Hơn ba tháng đã trôi qua, căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Biểu hiện rõ nhất là nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động tại khu vực bãi Tư Chính và lấn dần xuống phía nam.
Việt Nam, Philippines, Malaysia… và các nước liên quan đều hết sức bất bình với hành động xâm lấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là có đối sách hữu hiệu để ngăn chặn hành động ngông cuồng, bất chấp luật pháp của giới cầm quyền Trung Nam Hải. Bởi nếu xảy ra chiến tranh, xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các bên là điều rất không nên trong thời đại ngày nay, một thời đại hướng tới hòa bình, hữu nghị, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ phải bằng con đường hòa bình.
Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại đại học New South Wales cho rằng: “Hà Nội đang đứng trước thách thức là sự hiện diện dự kiến sẽ kéo dài của các tàu Trung Quốc ở nhiều địa điểm trên vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc có thể âm mưu triển khai một giàn khoan dầu lớn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi các tàu khác của Bắc Kinh vẫn tiếp tục cản trở hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác nước ngoài”.
Trước nguy cơ đó, giáo sư Thayer phân tích: Việt Nam cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ từ các nước láng giềng, bao gồm Philippines, Malaysia và Brunei. Đây là những quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc xua quân ra biển Đông với lực lượng áp đảo.
Những ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc trong khu vực khiến các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn có truyền thống tránh xa an ninh khu vực tập thể, phải xem xét lại vấn đề này một cách bình tĩnh, thận trọng, với sự tập trung cao độ.
Sự hung hăng của Bắc Kinh được tiếp sức bởi các hoạt động của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên biển Đông là một nguy cơ lớn, đe dọa sự tự do đi lại ở các vùng biển quốc tế; đe dọa hòa bình của các quốc gia.
Trước sự căng thẳng trên biển Đông, Mỹ, EU và nhiều nước khác đã gọi thửng hành vi cảu Bắc Kinh là “bắt nạt” các nước yếu thế hơn mình. Mỹ đã có các hành động cụ thể như thường xuyên thực hiện các Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOPs) trên Biển Đông thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã vào Biển Đông được hai tháng, với lý dođảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Mỹ tuyên bố các tàu chiến của nước này có quyền đi tới các vùng biển quốc tế trên Biển Đông mà không phải xin phép bất cứ ai.
Việc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Trường Sa không thể tạo ra bất cứ cơ sở nào cho họ yêu sách vùng biển này. Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn tuyên bố trắng trợn, rằng, chiến hạm Mỹ xâm phạm cái gọi là “lãnh hải của Trung Quốc” và “vi phạm luật pháp quốc tế”(!)
Một quốc gia đang muốn khẳng định vai trò trong các vấn đề khu vực, đó là Ấn Độ. Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, giảng viên thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết: “Ấn Độ đang theo sát những diễn biến ở Biển Đông và sẽ tăng cường hợp tác với các nước đối tác, bao gồm cả Việt Nam. New Delhi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng với tất cả các nước dựa theo chính sách hành động hướng Đông”.
Vậy là đã rõ thái độ của Ấn Độ. New Delhi sẵn sàng can dự vào tranh chấp ở Biển Đông với tư cách một trọng tài viên, thúc giục Trung Quốc cùng với Việt Nam thực hiện các biện pháp ngoại giao để giảm căng thẳng. Hiện tại các công ty Ấn Độ có cổ phần tại Việt Nam, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đang tích cực hợp tác khai thác dầu ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.
Về sự hợp tác Việt -Ấn, thái độ của Bắc Kinh là, “không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”. Thật là kì lạ miệng lưỡi của kẻ muốn làm cha thiên hạ!
Người Việt có câu chuyện bẻ đũa, nói về sự cố kết cộng đồng. Nếu bẻ từng chiếc một thì gãy. Nhưng nếu bẻ cả bó thì không thể. Bây giờ “bó đũa” ấy chính là sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực cùng bị Trung Quốc lấn lướt, o ép. Kiên trì, kiên quyết, tỉnh táo, đó vừa là sách lược, vừa là chiến lược giữ vững, bảo vệ quyền trên Biển Đông.