Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Ấn Độ sát cánh ngăn chặn bá quyền TQ

Mỹ – Ấn Độ sát cánh ngăn chặn bá quyền TQ

Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở với nòng cốt “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) được Tổng thống Mỹ Donal Trump chính thức nêu tại Diễn đàn cấp cao APEC năm 2017 diễn ra ở Đà Nẵng, song Ấn Độ chưa thật mặn mà.

Trong bối cảnh tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng diễn biến phức tạp, Trung Quốc có nhiều động thái “lấn sân” ở khu vực, nhất là ngày càng có hành vi gây hấn hung hăng hơn ở Biển Đông, Mỹ một mặt chủ động tích cực thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở, mặt khác tích cực thắt chặt quan hệ với Ấn Độ.

Trung tuần tháng 8/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J. Sullivan đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ở New Delhi để thảo luận vấn đề an ninh khu vực, trong đó có việc hợp tác giữa Mỹ – Ấn thúc đẩy khu vực Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do và rộng mở, bao gồm hợp tác giữa 2 bên để duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Sullivan nhấn mạnh Trung Quốc đang có các chính sách và hành động làm thay đổi tình hình Ấn Độ dương – Thái Bình dương chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh; Mỹ muốn Trung Quốc phải cạnh tranh công bằng theo trật tự dựa trên luật pháp, vốn đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực trong nhiều thập niên; Mỹ không thể làm điều này một mình mà cần những đối tác có cùng chí hướng và Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này.

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, hai bên đã khẳng định việc Mỹ và Ấn Độ cùng cuộc tập trận ba binh chủng mang tên “Tiger Triumph” vào tháng 11 tới. Đây là lần đầu tiên Mỹ – Ấn tổ chức một cuộc tập trận với sự tham gia của cả ba lực lượng không quân, hải quân và lục quân, đánh dấu một bước tiến mới mạnh mẽ trong quan hệ quốc phòng Mỹ – Ấn.

Mỹ và Ấn Độ đã có cuộc tập trận thường niên Malabar giữa hải quân hai nước từ năm 1992 hay các cuộc tập trận chống khủng bố Vajra Prahar và Yudh Abhyas của các lực lượng lục quân. Hôm 23/09/2019, Đài truyền hình Ấn Độ NDTV trích lời phát ngôn viên hải quân Ấn Độ cho biết cuộc tập trận “Tiger Triumph” vào tháng 11 sắp tới sẽ diễn ra ngoài khơi hai thành phố duyên hải Visakhapatnam và Kakinada, nhìn ra vịnh Bengal.

Các nhà phân tích cho rằng cả Mỹ và Ấn Độ đều có chung lợi ích trong việc tăng cường quan hệ hợp tác quân sự vì điều đó cho phép “giảm thế bá quyền của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ dương – Thái Bình dương”; những động thái mới trong quan hệ Mỹ – Ấn thời gian qua, nhất là những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đánh dấu sự hình thành “trục chiến lược mới Washington – Dehli”. Trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực và gia tăng sức ép lên Ấn Độ, bao gồm cả ở trên biển Ấn Độ dương lẫn trên biên giới đất liền Trung – Ấn thì sự trỗi dậy của một trục chiến lược giữa một nền dân chủ lớn nhất và một nền dân chủ lâu đời nhất của thế giới là lẽ đương nhiên.

Mùa hè năm 2017, quân đội Ấn Độ gặp khó khăn trong việc theo dõi các hoạt động chuyển quân của Trung Quốc trong cuộc đối đầu giữa hai nước trên cao nguyên Doklam (mà Trung Quốc đang tìm cách xâm lấn, gây thiệt hại cho tiểu vương quốc Bhutan, đồng minh của Ấn Độ). Trung Quốc cũng tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ dương thông qua việc thúc đẩy sáng kiến “vành đai con đường” thì các cuộc tập trận hải quân hàng năm Malabar cho phép hải quân Mỹ và Ấn Độ cùng nhau huấn luyện chống tầu ngầm Trung Quốc thâm nhập Ấn Độ Dương.

Liên quan đến Biển Đông, cả Mỹ và Ấn Độ đều cùng có chung lợi ích trong việc duy trì tự do, an ninh an toàn hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); ủng hộ quyền của các quốc gia ven Biển Đông tiến hành các hoạt động dầu khí, bao gồm hợp tác với các nước ngoài khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước này được xác định phù hợp với UNCLOS. Cả Mỹ và Ấn Độ đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, ủng hộ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng.

Với Việt Nam, các doanh nghiệp của cả Mỹ và Ấn Độ đều đang có các dự án hợp tác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam như công ty ONGC của Ấn Độ đang có dự án hợp tác với PVN tại lô 127-128 còn công ty Exxon Mobil của Mỹ đang có dự án hợp tác với PVN, mỏ Cá Voi Xanh ở lô 118. Các lô dầu khí này (118, 127 và 128) đều có một phần dính với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Trung Quốc nhiều lần gây sức ép với các công ty dầu khí nói trên của Mỹ và Ấn Độ yêu cầu không hợp tác với Việt Nam, song họ vẫn kiên trì thực hiện các dự án này. Giữa lúc, Trung Quốc đòi đưa vào COC (mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán) nội dung các nước ven Biển Đông không được hợp tác dầu khí với bên thứ 3, các nước ngoài khu vực thì cả Mỹ và Ấn Độ đều phản đối đòi hỏi ngang ngược này của Trung Quốc và tiếp tục khuyến khích, ủng hộ các công ty dầu khí của nước mình tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Đối với hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019, cả Mỹ và Ấn Độ đều chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng vùng biển của các nước ven Biển Đông được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Cả Mỹ và Ấn Độ có chung lợi ích trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã coi Trung Quốc là một đối thủ lớn nhất, bởi vì nước này đang tìm cách “đuổi Mỹ” ra khỏi khu vực và cạnh tranh vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ. Ấn Độ là nước đông dân thứ 2 trên thế giới, cùng nói tiếng Anh và luôn tồn tại các mâu thuẫn với Trung Quốc nên có chung chí hướng với Mỹ là ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây là những yếu tố thúc đẩy sự hình thành liên minh Mỹ – Ấn.

Trước mối hiểm họa bá quyền của Trung Quốc tại Châu Á – Thái Bình dương nói chung và Biển Đông nói riêng, Mỹ và Ấn Độ quyết định sát cánh bên nhau để ngăn chặn, hai bên cùng nỗ lực để mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Ấn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới