Trong những năm gần đây, diễn biến tình hình an ninh phi truyền thống ở khu vực Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là hoạt động giao thông hàng hải ở Biển Đông.
Tình hình an ninh hàng hải, cướp biển tiếp tục hoành hành
Trước đây, số lượng các vụ việc gây ra do cướp biển châu Á chiếm đến 1/3 số lượng cướp tàu trên toàn thế giới, song cướp biển châu Á tuy ít được nói đến do chỉ có tính chất nhỏ lẻ như cướp tư trang, tài sản, hàng hóa nhỏ lẻ trên tàu. Tính chất phức tạp đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013-2015, trong đó cướp dầu ở khu vực eo biển Singapore và eo Malacca gây rất nhiều thiệt hại cho nhiều chủ tàu có tàu đi ngang qua đây. Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB), năm 2015, Đông Nam Á xảy ra 120 vụ cướp biển tấn công, chiếm gần 30% số vụ cướp biển toàn cầu, gây thiệt hại trung bình mỗi năm ít nhất 8,4 tỉ USD. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động của nhóm tội phạm cướp biển trên khu vực biển châu Á, nhất là ở những khu vực biển trọng điểm, tuyến hàng hải có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, ở khu vực châu Á đã xảy ra 95 vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó, bọn cướp đã thực hiện thành công 83 vụ. Các vụ cướp biển thường diễn ra tại một số khu vực như quần đảo Anambas, Natuna, Mangkai, Subi Besar, Pulau Jemaja, Pulau Siantan, Pulau Matak thuộc Indonesia; eo biển Malacca; khu vực ngoài khơi Tioman, Pulau Aur, Đông Sabah thuộc Malaysia; khu vực biển thuộc Miền Nam Phillippines.
Nhìn chung, các vụ cướp trên biển khu vực châu Á có phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp thường là: (1) Sử dụng từ 02 đến 04 tàu, xuồng loại nhỏ, có tốc độ cao (trên 25 hải lý/giờ) để tiếp cận, tấn công các tàu vận tải hành trình đơn lẻ trên biển; (2) Chúng tiếp cận, leo lên và tấn công từ phía đuôi, hoặc hai bên mạn tàu; (3) Chúng sử dụng vũ khí hạng nhẹ (súng tiểu liên, súng phóng lựu…) đe dọa, uy hiếp thuyền viên để đưa ra các yêu cầu về giảm tốc độ, hoặc dừng tàu để tiếp cận và leo lên. Khi sử dụng vũ khí, bọn cướp biển thường nhằm vào buồng lái, buồng ngủ, phòng Câu lạc bộ…; (4) Trong mỗi vụ, chúng thường sử dụng từ 01 đến 02 tàu mẹ, tàu mẹ có thể là tàu biển, tàu thuyền buồm, tàu đánh cá. Tàu mẹ dùng để chứa hàng dự trữ, nhiên liệu và có thể vận chuyển các hàng hóa cướp được. Các xuồng nhỏ để tấn công thường được kéo theo phía đằng sau tàu mẹ; (5) Để tấn công, leo lên tàu, bọn cướp thường sử dụng sào móc với thang dây dài và nhẹ, hoặc dây thừng để leo lên tàu. Khi đã lên được tàu, bọn chúng thường lên buồng lái để khống chế, kiểm soát hàng hải và thông tin trên tàu, yêu cầu cho tàu chạy chậm, hoặc dừng lại để cho đồng bọn tiếp tục leo lên tàu và khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn, kiểm soát tàu, tổ chức cướp tàu, cướp hàng hóa vận chuyển trên tàu hoặc bắt cóc thuyền viên. Quá trình khống chế, kiểm soát tàu, nếu thuyền viên có hành vi chống đối, bọn biển sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để sát thương nhằm quyết tâm thực hiện hành vi cướp đến cùng.
Tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại trên biển tiếp tục gia tăng
Cùng với nạn cướp biển hoành hành, nạn buôn lậu và gian lận thương mại ở Biển Đông cũng tăng mạnh cả về số vụ, số đối tượng cũng như tang vật bị bắt giữ. Tuy chưa có nhiều bằng chứng, những nhiều chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, chính lực lượng buôn lậu trên biển đang dung túng và là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu do bọn hải tặc bán lại. Tại vùng biển của Việt Nam, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại cũng đang diễn ra hết sức sối động, trong đó xăng, dầu, than, quặng titan, gỗ và ma túy là những mặt hàng bị phát hiện nhiều nhất.
Số tội phạm buôn lậu xăng dầu thường câu kết với các công ty buôn lậu tại các nước, chúng sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá hoán cải, được gia cố thêm téc chứa bí mật để trung chuyển dầu lậu mua từ tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh. Một phần xăng, dàu lậu được bán trực tiếp cho ngư dân tại ngư trường. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp núp dưới chiêu bài nhập khẩu xăng, dầu chính ngạch nhưng khai báo số lượng chỉ bằng 1/3 -1/5 số lượng nhập thực tế để gian lận thuế.
Trong khi đó, số tội phạm buôn lậu than và khoáng sản ở khu vực Biển Đông thời gian qua cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cũng liều lĩnh và tinh vi hơn. Các đối tượng thu mua than trôi nổi từ nhiều nguồn, dùng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ đã qua sử dụng sửa lại ngày, tháng để quay vòng nhằm hợp thức hóa nguồn gốc. Hơn nữa, do mặt hàng than có nhiều chủng loại, khiến lực lượng chức năng rất khó xác định đâu là chất lượng thật và giá thật của lô hàng, để xác minh mất rất nhiều thời gian, vì vậy các đối tượng dễ dàng dùng hóa đơn giả để qua mặt cơ quan chức năng. Không những thế, phương tiện vận chuyển than cũng được các đối tượng đầu tư kỹ lưỡng, thường là phương tiện công suốt lớn, neo đậu ngoài khơi xa, thuê các thủy thủ có nhiều kinh nghiệm sông nước, thông thạo luồng lạch điều khiển, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu dùng tàu nhỏ trung chuyển than từ trong đất liền ra, việc này gây khó khăn cho các lực lượng chuyên trách trong quá trình triển khai lực lượng để vây bắt.
Đối với nhóm tội phạm buôn lậu ma túy, hiện Đông Nam Á đang là khu vực sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới với nguồn nguyên liệu tiền chất ma túy được cung cấp từ Ấn Độ, Trung Quốc. Trong khi đó, những đường dây mua bán ma túy hình thành từ Trung Đông, Tây Phi đang chọn Đông Nam Á làm nơi tiêu thụ hoặc trung chuyển ma túy vào nước thứ ba, chúng cấu kết với tội phạm ma túy khu vực Mỹ Latinh tổ chức vận chuyển coocain sang Đông Nam Á bằng đường biển. Theo lực lượng chức năng, thường thì các vụ vận chuyển ma túy bằng đường biển có số lượng rất lớn. Hơn nữa, vận chuyển bằng đường biển khiến cho công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này gặp khó khăn hơn rất nhiều so với đường bộ và đường hàng không, bởi địa bàn rộng, dễ che giấu, dễ phi tang, trong khi đó lực lượng chặn bắt của các quốc gia rất mỏng.
