửa Avangard trở nên khó chặn hơn các đầu đạn thông thường.

Chưa có nhiều thông tin kiểm chứng về vụ thử tên lửa Avangard vừa được quân đội Nga thực hiện hồi giữa tuần – một cuộc thử nghiệm kết thúc quá trình thử nghiệm của loại vũ khí mới của Nga. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov mới đây đã hé mở một số thông tin về dự án tối mật này. Cụ thể, ông Borisov đã tiết lộ trên kênh truyền hình Rossiya 24 TV rằng cuộc thử nghiệm mới nhất đã cho thấy, tên lửa Avangard có thể phóng đi với tốc độ kinh khủng là 27 Mach, vượt quá 27 lần tốc độ âm thanh và tương đương hơn 30.000 km/giờ. Sự linh hoạt vượt trội của tên lửa Avangard khiến nó trở thành một trong những mục tiêu khó tấn công nhất, gần như không có tên lửa nào có thể bắn hạ nó ở tốc độ như vậy và sẽ cực kỳ khó để đoán được đường đi của tên lửa siêu vượt âm Avangard. Quân đội Nga trước đó vừa cho biết, họ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm cuối cùng đối với tên lửa siêu vượt âm Avangard trước khi nó được đưa vào biên chế của quân đội. Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga – Thượng tướng Sergei Karakayev cũng từng tiết lộ, những tên lửa siêu thanh Avangard đầu tiên được đưa vào trực chiến năm 2019 tại sư đoàn tên lửa Dombarovsky đóng ở Khu vực Orenburg, nam Urals.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Công việc phát triển tổ hợp tên lửa siêu thanh RS-26 Rubezh mang đầu đạn Avangard nhằm tăng cường an ninh quân sự của Nga đã hoàn tất. Hiện các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trong nước bắt tay vào việc sản xuất tên lửa hàng loạt. Theo nguồn tin này, tầng chiến đấu liệng, có cánh có khả năng bay ở độ cao vài chục cây số, tại các lớp dày đặc của khí quyển. Tốc độ tối đa mà tên lửa này đạt được hơn 20 lần so với tốc độ âm thanh (Mach 20). Với tốc độ đạt được và quỹ đạo bay không thể đoán trước, đánh chặn Avangard là điều không thể với phòng thủ đối phương. Với khả năng đặc biệt của loại tên lửa này khiến Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Nga đã không đưa dự án xây dựng tàu hỏa chiến đấu mang tên lửa Barguzin vào chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2018-2027, để tập trung cho các dự án chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat và Rubezh.

Ngoài tên lửa Avangad, hai tên lửa khác của Nga cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của đối thủ là tên lửa Kinshal và Sarmat. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat là tên lửa đầu tiên mang các đầu đạn Avangard. Sarmat được xem là tên lửa đạn đạo có thể vươn khắp hành tinh và là vũ khí “sát thủ” đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa vì không có hệ thống nào hiện nay có thể ngăn chặn nó. Vũ khí chiến lược mới này của Nga được xem là để đối chọi với Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS – Prompt Global Strike) mà Mỹ đang theo đuổi. Các chuyên gia quân sự bình luận, Sarmat là hệ thống vũ khí “độc nhất vô nhị” chưa tìm được đối thủ “xứng tầm”, kể cả của Mỹ. Tất cả các loại hệ thống hiện nay không thể đánh chặn được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat hạng nặng của Nga. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh Kinzhal, còn có tên là Dagger là phiên bản mới nhất của loại tên lửa được bắt đầu phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo phía Nga, tên lửa Kinzhal phiên bản mới nhất, được trang bị cho máy bay chiến đấu, có thể mang theo đầu đạn công ước hoặc đầu đạn hạt nhân với tầm bắn gần 2.000km, được nói là có thể phá hủy cả một hạm đội tàu chiến. Kinzhal bay với tốc độ Mach 10.

