Từ cuối năm 2018 đến nay, Philippines tiếp tục là một trong những chủ thể được dư luận khu vực, quốc tế đặc biệt quan tâm do liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Về cơ bản, Chính quyền của Tổng thống Duterte vẫn thực hiện chính sách “thực dụng” trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc, bất chấp những phản ứng trái chiều từ trong nước và các nước.
Thứ nhất, chú trọng tăng cường quan hệ với TQ, trong đó tiếp tục thúc đẩy hợp tác khai thác chung và tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh
Năm 2019, quan hệ với Bắc Kinh vẫn là mối quan hệ chủ đạo, xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Manila. Điểm nhấn trong mối quan hệ này là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte hôm 28/-01/9. Tổng thống Philippines khẳng định quan hệ thân thiết với lãnh đạo Trung Quốc và tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Philippines, cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên phát triển mạnh mẽ. Hai bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ, trong đó đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác, gồm các thỏa thuận được ký kết có bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giáo dục đại học giữa Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines và Bộ Giáo dục Trung Quốc, MOU về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ của hai nước, thỏa thuận hợp tác giữa Cục Hải quan (BOC) thuộc Bộ Tài chính Philippines (DOF) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc thực hiện thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hải quan. BOC và Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng thực hiện dự án thiết bị kiểm tra container do Trung Quốc hỗ trợ… Trong chuyến thăm Trung Quốc ba năm trước, Tổng thống Duterte đã tuyên bố “chia tay với Mỹ” và ngỏ lời “Tôi đến đây và muốn nói rằng tôi không xin miễn phí nhưng liệu Trung Quốc có sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi lúc chúng tôi cần, rồi chúng tôi sẽ ghi nhớ ơn của các bạn mãi mãi”. Trong khi Trung Quốc hân hoan trước thái độ của ông Duterte. Chủ tịch Tập Cân Bình gọi chuyến thăm là một cột mốc quan trọng, xem hai nước là “hàng xóm”, nhân dân hai bên là “dân tộc anh em kết nghĩa”.
Chính sách kết thân, tránh đối đầu với Trung Quốc của Chính quyền Duterte còn được thể hiện qua vụ việc tàu cá Philippines bị một tàu Trung Quốc đâm chìm tại Bãi Cỏ Rong và sau đó bỏ mặc, khiến số ngư dân này chỉ may mắn sống sot khi được táu cá Việt Nam phát hiện cứu vớt hôm 9/6. Một lán sóng giận dữ tảy chay đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm từ phía Bộ Quốc phòng, người dân song đáp lại là thái độ mềm mỏng, coi nhẹ vấn đề của Chính quyền Tổng thống Duterte. Chính quyền Philippines lúc đó cho rằng không thể đưa quân đội ra đối đầu với Trung Quốc vì toàn bộ thủy quân lục chiến của Philippines sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt vì Bắc Kinh đã triển khai hỏa lực mạnh, quân đông. Các tuyên bố lên án Trung Quốc đều được điều chỉnh, ngay cả phát biểu trước và sau của Bộ Quốc phòng hay của phía các nhân chứng.
Thứ hai, tìm cách mở rộng quan hệ với các nước bên ngoài như Nhật Bản, Nga và duy trì quan hệ quân sự với Mỹ để tạo thế mặc cả với TQ
Bên cạnh mối quan hệ chủ đạo với Trung Quốc, Chính quyền Philippines cũng tích cực mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm các đối tác bên ngoài như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia trong khi vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong chuyến thăm Nhật Bản và dự Diễn đàn tương lai châu Á tại Nhật Bản hôm 31/5, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hướng tới xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và dựa trên luật lệ. Ông Duterte bày tỏ đánh giá cao sự trợ giúp của Nhật Bản đối với phát triển của Philippines, nhấn mạnh đó là “tiêu chuẩn vàng đối với hợp tác phát triển của Philippines với các nước đối tác”. Thủ tướng Abe và Tổng thống Duterte đã nhất trí hợp tác để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng cách thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc con tin Nhật Bản trong những năm 1970-1980 của thế kỷ trước. Ông Abe hoan nghênh chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” (Build, Build, Build) của Chính phủ Philippines, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ. Hồi tháng 2 trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tới Philippines, hai nước đã nhất trí nối lại đối thoại quân sự-chính trị và hàng hải trong năm 2019. Chuyến thăm đã khẳng định quan hệ đối tác chiến lược được tăng cường cũng như tình hữu nghị song phương lâu dài giữa Nhật Bản và Philippines.
Trong chuyến thăm Nga lần thứ hai của ông Duterte hôm 02-06/10, kể từ sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 5/2017, hai bên đã xác định những cách thức nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chống tội phạm xuyên quốc gia. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Nga – Philippines hôm 4/10, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, Nga là thị trường đầu tư và thương mại ưu tiên đối với Philippines. Ông Duterte nói: “Quan hệ kinh tế của chúng ta đang phát triển. Đối với Philippines, Nga là thị trường đầu tư và thương mại ưu tiên. Tôi rất hài lòng khi trao đổi kinh tế hai nước đang tăng lên. Năm ngoái, tổng thương mại lên tới 1 tỷ 360 triệu USD”. Philippines cung cấp nhiều ưu đãi thuế khác nhau – đặc biệt, các công ty có thể được miễn thuế thu nhập trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 năm. Ngoài ra, công dân Nga cũng có thể xin thị thực lao động đặc biệt cho người nước ngoài, đang làm việc tại Philippines. Hai bên đã ký kết 10 thỏa thuận được ký kết tại Diễn đàn Nga – Philippines lên tới 6,6 triệu USD.Tập đoàn hạt nhân quốc gia Rosatom của Nga và Bộ Năng lượng Philippines cũng đã ký thỏa thuận nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Philippines.
