Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luận"Cái lý không có chân" của TQ ở bãi Tư Chính

“Cái lý không có chân” của TQ ở bãi Tư Chính

Chủ quyền của Việt Nam với khu vực bãi Tư Chính cũng như vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa trên Biển Đông là không thể tranh cãi và bác bỏ theo đúng luật pháp quốc tế, trong khi mọi yêu sách, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc với các vùng biển này luôn không có căn cứ pháp lý, hoàn toàn là “cái lý không có chân” theo luật pháp quốc tế.

Bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc không có bất cứ căn cứ pháp lý nào để đòi chủ quyền với bãi Tư Chính (khu vực mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An), Trung Quốc đang cố ý biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp… Đó là những điều cốt lõi được khẳng định tại buổi tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế” diễn ra ngày 6-10 vừa qua tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức này có sự tham gia của hàng chục chuyên gia, nhà sử học, luật sư có uy tín thuộc các lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, biển, luật pháp quốc tế…

Toan tính viển vông, không có bất kỳ căn cứ pháp lý

Cuộc tọa đàm diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông nói chung, khu vực bãi Tư Chính nói riêng, nóng lên với những hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Đặc biệt là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu vũ trang hộ tống đông đảo vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.

Theo như lập luận của Trung Quốc, bãi Vạn An nằm trong cái gọi là “vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa” của các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những “hòn đảo” mà Trung Quốc lấy làm căn cứ để “vẽ ra” vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa lại chính là những bãi ngầm, bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988 và bồi đắp trái phép thành các đảo nổi nhân tạo.

 Cho đến nay, không có bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo nổi nhân tạo được bồi đắp phi pháp này. Việc Trung Quốc lấy đây để đòi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên Biển Đông hoàn toàn là toan tính viển vông và không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982).

Theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, những cái gọi là “hòn đảo” mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng, bồi đắp phi pháp hoàn toàn không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, căn cứ mà Trung Quốc dựa vào để ngang nhiên đưa tàu, phương tiện vào xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính. Điều 60 của Công ước   UNCLOS 1982 đã phủ nhận quy chế cho các đảo nhân tạo (Artificial islands) với nội dung như sau: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.

Vi phạm các quy định của Công ước UNCLOS 1982

Đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với các đảo nổi nhân tạo bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay dựa vào đây để “vẽ” ra cái gọi là vùng đặc quyền kinh kinh tế, thềm lục địa lấn vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hiển nhiên của Việt Nam tại bãi Tư Chính căn cứ theo Công ước UNCLOS 1982 đều xuất phát từ yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” được Trung Quốc đưa ra năm 2009. Theo yêu sách này, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Tham vọng chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc tiến thêm một bước nữa khi công bố học thuyết “Tứ Sa” vào năm 2013. Theo học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield (nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý về phía Đông) với 4 tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. 

 Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp (6 quốc gia và vùng lãnh thổ hay còn gọi là “tranh chấp 5 nước 6 bên”, gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia Philippines, Trung Quốc và Việt Nam), Trung Quốc toan tính coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng thềm lục địa. Học thuyết “Tứ Sa” vì thế chẳng qua chỉ là là sự cụ thể hóa yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn” công bố năm 2009, để Trung Quốc lấy đây là căn cứ pháp lý đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Tuy nhiên, cho dù có đưa ra hết yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn” đến học thuyết “Tứ Sa” thì Trung Quốc cũng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và thực tiễn để đòi chủ quyền trên Biển Đông và điều này đã được khẳng định rõ ràng thông qua phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra năm 2016 trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Trong phán quyết ngày 12-7-2016, PCA kết luận rằng “các vùng biển do Trung Quốc xác lập ở Biển Đông không được vượt quá giới hạn do Công ước UNCLOS 1982 quy định; việc Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò 9 đoạn” là vi phạm các quy định của Công ước UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

Những phân tích khoa học căn cứ vào thực tiễn lịch sử, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước   UNCLOS 1982 để chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Trung Quốc hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền trên vùng biển chiến lược này đã một lần nữa được nêu bật tại cuộc tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” diễn ra ngày 6-10. Các chuyên gia, học giả tham dự cuộc tọa đàm cho rằng cùng với các biện pháp đã thực thi để kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông, Việt Nam cần có những hành động, biện pháp tiếp theo phù hợp với luật pháp quốc tế.

 Theo luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và điều Việt Nam có thể làm là đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bởi các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, đặc biệt sự việc hiện nay ở bãi Tư Chính, là hành vi đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Luật sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng Việt Nam cần tận dụng cơ chế của Hội đồng bảo an, bởi theo Hiến chương Liên hợp quốc từ điều 33.1 – 33.4 và điều 35, Hội đồng bảo an có thẩm quyền theo đề nghị của các quốc gia xem xét những tình huống đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế. Vì thế, Việt Nam cần đưa hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông ra trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và cho rằng cơ hội đang đến bởi Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của cơ quan này trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Cũng theo các chuyên gia, học giả tham dự cuộc tọa đàm, Việt Nam còn có thể đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu tham vấn pháp lý đối với Tòa án công lý quốc tế (ICJ) về áp dụng và giải thích Công ước UNCLOS 1982 tại Biển Đông. Theo luật sư Hoàng Ngọc Giao, nếu có được một câu trả lời của ICJ thì nó có giá trị pháp lý mang tính toàn cầu, còn hơn cả PCA.

RELATED ARTICLES

Tin mới