Ngoài những loại trên, Nga đang sở hữu tên lửa siêu vượt âm Zircon. Tên lửa này có lớp vỏ được làm từ vật liệu tổng hợp với sự kết hợp của carbon và sợi đặc biệt. Chính kết cấu này giúp tên lửa Zircon có trọng lượng nhẹ hơn, chịu gia nhiệt tốt hơn và khả năng tàng hình trước radar. Các chuyên gia của Avia.pro đánh giá, tên lửa Zircon sử dụng vật liệu chế tạo có nhiều nét tương đồng với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm 3M37 Skiff. Công nghệ chế tạo vật liệu đặc biệt do Nhà máy Chelyabinsk UMATEX sản xuất độc quyền. Dù được trang bị vật liệu đặc biệt, nhưng do bay với vận tốc tới Mach 9 trong khí quyển Trái đất, các lớp bề mặt phía ngoài của tên lửa tên lửa Zircon sẽ dần bốc hơi và cháy. Chính vì thế, khi quan sát bằng mắt thường, tên lửa sẽ giống như thiên thạch lao đi trên bầu trời. Ngay từ khi được giới thiệu, tên lửa Zircon được coi là dòng vũ khí đối hạm độc nhất, vô nhị trên thế giới. Mỹ và phương Tây không hề có loại vũ khí tương tự. Zircon kế thừa nhiều công nghệ siêu thanh đã được hoàn thiện trên các dòng tên lửa diệt hạm thời Liên Xô. Điểm mạnh của Zircon là vừa duy trì được khả năng cơ động ở tốc độ siêu thanh trong toàn bộ quá trình bay, nhưng vẫn đảm bảo được khả năng hoạt động của hệ thống dẫn đường trong điều kiện nhiễu động plasma. Tốc độ siêu thanh kết hợp với cơ chế dẫn đường đặc biệt, quỹ đạo bay phức tạp khiến việc đánh chặn Zircon gần như không thể ở thời điểm hiện tại. Zircon được coi là một trong những dòng vũ khí siêu thanh thế hệ mới của Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong Thông điệp liên bang năm 2018.

Mỹ đang nối bước Nga

Tháng 7/2019, Tạp chí Aviation Week đã đăng tải thông tin về việc Mỹ tiến hành cùng lúc 7 chương trình vũ khí siêu vượt âm mới, trong đó có C-HGB và LRHW. Công nghệ C-HGB đã được Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Sandia thử nghiệm thành công trong các năm 2011 và 2017. Công nghệ này khi được áp dụng trong các chương trình vũ khí của Quân đội Mỹ được mang nhiều tên gọi khác nhau, như: LRHW của Lục quân, Vũ khí siêu vượt âm tấn công nhanh của Hải quân và Vũ khí tấn công siêu vượt âm đa dụng của Không quân.

Bộ Quốc phòng Mỹ (5/9) cho biết, công ty Dynetics Technical Solutions đã nhận được hợp đồng trị giá 351,6 triệu USD để chế tạo lô vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common-Hypersonic Glide Body (C-HGB) đầu tiên của Mỹ. Đại diện Dynetics Technical Solutions cho biết, công ty này sẽ phải sản xuất ít nhất 20 đầu đạn siêu vượt âm C-HGB cung cấp cho hải-lục-không quân Mỹ và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật do Lầu Năm góc đề ra. Tham gia vào quá trình chế tạo các C-HGB, ngoài công ty Dynetics Technical Solutions, còn có General Atomics (thiết kế, chế tạo hệ thống điện tử tích hợp trong khoang), Raytheon (hệ thống điều khiển) và Lockheed Martin (tích hợp hệ thống và phương tiện mang phóng). Để phát triển thiết bị mang vác đặc biệt cho C-HGB, Lầu Năm góc phối hợp với Lockheed Martin phát triển dòng tên lửa siêu vượt âm mới Long-Range Hypersonic Weapon (LRHW) với gói hợp đồng trị giá hơn 400 triệu USD.

