Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTất cả đối tác TQ của NBA tuyên bố dừng hợp tác

Tất cả đối tác TQ của NBA tuyên bố dừng hợp tác

Tất cả các đối tác Trung Quốc chính thức của NBA – Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ đã tuyên bố dừng hợp tác với giải đấu này sau sự kiện quản lý của một câu lạc bộ thuộc NBA cuối tuần qua đăng tweet ủng hộ biểu tình Hồng Kông, theo CNN đưa tin hôm 9/10.

NBA Trung Quốc liệt kê 11 công ty 100% vốn Trung Quốc là đối tác chính thức của họ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. CNN, qua đánh giá các bình luận của các công ty nêu trên và tuyên bố của họ trên mạng xã hội, khẳng định rằng tất cả 11 công ty này hiện đã thông báo tạm dừng hợp tác kinh doanh với NBA.

CTrip – trang web du lịch lớn nhất Trung Quốc, hôm thứ Ba (8/10) nói rằng họ “đã loại tất cả các vé và các sản phẩm du lịch liên quan tới NBA” khỏi hạ tầng kinh doanh của công ty. Mengnui Dairy – một trong những doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc, đã tuyên bố đình chỉ “tất cả hợp tác thương mại với NBA”.

Chuỗi đồ ăn nhanh Dicos của Trung Quốc cũng cho biết họ có kế hoạch đình chỉ “tất cả các hoạt động tiếp thị và quan hệ công chúng” với NBA. Trong khi đó, nhãn hàng chăm sóc da Wzun nói rằng họ sẽ “chấm dứt tất cả hợp tác với NBA”.

Cơn bão doanh nghiệp Trung Quốc tẩy chay NBA bắt đầu từ cuối tuần qua khi Tổng giám đốc Daryl Morey của CLB Houston Rockets đăng tweet ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Hôm Chủ Nhật (6/10), ông Morey đăng tweet: “Chiến đấu vì tự do, ủng hộ Hồng Kông”, hiện ông Morey đã xóa đoạn tweet này.

Twitter của ông Daryl Morey – Tổng Giám đốc Đội bóng rổ Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA). Ảnh chụp màn hình Twitter.

Hôm thứ Hai (7/10), lãnh đạo NBA Adam Silver cũng đã lao vào cuộc tranh cãi liên quan tới đoạn tweet của ông Morey. Trao đổi với hãng tin Kyodo, Nhật Bản, ông Silver bày tỏ ủng hộ ông Morey “về khả năng thực thi quyền tự do ngôn luận”.

Trong tuyên bố một ngày sau đó, ông Silver nói NBA không thể quy định “các vận động viên, nhân viên và các ông chủ đội bóng” được nói những gì, và khẳng định rằng giải đấu này đã được thúc đẩy bởi “nhiều thứ hơn là tăng trưởng kinh doanh”.

“Không thể tránh khỏi việc mọi người trên thế giới – trong đó có Mỹ và Trung Quốc – sẽ có những quan điểm khác nhau về những vấn đề khác nhau. NBA không có vai trò phân xử những khác biệt này,” ông Silver nhấn mạnh.

Đoạn tweet của ông Morey, cùng phản ứng sau đó của ông Silver đã làm bùng phát sự giận dữ tại Trung Quốc. Nhiều đối tác của NBA trong vài ngày qua đã lớn tiếng nói rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với Hồng Kông không phải là thứ có thể đàm phán và không đồng ý với cách thức xử lý khủng hoảng của NBA.

Theo CNN, thị trường Trung Quốc đang chiếm ít nhất 10% doanh thu hàng năm của NBA và có thể tăng lên 20% vào năm 2030.

Changhong Electric – tập đoàn đồ gia dụng lớn được liệt kê trong danh sách đối tác chính thức của NBA Trung Quốc, hôm thứ Hai (7/10) nói rằng họ “cảm thấy cực kỳ phẫn nộ với thái độ ba phải của ông Morey và việc ông này từ chối xin lỗi”. Công ty giầy thể thao hàng đầu Trung Quốc Anta cũng tuyên bố rằng họ “cực lực phản đối và chống lại tất cả hành động gây hại cho lợi ích của quê hương”.

Các công ty khác rút quan hệ đối tác chính thức với NBA còn có: Migu – công ty con của China Mobile; nhãn hàng thực phẩm và đồ uống Master Kong; công ty bán lẻ ôtô eHi Car Services; nhà sản xuất đồ gia dụng Meiling; và công ty tài chính Xiaoying Technology.

NBA Trung Quốc cũng liệt kê hai đối tác của họ là các công ty liên doanh giữa công ty Trung Quốc và các doanh nghiệp quốc tế. Một trong hai công ty này, Dongfeng Nissan đã nói rằng họ sẽ đình chỉ tất cả mối quan hệ với NBA tại Trung Quốc. Dongfeng Nissan là công ty sản xuất ôtô liên doanh giữa Tập đoàn Nissan Nhật Bản và Tập đoàn Dongfeng Motor Trung Quốc.

Công ty liên doanh còn lại là Manulife Insurance-Sinochem, do công ty tài chính Manulife có trụ sở tại Canada kiểm soát hiện chưa đưa ra phát ngôn chính thức liên quan đến NBA.

Các công ty Trung Quốc khác trước đây đã từng tài trợ cho một số hoạt động của NBA cũng đã lên tiếng tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với giải đấu này.

Luckin Coffee – chuỗi đồ uống có trụ sở tại Thượng Hải, hôm thứ Ba (8/10) nói rằng họ sẽ “đình chỉ tất cả hợp tác” với NBA. Hãng sản xuất điện thoại thông minh Vivo cũng cho biết họ lên án “những phát ngôn sai trái” của ông Morey, “cũng như thái độ của NBA cho thấy họ đang dung túng hành vi như vậy”.

