Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgười Nga trao bí mật tuyệt đỉnh cho TQ?

Người Nga trao bí mật tuyệt đỉnh cho TQ?

Khi Trung Quốc thiết lập và phát triển bí quyết này, ngay khi mối quan hệ trở nên lạnh nhạt, chính Nga có thể bị đe dọa.

 

Cho Trung Quốc bí mật tuyệt đỉnh?

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố, Nga sẽ giúp Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa – công nghệ mà chỉ có Nga và Mỹ sở hữu tại thời điểm này.

Phát biểu tại một nghị chính trị quốc tế ở thành phố nghỉ dưỡng Sochi hôm 3/10, ông Putin cho hay: “Đây là một việc nghiêm túc, nó sẽ tăng cường đáng kể các năng lực phòng thủ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Một ngày sau đó, Điện Kremlin cho biết động thái của Moscow trong việc hỗ trợ Bắc Kinh xây dựng hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa cho thấy hai nước có mối quan hệ đặc biệt. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối trả lời câu hỏi về thời điểm hệ thống này sẽ đi vào hoạt động.

Hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa (Nga gọi tắt là SPRN) của Nga hợp thành từ 2 bộ phận, gồm các trạm phát hiện tầm xa trên mặt đất (Daryal, Voronezh, Volga…) và các vệ tinh trong không gian để có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa của đối phương.

Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa mà Tổng thống Putin đề cập là thành tố quan trọng nhất của tấm khiên chắn hạt nhân của Nga. Nó giúp phát hiện sớm vị trí phóng tên lửa đạn đạo, tính toán chính xác quỹ đạo bay và tạo cơ hội để tấn công đáp trả tức thì bằng vũ khí hạt nhân về phía kẻ thù. Việc xây dựng hệ thống này được bắt đầu từ những năm 1950 cùng với sự ra đời của tên lửa đạn đạo đầu tiên.

Sau khi Liên Xô tan rã, SPRN bị chia tách ở nhiều quốc gia, trong đó có Latvia, Azerbaijan, Ukraine. Hiện chỉ có các trạm radar ở Belarus và Kazakhstan thuộc hệ thống còn hoạt động.

Nguoi Nga trao bi mat tuyet dinh cho Trung Quoc?
Một trạm radar cảnh báo tầm xa của Nga

Để giải quyết tình trạng này, Nga buộc phải phát triển các trạm radar tầm xa bước sóng mét mới ngay trên lãnh thổ của mình, gồm Leningrad (phía Tây-Bắc), Irkutsk (phía Đông), Orenburg (phía Nam). Ngoài ra, còn các trạm radar bước sóng decimet được triển khai tại Kranodar, Krasnoyarsk, vùng Altai và Kaliningrad.

Quân đội Nga cũng lên kế hoạch triển khai hàng loạt trạm radar cảnh báo tầm xa tại các tỉnh Amur, Murman, nước công hòa Komi thuộc Nga, thậm chí cả trên Bán đảo Crimea.

Như vậy, về cơ bản, Nga có các hệ thống cảnh báo phủ kín các vùng lãnh thổ rộng lớn của mình. Tuy nhiên, vì bị thu hẹp vị trí triển khai về lãnh thổ Nga, nên khả năng phát hiện mục tiêu tiềm tàng của các trạm radar sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, khu vực Viễn Đông rộng lớn của Nga vẫn còn thiếu đáng kể các trạm radar cảnh báo sớm.

Nguoi Nga trao bi mat tuyet dinh cho Trung Quoc?
Trao bí mật tuyệt đỉnh, Nga hy vọng kéo Trung Quốc lại gần hơn?

Nhất là trong bối cảnh Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ, cũng như căng thẳng Nga-phương Tây, việc Tổng thống Nga Putin tuyên bố hỗ hợ Trung Quốc phát triển SPRS được đánh giá là hoàn toàn hợp lý.

Tác dụng đầu tiên là giúp cân bằng lực lượng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời không che giấu ý đồ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại các quốc gia đồng minh ở khu vực này. Giúp Trung Quốc cũng có thể là bước đi để Nga tự giúp mình phòng thủ vùng Viễn Đông trong bối cảnh còn thiếu các trạm radar cảnh báo tầm xa. Đặc biệt, sự hợp tác này có thể giúp Nga “lôi kéo” Trung Quốc.