Việc Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí siêu vượt thanh xuất phát từ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 (NDAA) của Mỹ vừa được Tổng thống Donald Trump phê duyệt ngày 13/8, có điều khoản yêu cầu Bộ Quốc phòng đẩy mạnh chương trình phòng thủ tên lửa siêu vượt âm và phải báo cáo cho Quốc hội nước này trong vòng 90 ngày. Trước khi NDAA được thông qua, Không quân Mỹ cũng trao hợp đồng 930 triệu USD cho Lockheed Martin để phát triển nguyên mẫu vũ khí siêu vượt âm đầu tiên. Theo những thông tin được tiết lộ, vũ khí siêu vượt âm của Mỹ sẽ có tốc độ Mach 10, đạt khoảng 12.000 km/h. Nỗ lực của Mỹ đã khá rõ ràng nhưng điều bất ngờ là Mỹ đã đề ra tốc độ cho vũ khí siêu vượt âm của mình khá khiêm tốn khi chỉ đạt Mach 10 trong khi đối thủ chính của Mỹ là Nga tuyên bố đã bắt đầu quá trình sản xuất đầu đạn siêu vượt âm có tốc độ Mach 20.

Một tín hiệu đang chú ý là Mỹ vừa thử thành công hệ thống đánh chặn SSDS cho tàu sân bay USS Gerald R. Ford – vũ khí có thể đối phó được tên lửa siêu thanh Zircon của Nga. Cuộc thử nghiệm được thực hiện với sự phối hợp giữa Hải quân Mỹ và nhà thầu quốc phòng Raytheon diễn ra ngoài khơi bờ biển California. Vụ thử cho thấy SSDS có khả năng kết hợp 4 hệ thống chiến đấu khác bao gồm radar, hệ thống máy tính xử lý dữ liệu, hệ thống phóng và bản thân tên lửa, nhằm đánh chặn nhiều loại mục tiêu khác nhau, đặc biệt là mục tiêu siêu thanh. Loại tên lửa được sử dụng cho hệ thống SSDS là Evolved Sea Sparrow, từng xuất hiện trên các tàu tấn công đổ bộ nhưng chưa từng áp dụng trên những siêu tàu sân bay thường có kích thước lớn gấp đôi các tàu đổ bộ. Giới quân sự Mỹ khẳng định, khi hoàn thành thử nghiệm và đi vào trang bị, hệ thống SSDS sẽ cùng với các tên lửa đánh chặn, các hệ thống radar tối tân và các phần mềm trên tàu sân bay có thể dễ dàng diệt một loạt mối đe dọa tiềm tàng, như các tên lửa thường, tên lửa siêu thanh của đối phương đang bay tới và Ziron không phải là ngoại lệ.

Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc đua

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Trung Quốc chính thức giới thiệu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động DF-17 mang phóng đầu đạn hạt nhân siêu vượt âm. DF-17 do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) chế tạo. DF-17 có tầm bắn từ 18.000 – 25.000 km, đây là tầm bắn xa nhất của gia đình tên lửa Dongfeng (và tầm xa nhất trên thế giới). DF-17 được cho là có khả năng đạt tốc độ 12.360 km/giờ, gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc chưa cần trang bị cho tên lửa DF-17 đầu đạn hạt nhân, vì các tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân đã tạo ra đủ khả năng răn đe. Theo Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa, DF-17 có thể cơ động để tránh bị đánh chặn. Trung Quốc đã thử nghiệm công nghệ HGV từ năm 2014, dự kiến triển khai hoạt động từ năm 2020. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng không giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống, DF-17 có thể thay đổi quỹ đạo bay giữa chừng do đó, đối phương hiếm có cơ hội đánh chặn. Ông Nozomu Yoshitomi, Thiếu tướng nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và hiện là Giáo sư tại Đại học Nihon nhận định, tên lửa DF-17 của Trung Quốc thực sự là “đối thủ đáng gờm” đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực mà Mỹ và Nhật Bản đang xây dựng.

RELATED ARTICLES

Tin mới