“Vivo luôn luôn khẳng định nguyên tắc rằng lợi ích quốc gia được đặt lên trên tất cả những thứ khác và cực lực phản đối bất kỳ phát ngôn và hành vi gây ra thách thức đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Bắt đầu từ hôm nay [8/10], Vivo sẽ đình chỉ tất cả hợp tác với NBA,” công ty này nói trong tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội Weibo.

Một số doanh nghiệp khác tại Trung Quốc cũng bày tỏ bất bình với NBA.

Tập đoàn công nghệ Tencent – đối tác kỹ thuật số độc quyền của NBA tại Trung Quốc, hôm thứ Ba (8/10) nói rằng họ sẽ không tiếp tục truyền trực tiếp các trận đấu trước mùa giải của NBA tại Trung Quốc sau khi CCTV – Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa ra động thái tương tự. Ngân hàng Phát triển Shanghai Pudong và hãng giầy thể thao Li Ning cũng cho biết họ sẽ ngừng hợp tác với NBA.

Theo CNN, cho tới nay hầu hết các đối tác quốc tế của NBA tại Trung Quốc đều đang giữ yên lặng. Nike, Adidas và Under Armour không đưa ra bình luận về vấn đề này và cũng không trả lời yêu cầu bình luận từ CNN.

Tuy nhiên, dấu hiệu căng thẳng đang bắt đầu xuất hiện. Hôm thứ Tư (9/10), Clear – thương hiệu chăm sóc tóc thuộc sở hữu của tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever, Hà Lan cho biết họ sẽ đình chỉ tất cả các mối quan hệ với NBA tại Trung Quốc.

 Trước NBA, có rất nhiều công ty Mỹ khác đã phải cúi đầu trước áp lực của Bắc Kinh để đặt được chân vào thị trường tiêu dùng tỷ dân này. Hồi tháng Sáu, Nike đã thu hồi một bộ sưu tập giầy thể thao ở Trung Quốc sau khi hãng thiết kế Undercover đăng một bức ảnh ủng hộ người biểu tình Hồng Kông trên Instagram.

Hãng trang sức đá quý Tiffany đã phải xin lỗi vì đăng lên Twitter một hình ảnh quảng cáo mà người Trung Quốc xem là ủng hộ người biểu tình Hồng Kông: Cô gái che mắt phải. Hành động che mắt phải đã trở thành biểu tượng của người Hồng Kông chống lại bạo lực cảnh sát sau khi một người biểu tình ở thành phố này bị cảnh sát bắn hỏng mắt.

Hãng sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Blizzard Entertainment của Mỹ đã tước giải thưởng và cấm thi đấu một năm đối với một game thủ vì có phát ngôn ủng hộ Hồng Kông. Quyết định này mặc dù đã xoa dịu được Bắc Kinh nhưng đang khiến Blizzard bị tẩy chay trên quy mô toàn cầu, nhất là ở phương Tây và các quốc gia ưa chuộng tự do ngôn luận. Biểu tượng Warcraft (trò chơi nổi tiếng nhất của Blizzard) nằm ngoài trụ sở chính của công ty đã bị một số nhân viên lấy giấy che đi 2 dòng chữ: “Think Globally” (nghĩ toàn cầu) và “Every Voice Matters” (Mỗi tiếng nói đều có giá trị) 2 trong 8 giá trị cốt lõi hình thành nên văn hóa doanh nghiệp của công ty này. BoycottBlizzard (tẩy chay Blizzard) trở thành Hashtag phổ biến nhất trên Twitter, đã có lúc lên vị trí đầu tiên.

Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp Mỹ chấp nhận bị hất cẳng khỏi Trung Quốc chứ không chịu quên mình là người Mỹ.

Tuần trước, Trung Quốc đã âm thầm cấm chiếu bộ phim hoạt hình South Park do người Mỹ sản xuất vì có một tập động chạm quá nhiều đến các khái niệm “nhạy cảm” đối với Bắc Kinh.

Trong tập phim “Band in China”, nhân vật hoạt hình Randy Marsh đã tới Trung Quốc để mở rộng việc kinh doanh cần sa. Anh này nhanh chóng bị bắt, bị tống giam, buộc lao động cưỡng bức và học tập cải tạo.

Trong một cảnh, Randy phải đứng ngoài trời mưa trong khi một tên cảnh sát sốc điện anh – một trong những thủ pháp tra tấn dã man mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc đã áp dụng lên các tù nhân lương tâm trong các trại lao động trên khắp đất nước.

Sau khi bị “cải tạo”, Randy đọc to từ một tấm thẻ: “Tôi là một thành viên Đảng Cộng sản đầy tự hào. Đảng đứng trên cá nhân”. Sau đó anh ta chứng kiến cảnh sát bắn một tù nhân vào đầu, rồi bị đưa tới một nhà tù đông đúc khác cùng với gấu Pooh và lợn Piglet.

Trên Twitter, các tác giả của South Park đã gửi lời “xin lỗi chính thức” đến Trung Quốc theo phong cách châm biếm của bộ phim.

“Giống như NBA, chúng tôi hoan nghênh việc kiểm duyệt của Trung Quốc tới ngôi nhà và trái tim của chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu tiền hơn tự do,” Trey Parker và Matt Stone, tác giả của bộ phim hoạt hình South Park viết trên Twitter với tiêu đề: “Lời xin lỗi chính thức gửi tới Trung Quốc”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc vạn tuế! Mong vụ lúa mùa này bội thu! Như thế đủ tốt chưa, Trung Quốc?”

RELATED ARTICLES

Tin mới