Vào thứ Năm (10/10), Đài Loan đã tổ chức kỷ niệm 108 năm Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc (1911-2019). Nhân sự kiện này, Đài Bắc thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ nền dân chủ của người dân Đài Loan và phủ nhận đề nghị của Bắc Kinh về “một quốc gia, hai chế độ”.
Đài Loan chọn ngày Quốc khánh là ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Vũ Xương (10/10/1911), khởi phát cuộc cách mạng Tân Hợi khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Sau cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã rút sang đảo Đài Loan vào năm 1949 và duy trì nền độc lập đến ngày nay.
Bên cạnh những uy hiếp về việc dùng vũ lực để thâu tóm Đài Loan, chính quyền Trung Quốc cũng vẽ ra một viễn cảnh về “một nhà nước, hai chế độ” với hy vọng Đài Loan đồng ý trở thành “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không dễ để chế độ cầm quyền ở Trung Quốc đạt được mục đích.
Phủ nhận ‘một nhà nước, hai chế độ’
Trong bài phát biểu kỷ niệm lần thứ 108 Quốc khánh Đài Loan, theo Nikkei, Tổng thống Thái Anh Văn đã thẳng thắn phủ nhận lời đề nghị theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh. Bà Thái tuyên bố rằng đề nghị này là “không thể chấp nhận được đối với 23 triệu người Đài Loan”.
Bài Thái nói: “Hồng Kông đang trên bờ vực hỗn loạn do sự thất bại của một quốc gia, hai chế độ”, mô hình mà Bắc Kinh cam kết đảm bảo cho Hồng Kông khi tiếp quản thành phố này từ Vương quốc Anh vào năm 1997.
Tuy nhiên, Tổng thống Thái đáp lại: “Tôi muốn kêu gọi chính quyền Trung Quốc nhìn thẳng vào thực tế về sự tồn tại của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan” và Trung Quốc nên “tôn trọng quan điểm nhất quán của 23 triệu người Đài Loan đối với tự do và dân chủ, phải sử dụng hòa bình, và sự tôn trọng để xử lý những khác biệt của chúng ta”.
Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu trong Lễ kỷ niệm lần thứ 108 quốc khánh Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) (ảnh: AP).
Một lần nữa, hôm 10/10, bà Thái chỉ ra mối đe dọa Bắc Kinh. Bà nói: “Chính quyền Trung Quốc vẫn đang đe dọa áp đặt mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ lên Đài Loan. Các cuộc tấn công ngoại giao và ép buộc quân sự từ phía Trung Quốc thách thức nghiêm trọng sự ổn định và hòa bình của khu vực”.
Tuy nhiên, nữ Tổng thống Đài Loan khẳng định bà và chính phủ của bà không hề chùn bước trước Bắc Kinh. “Với tư cách là Tổng thống, tôi có trách nhiệm bảo vệ đất nước, đó là trách nhiệm cơ bản của tôi”, bà Thái tuyên bố và cam kết bảo vệ chủ quyền đất nước và bảo vệ môi trường tự do và dân chủ cho người dân.
Không đơn độc
Để tăng cường năng lực quốc phòng, Đài Loan chú trọng đầu tư cho quân sự. Mới đây nhất, Mỹ đã đồng ý bán cho Đài Loan lô vũ khí tân tiến trị giá hơn 2 tỷ USD.
Taiwan News đưa tin, Hoa Kỳ đã cử Thượng nghị sĩ Ted Cruz tham gia Lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan hôm 10/10. Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp ở Đài Bắc hôm Thứ Tư (9/10), ông Cruz bày tỏ sự ủng hộ đối với Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Đài, và ông lưu ý rằng Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Hoa Kỳ. Nghị viên Thượng viện Mỹ cũng khẳng định, mối quan hệ Mỹ-Đài là “đặc biệt quan trọng” trên cả hai khía cạnh kinh tế và quân sự. Ông Cruz cũng bày tỏ hy vọng sẽ thấy Đài Loan tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ chủ trì.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp và Thượng Nghị sĩ Mỹ, Ted Cruz (ảnh: Taiwan News).
Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ cam kết luôn đứng bên nền dân chủ của hòn đảo và “chống lại những nỗ lực làm suy yếu Đài Loan của Trung Quốc”.