Trong khi chú trọng mở rộng quan hệ với các nước khác, Philippines cũng duy trì và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quân sự với Washington. Nhằm thể hiện mối quan hệ vững chắc giữa hai nước đồng minh, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ và Philippines đã nhất trí tăng hoạt động chung trong năm 2020 lên con số 281, bao gồm hoạt động chống khủng bố, an ninh hàng hải và hỗ trợ nhân đạo. Tham mưu trưởng quân đội Philippines Carlito Galvez và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ Philip Davidson đã chủ trì một cuộc họp thường niên giữa quân đội hai nước tại trụ sở Bộ Quốc phòng Philippines ở Manila. Hồi tháng 7, hải quân Mỹ và Philippines cũng tiến hành cuộc diễn tập phòng không và cứu nạn chung trên Biển Đông, với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay trinh sát hiện đại. Washington là đối tác quân sự quan trọng nhất của Manila. Hiệp ước đồng minh ký kết từ năm 1951 cùng nhiều thỏa thuận khác cho phép Mỹ triển khai luân phiên binh sĩ tới Philippines và tiến hành các cuộc diễn tập chung hàng năm.
Thứ ba, tìm các đối phó, xoa dịu làn sóng chỉ trích, phản đối trong nội bộ chính quyền và người dân Philippines
Năm 2019 cũng chứng kiến làn sóng chỉ trích, phản đối mạnh mẽ nhất đối với chính sách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và xử lý vấn đề Biển Đông của Chính quyền Tổng thống Duterte. Một bộ phận chính giới tại Bộ Quốc phòng, Tòa án và các cựu quan chức liên tục lên tiếng chỉ trích Tổng thống Duterte nhu nhược không đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Các nhà lập pháp Philippines hôm 26/3 đã bày tỏ quan ngại về các thỏa thuận tài chính với Trung Quốc sau khi một viên chức Tòa án Tối cao cáo buộc Bắc Kinh có thể tiếp quản tài sản hàng hải của Philippines nếu Manila không trả được khoản vay từ Trung Quốc cho một dự án thủy lợi.Phó Thẩm phán cao cấp tại Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi sự giám sát công khai hơn đối với các thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Bản “Tuyên bố ủng hộ” dành cho cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales trong vụ kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) về những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông đã nhận được hơn 25.000 chữ ký. Sự ủng hộ nói trên vẫn đang không ngừng gia tăng, bất chấp việc bị Dinh Tổng thống Philippines coi là “hành động vô ích”. “Chúng tôi ca ngợi hành động dũng cảm của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales khi đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ICC về ‘những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông…’”, theo tuyên bố ủng hộ được đăng trên website kiến nghị trực tuyến Change.org. Khẳng định đại diện cho hàng trăm ngàn ngư dân, ông del Rosario và bà Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông là “sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Bên cạnh đó, dư luận cho rằng Philippines nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thậm chí là bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc theo Phụ lục VII về vụ kiện “đường lưỡi bò”, để đổi lại những lợi ích về kinh tế từ Trung Quốc, mà cụ thể là các khoản viện trợ và đầu tư tài chính.
Chính quyền liên tục phải ra các tuyên bố xoa dịu dư luận. Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo hôm 25/3 tuyên bố trấn an dư luận rằng thỏa thuận liên quan đến dự án sông Chico trị giá 3,6 tỉ peso (68,4 triệu USD) là hợp pháp, trung thực và công khai. Dự án Chico là một trong những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên được Trung Quốc tài trợ theo chương trình mang tên “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” của Tổng thống Duterte. Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo hôm 01/4 cho biết Philippines đã gửi công hàm phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nói với các phóng viên rằng cả ngư dân Philippines và Trung Quốc đều hiện diện tại khu vực tranh chấp.Bắc Kinh và Manila đang xử lý các vấn đề liên quan tới hàng hải thông qua các kênh ngoại giao. Ông cũng bác bỏ các tin tức nói rằng các ngư dân Trung Quốc có mang theo vũ khí.Trước đây, trong các vụ người dân Philippines phản đối Trung Quốc so các vụ tàu Trung Quốc xuôi đuổi, đe dọa ngư dân Philippines, Chính quyền của Tổng thống Duterte cũng có những động thái tương tự, chiếu lệ như việc phản đối một số hành động Trung Quốc về mặt ngoại giao hay thể hiện thái độ “ủng hộ” đối với người dân. Tuy nhiên, những động thái này không thể xoa đi ý nghĩ và bù đắp niềm tin của người dân về việc chính quyền nước này thắt chặt quan hệ với Trung Quốc như hiện nay. Phát biểu trước báo giới hôm 25/3, khi được phóng viên hỏi về thông tin cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough và ngăn ngư dân Philippines tiếp cận các khu vực gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, liệu Philippines sẽ làm gì khi Trung Quốc đang kiểm soát như hiện nay? Người phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo, nói rằng nếu các thông tin trên là có thật, chính quyền Philippines chắc chắn sẽ phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc. Song khẳng định trước các hành động hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, chính phủ nước này chỉ có thể phản đối thật mạnh mẽ, vì Trung Quốc đang có sự kiểm soát tại Biển Đông.
Tóm lại trong năm 2019, Chính quyền Philippines tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt quan hệ, tránh đối đầu với Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích. Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte cũng có sự điều chỉnh nhất định do sức ép của dư luận người dân và nội bộ giới lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thời gian tới sẽ không có nhiều biến động trong chính sách của nước này đối với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.