Vấn nạn đánh bắt trộm hải sản
Tình trạng tàu cá các nước đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển nước khác ở Biển Đông đang trở thành một điểm nóng mới trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống của khu vực. Cùng với tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tàu cá của các nước, đặc biệt là tàu cá của Trung Quốc thường xuyên hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia… Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Giám sát đánh cá toàn cầu (Global Fishing Watch) công bố hôm 23/2/2018 cho thấy, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, lớn hơn cả tổng quy mô của 10 vị trí tiếp theo. Theo Báo cáo tàu cá Trung Quốc đã hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016, tập trung tại khu vực Biển Đông, đồng thời vươn xa đến cả châu Phi và châu Mỹ. Xếp thứ 2 là Đài Loan với 2,2 triệu giờ đánh bắt. Ông David Kroodsma, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Global Fishing Watch cho biết “Trung Quốc là quốc gia đánh cá nhiều nhất và tầm hoạt động của các tàu cá Trung Quốc còn lớn hơn nhiều người nghĩ”. Còn theo báo cáo của tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” (Green peace) thì Trung Quốc hiện có khoảng 2.500 tàu đánh bắt ở vùng biển xa và luôn luôn không được chào đón. Cũng theo các tổ chức nghiên cứu này thì điều đang quan ngại là tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển các nước ngày càng phổ biến và mức độ chống trả lực lượng chức năng các nước của tàu này cũng ngày càng quyết liệt, liều lĩnh và nguy hiểm.
Hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân Trung Quốc đã gây tác động lớn đối với tình hình an ninh trong khu vực. Tàu cá Trung Quốc không chỉ ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước mà còn thường đi số lượng lớn, được trang bị vũ khí thường chống trả quyết liệt và liều lĩnh đối với lực lượng chức năng các nước, bất chấp nguy hiểm chết người. Điều này đã vượt ra khỏi phạm vi của hoạt động đánh cá thông thường mà có tính chất của hoạt động tội phạm nguy hiểm có tổ chức. Sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc cũng gây ra sự hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển các nước. Tàu cá Trung Quốc sử dụng loại lưới mắt nhỏ càn quét, tận diệt các loài hải sản, ngay cả trong mùa sinh sản và trong khu vực bảo tồn của các nước. Nhiều tàu còn sử dụng thuốc nổ, lưới chì… khiến cho các bãi san hô bị tàn phá, gây mất cân bằng sinh thái. Nhìn chung, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đã gây xáo trộn đời sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá truyền thống của người dân các nước.
Ô nhiễm môi trường biển tiếp tục khó kiểm soát
Cùng với việc Trung Quốc tiến hành cải tạo phi pháp các đảo đá ở Trường Sa đã khiến tình hình ô nhiễm môi trường Biển Đông trở thành một trong những thách thức hàng đầu về vấn đề an ninh phi truyền thống. Biển Đông là một trong những khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng nhất thế giới, chiếm tới 76% các chủng loại san hô thế giới và 37% các loại cá sinh sống trong các rạn san hô. Theo Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), mỗi thập kỷ sẽ có 30% cỏ mọc dưới đấy biển, 16% các rạn san hô sống mất đi do ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt thiếu bền vững. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160 km2 rạn san hô và phá hủy gần 60 km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven Biển Đông phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp. Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) vào năm 2015 cho thấy hiện nay khoảng 20% số đàn cá trong Biển Đông đang phục hồi, 50% số đàn cá đang bị khai thác ở mức đe dọa suy thoái và 30% số đàn cá đã bị khai thác và suy thoái tới mức gần như không còn khả năng phục hồi. Nguồn hải sản không có khả năng phục hồi hoặc phục hồi chậm chủ yếu là do hoạt động cải tạo phi pháp, phá hủy môi trường sinh thái của Trung Quốc khiến các loại sinh vật mất môi trường sống, đẻ trứng và nuôi con non. Ngoài ra việc Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát, quản lý ngư dân, để người dân khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp và sử dụng phương pháp đánh bắt mang tính chất hủy diệt (ngư dân đã dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt như lưới mắt nhỏ, giã cào, điện, đèn công suất cao, thuốc nổ, chất độc xyanua… ) khiến nguồn cá và các sinh vật khác, đặc biệt là những sinh vật có giá trị kinh tế cao (rùa biển, trai biển…) không có khả năng phục hội.
Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Giải pháp góp phần đảm bảo an ninh phi truyền thống trên Biển Đông
Để bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, ngăn chặn và hạn chế tác động, ảnh hưởng của vấn đề an ninh phi truyền thống ở Biển Đông thì các nước trong khu vực cần phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, cụ thể:
Thứ nhất, các nước liên quan, nhất là các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác, tuần tra song phương, đa phương trong khu vực, trong đó tập trung vào việc chia sẻ thông tin, tình hình cướp biển và cướp có vũ trang; công tác huấn luyện, diễn tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; thiết lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước; thiết lập và tăng cường cơ chế tuần tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia ở các vùng biển giáp ranh, …
Thứ hai, tăng cường sức mạnh lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, trang bị vũ khí hiện đại như súng máy, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ; lắp đặt hệ thống giám sát bờ biển sử dụng radar, trang bị hệ thống nhận dạng tự động, cũng như nhiều thiết bị quản lý hiện đại khác… nhằm bảo đảm lực lượng thực thi pháp luật của mỗi quốc gia có đủ năng lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang.
Thứ ba, mỗi quốc gia trong khu vực cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cho các doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên, nhất là thuyền viên các tàu vận tải. Đồng thời, có các khuyến cáo, chỉ dẫn về huấn luyện, các biện pháp phòng vệ, phương án thông tin liên lạc khẩn cấp khi bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công…
Thứ tư, yêu cầu các chủ tàu trang bị hệ thống tự động nhận dạng (AIS); Hoàn thiện cơ chế phản ứng nhanh và cài đặt điểm an toàn xung quanh vùng biển Sabah, điểm nóng của tệ nạn cướp biển trong khu vực Biển Đông.
Thứ năm, hỗ trợ xây dựng, đào tạo lực lượng, diễn tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chiến đấu.
Thứ sáu, các quốc gia hiện vẫn còn tồn tại các tổ chức khủng bố, tổ chức phiến quân cần tích cực, chủ động đề ra các biện pháp, chính sách phù hợp để kiểm soát, loại bỏ những tổ chức trên.
Thứ bảy, các nước trong khu vực cần triển khai ngay kế hoạch quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường sinh thái ở vùng biển tranh chấp để cứu vãn tài nguyên sắp cạn kiệt; tránh các hành động phá hủy môi trường biển nào như nạo vét, cải tạo đảo, hay xây dựng các cơ sở trên các rạn san hô chưa có nước nào kiểm soát.
Thứ tám, Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, bao gồm việc đưa binh lính ra triển khai trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa và nạo vét, cải tạo các đảo đá đang chiếm đóng. Bắc Kinh cũng cần triển khai các biện pháp hữu hiệu để quản lý, ngăn chặn ngư dân của họ đánh bắt tận diệt các loài hải sản ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc khôi phục môi trường sinh thái ở Biển Đông, không thể để tình trạng mình Trung Quốc phá hủy hệ sinh thái mà tất cả các nước trong khu vực phải gánh chịu hậu quả.
Thứ chín, ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những quy định mang tính ràng buộc và có những điều khoản về việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước cũng cần tích cực tham gia các cơ chế đối thoại khu vực và quốc tế để tăng cường, mở rộng hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác trong phòng chống thách thức an ninh phi truyền thống trên biển. Tăng cường Hội nghị, diễn đàn đối thoại của các Tư lệnh Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển ASEAN… Đây là các kênh đối thoại tầm chiến lược để các nước ASEAN và ASEAN với các nước đối tác trao đổi quan điểm, tạo sự đồng thuận trong nhận thức; xác định cơ chế, chính sách hợp tác trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống nói chung và an ninh phi truyền thống trên biển nói riêng phù hợp với thông lệ quốc tế và mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.
Nhìn chung, việc duy trì bảo đảm an ninh trên Biển Đông hiện nay và trong thời gian tới sẽ phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các nước trong khu vực. Trong duy trì bảo đảm an ninh trên Biển Đông, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.