Vào thứ Năm (10/10), Thượng nghị sĩ Cruz đã có cuộc hội kiến Tổng thống Thái Anh Văn. Ông Cruz chia sẻ, Đài Loan không chỉ quan trọng đối với châu Á mà còn quan trọng đối với thế giới, nhất là trong bối cảnh người dân Hồng Kông đang bị đàn áp, vì hòn đảo đã chứng minh được tính ưu việt của một xã hội tự do và dân chủ.
The Hill, hôm 9/10, đã cho đăng một bài viết với tựa đề “Quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan là điều cần thiết để chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”. Đáng chú ý, tác giả của bài viết là Bộ Trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp và Thượng Nghị sĩ Mỹ Cory Gardner.
Ảnh chụp bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp, và Thượng Nghị sĩ Mỹ, Cory Gardner (ảnh: chụp màn hình).
Trong bài viết này, hai quan chức Mỹ-Đài đã lên án những hành động quân sự ngang ngược làm phức tạp tình hình khu vực của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan nhìn nhận sự của hiện diện của Đài Loan ở Thái Bình Dương và phản đối Bắc Kinh cản trở điều này.
Taiwan News cho hay, nhiều quan chức và học giả của chính phủ Ấn Độ, đại sứ Đức, Paraguay đã tham dự một bữa tiệc mừng Quốc khánh Đài Loan do Trung tâm Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc (TECC) tổ chức tại New Delhi vào đêm ngày 9/10. Bữa tiệc diễn ra chỉ ít giờ trước khi Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ. Điều này cho thấy quan chức Ấn Độ và các nước của thế giới tự do không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan, bất chấp thái độ của Trung Quốc.
Sẽ chỉ là mộng ảo?
Bắc Kinh đã sử dụng nhiều các chiêu trò để cưỡng buộc Đài Loan phải khuất phục, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Thái Anh Văn.
Tuy nhiên, việc Đài Loan vẫn đứng vững cho tới nay là một minh chứng cho thấy những chiêu trò của Bắc Kinh không đem lại kết quả nào đáng kể. Trong một bài viết trên SCMP hồi tháng Tư, nhà báo Deng Yuwen dự đoán rằng, ít nhất trong tương lai gần Bắc Kinh sẽ chưa thể làm gì được Đài Loan.
Nhà báo Yuwen dẫn ra 3 lý do để chứng minh cho dự đoán của mình. Theo đó, thứ nhất, quân đội Trung Quốc chưa phát triển tới tầm để đối đầu với sự can thiệp của quân lực Hoa Kỳ. Thứ hai, Trung Quốc đang vật lộn với cuộc thương chiến nên không còn “đầu óc” để phát động cuộc chiến quân sự. Thứ ba, ông Tập Cận Bình vẫn chưa củng cố xong cơ sở quyền lực của mình.
Máy bay chiến đấu của Đài Loan trình diễn trong một sự kiện ở Đài Bắc (ảnh: EPA-EFE).
Nếu dựa theo phân tích của cây viết Yuwen để suy luận tiếp về thời gian nào Trung Quốc thống nhất được Đài Loan, thì sẽ rất khó để có câu trả lời vì đáp án chỉ có khi 3 câu hỏi sau được giải đáp. Thứ nhất, bao giờ khoa học công nghệ Trung Quốc phát triển bằng Mỹ khi hiện tại Bắc Kinh vẫn phải mua hoặc ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Thứ hai, bao giờ cuộc thương chiến kết thúc khi hai bên còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cuối cùng, khi nào ông Tập củng cố được quyền lực tuyệt đối khi vẫn còn nhiều kẻ thù từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” những năm gần đây.
Ngoài 3 lý do mà Yuwen chỉ ra, có thể thấy rằng, sự bất khuất và khát vọng tự chủ của người Đài Loan là một yếu tố làm Bắc Kinh phải cân nhắc trước khi nghĩ tới biện pháp mạnh để thống nhất. Bên cạnh đó, cuộc biểu tình chưa có hồi kết của người Hồng Kông thời gian qua, hay câu chuyện về Tây Tạng và Tân Cương cho thấy, nếu dùng vũ lực thì Bắc Kinh chỉ “cướp” được “phần xác” của một cộng đồng, còn “phần tinh thần” thì họ sẽ không bao giờ có được trừ khi họ từ bỏ hành vi “côn đồ” của mình.
Vậy nên, chiếc “thòng lọng một nhà nước, hai chế độ” mà Bắc Kinh muốn khoác lên cổ người Đài Loan sẽ rất khó làm được, và điều này cuối cùng chỉ là giấc mộng của “chế độ côn đồ” mà thôi.