Người Nga lo xa

Hiện cả phía Nga và Trung Quốc đều không có thêm bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan tới phát biểu của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, giới phân tích Nga thì bày tỏ quan ngại khi so sánh động thái này với thời kỳ Liên Xô dưới sự lãnh đạo của ông Gorbachev vì đã “phá nát” hệ thống phòng thủ của đất nước để đem lại lợi thế cho “những người bạn lớn” là nước Mỹ khi đó.

Theo chuyên gia Nga Igor Korotchenko, việc thiếu các hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa tầm xa là lỗ hổng an ninh quốc phòng nghiêm trọng hiện nay của Trung Quốc. Chuyên gia Nga nhận định Trung Quốc hiện có thể bị khuất phục trước đòn tấn công nhanh bằng tên lửa hạt nhân từ phía Mỹ.

Nguoi Nga trao bi mat tuyet dinh cho Trung Quoc?
Mỹ mới đây công khai ý đồ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Việc sở hữu các trạm radar như vậy nhờ sự hỗ trợ của Nga sẽ giúp nước này có công cụ bảo vệ mạnh mẽ trước đòn tấn công tiềm tàng. Do đó, chuyên gia Korotchenko có cái nhìn “tích cực” khi cho rằng việc hỗ trợ Bắc Kinh phát triển hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa có thể đạt được mục tiêu nữa là giảm thiểu nguy cơ bùng nổ Thế chiến III.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga, ông Konstantin Sivkov lại đưa ra lời cảnh báo đáng chú ý. Theo ông, Trung Quốc hiện vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực giám sát các đòn tấn công tên lửa và đã ký kết các thỏa thuận “ngầm” với Nga về việc trao đổi thông tin trong lĩnh vực này.

Chuyên gia Sivkov nói: “Hiện nay Trung Quốc phụ thuộc vào Nga về vấn đề giám sát tấn công tên lửa, bởi vậy họ biểu hiện tình hữu nghị với Nga. Đến khi Trung Quốc có được những công nghệ của Nga hoặc công nghệ tương tự, họ cũng sẽ không còn cần Nga với tư cách người bảo vệ”.

Nguoi Nga trao bi mat tuyet dinh cho Trung Quoc?
Nga không lo Trung Quốc sao chép công nghệ như đã làm với nhiều loại vũ khí?

Ông Sivkov tự tin cho biết SPRN từng giúp Nga giám sát các vụ phóng tên lửa của Mỹ, kể cả các tên lửa loại “nhỏ” như Tomahawk. Một khi Trung Quốc nhận được “món quà” của Nga, ông nói: “liệu vẫn có những người ngây thơ tin rằng những người châu Á sẽ vẫn biết ơn chúng ta mãi mãi?”.

Chuyên gia Nga nói thêm: “Than ôi, trong thế giới này, mối quan hệ giữa các quốc gia chỉ được xây dựng dựa trên chủ nghĩa thực dụng và lợi ích – và ngay khi Bắc Kinh thiết lập và phát triển bí quyết này, ngay khi mối quan hệ trở nên lạnh nhạt, chính chúng ta có thể bị đe dọa”.

Chuyên gia Sivkov cảnh báo rằng trong dài hạn, việc chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ cảnh báo tấn công tên lửa sẽ chỉ mang lại hiệu quả tiêu cực với chính nước Nga. Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa từ khi ra đời đến nay luôn là cuộc chạy đua song mã Xô-Mỹ, sau này là Nga và Mỹ.

Nguoi Nga trao bi mat tuyet dinh cho Trung Quoc?
Tên lửa Trung Quốc phô diễn trong lễ duyệt binh ngày 1/10

Hai quốc gia này không những độc quyền sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu, mà còn có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống cân não khi đẩy cuộc chạy đua lên đến đỉnh điểm, chỉ cách chiến tranh hạt nhân, Chiến tranh Thế giới III một lần nhấn nút.

Việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa là một quá trình dài hạn đòi hỏi nhiều nỗ lực, trong đó phải tính đến những tiến bộ tương ứng của đối thủ tiềm năng. Do đó, tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga trước mắt có thể sẽ đạt hiệu ứng truyền thông nhất định, song việc nó có đạt được mục tiêu như tuyên bố hay không thì vẫn còn là ẩn số cần phải có thời gian để chứng minh.

Mặc dù có những lo ngại, song giới phân tích Nga cho rằng vấn đề hợp tác phát triển hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa mà Tổng thống Putin đã nêu ra sẽ sớm được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Trung. Không loại trừ khả năng hai nước sẽ đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác về vấn đề này.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới