Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDưới góc nhìn của giới nghiên cứu chiến lược Pháp, có phải...

Dưới góc nhìn của giới nghiên cứu chiến lược Pháp, có phải gần đây “Biển Đông vẫn bình yên”

Hơn một năm nay, kể từ tháng 8/2018, việc Trung Quốc cùng với các nước ASEAN đạt được dự thảo “văn bản duy nhất” về Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và sau đó là việc Trung Quốc liên tục tuyên truyền với công luận rằng “Biển Đông vẫn bình yên”, khiến dư luận có nước trong và ngoài khu vực lầm tưởng rằng, Biển Đông bình yên thật mà có phần sao nhãng sự quan tâm. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Trên thực tế, nhiều hành động của Trung Quốc đã và đang làm cho tình hình Biển Đông vẫn diễn biến rất phức tạp, thu hút sự quan tâm, theo dõi không chỉ của giới nghiên cứu trong khu vực mà cả giới nghiên cứu chiến lược châu Âu. Mới đây, một số cơ quan nghiên cứu chiến lược của Pháp đã đưa ra đánh giá về những gì Trung Quốc đang gây ra ở Biển Đông. Theo họ, Trung Quốc đã và đang:

Thứ nhất, vẫn không từ bỏ những tham vọng ở Biển Đông

Trong năm 2017 và 2018, Trung Quốc áp dụng lập trường ít hung hăng hơn, song không vì thế mà họ từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông. Nước này không ngừng quân sự hóa các bãi cát hay các bãi đá mà họ chiếm giữ, đồng thời xây dựng các đường băng có thể tiếp nhận máy bay ném bom chiến lược, phát triển năng lực phòng không, các phương tiện quan sát (radar) và xây dựng hạ tầng cảng biển. Tháng 5/2018, lần đầu tiên máy bay ném bom chiến lược H6K của Trung Quốc, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã cất, hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với quần đảo này. Trước đó, vào tháng 4/2018, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối biển và đất đối không trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà họ đang ráo riết bồi đắp và quân sự hóa, gồm Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn.

Những động thái trên của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh mở rộng khả năng phô trương sức mạnh vươn tới tận biên giới Indonesia và Nam Thái Bình Dương, cũng như tăng cường các cuộc tuần tra và tập trận không quân và hải quân. Theo quan điểm chiến lược, một chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc nhằm gia tăng phạm vi hành động của nước này tại châu Á, việc Biển Đông có thể được biến thành một pháo đài trong trường hợp xảy ra xung đột để bảo vệ các hòn đảo nằm cách xa lục địa, nhất là bảo vệ các hòn đảo có diện tích nhỏ, là điều hết sức ảo tưởng.

Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo ở Hồng Kông có quan điểm thân Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc hoàn toàn có quyền xây dựng bất cứ thứ gì họ thấy cần thiết trên Biển Đông để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia”. Bắc Kinh còn công khai cho rằng, các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa của họ được thực hiện trong năm 2017 là hợp lý và chính đáng, bất chấp những cam kết với các nước láng giềng Đông Nam Á về việc đàm phán COC.

Vả lại, một trong những ưu tiên của lãnh đạo Trung Quốc là chiến lược bành trướng hàng hải trên Biển Đông. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được giao cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Mặc dù Trung Quốc có thái độ thận trọng hơn kể từ năm 2016, nhưng điều đó không ngăn được những căng thẳng tiếp diễn ở Biển Đông. Trước việc Trung Quốc tăng cường các cuộc diễn tập trong khu vực, kéo theo sự hiện diện của các tàu hải quân và lực lượng cảnh sát biển, các vụ va chạm trên biển đã gia tăng trong đó một số vụ va chạm liên quan đến Mỹ. Sức mạnh hải quân của Trung Quốc không ngừng phát triển. Hiện nay, Trung Quốc là nước có lực lượng cảnh sát biển lớn nhất thế giới, với hơn 200 tàu cảnh sát, trong đó nhiều tàu mới đóng có tải trọng hơn 1.500 tấn. Kể từ tháng 12/2018, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc lại được điều chuyển, đặt dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Thứ hai, tạo ra nhiều thách thức chiến lược đối với các nước trong khu vực

Tuy không liên quan trực tiếp đến các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng Indonesia đã tái khẳng định mong muốn tăng cường bảo vệ chủ quyền trên biển, đặc biệt liên quan đến việc khai thác tài nguyên thủy sản và tài nguyên dầu khí tiềm tàng. Năm 2017, Indonesia đã công bố Bản đồ quốc gia, trong đó nước này đổi tên khu vực phía nam Biển Đông thành biển Bắc Natuna nhằm khẳng định phạm vi vùng biển thuộc quyền chủ quyền của mình.

Malaysia vốn dĩ luôn dành ưu tiên cho một lập trường ít đối đầu với Trung Quốc, nhưng kể từ khi Thủ tướng Mohamad Mahathir quay trở lại cầm quyền vào năm 2018, chính phủ nước này đã không ngừng nhắc lại sự phản đối của họ đối với khái niệm “đường 9 khúc” mà Bắc Kinh tuyên bố, đồng thời tái khẳng định mong muốn Trung Quốc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và giải quyết mọi tranh chấp với các bên liên quan trong khu vực bằng con đường thương lượng. Vấn đề Biển Đông càng đóng một vai trò sống còn đối với Malaysia, bởi nước này bị tách làm 2 phần giữa Đông Malaysia và Malaysia bán đảo.

Về phần mình, Philippines luôn ở tuyến đầu trong các cuộc đối đầu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cho dù việc Tổng thống Duterte lên nắm quyền vào năm 2016 đã phần nào thay đổi cục diện trong mối quan hệ với Trung Quốc. Duterte đã lựa chọn việc xích lại gần Bắc Kinh và đặc biệt là không đòi hỏi thực thi phán quyết của Toà Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA). Kể từ khi Duterte trở thành Tổng thống Philippines, nhiều cuộc trao đổi cấp cao nhất đã diễn ra giữa Bắc Kinh và Manila, đặc biệt phải kể đến chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018. Đồng thời, với mong muốn tận dụng những ưu đãi kinh tế của Bắc Kinh, Tổng thống Philippines đã khẳng định rằng ông không thể dùng vũ lực để phản đối những yêu sách của Trung Quốc, đặc biệt liên quan tới bãi cạn Scarborough, nhưng ông cũng tìm cách duy trì cách đi dây thăng bằng với các cường quốc khác trong khu vực, nhất là với Australia và Nhật Bản. Được biết, Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra bảo vệ bờ biển cho Philippines trong kế hoạch giúp nước này tăng cường năng lực quân sự trên biển.

Tương tự, quan hệ giữa Philippines và Mỹ không bị phá vỡ, mà trái lại được củng cố kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền, đặc biệt với việc Mỹ triển khai quân đội đến Philippines nhằm chống lại lực lượng Hồi giáo nổi loạn tại Mindanao, miền Nam Philippines vào năm 2017.

Riêng Việt Nam luôn coi vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là mối quan tâm chiến lược hàng đầu. Theo đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đa chiều liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là việc Bắc Kinh gây sức ép ngăn cấm mọi hoạt động khảo sát thăm dò trong các khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền, trong khi ngược lại, Trung Quốc lại tiến hành các hoạt động thăm dò trong các khu vực mà họ kiểm soát nằm ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Ngoài những thách thức liên quan đến lãnh thổ, việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng là một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam. Gần đây nhất là từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển phía nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Cũng như Philippines, trước các động thái hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đã theo đuổi chính sách tích cực, cân bằng chiến lược với các nước lớn trong và ngoài khu vực.

Cuối cùng, ngoài vấn đề khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ vốn đòi hỏi sự đầu tư tốn kém về công nghệ, việc bảo vệ các khu vực đánh cá chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề quan trọng với tất cả các chủ thể trong và ngoài khu vực.

Thứ ba, có các bước đi nhằm làm thay đổi nguyên trạng để thực hiện ý đồ kiểm soát Biển Đông

Trung Quốc đã huy động một loạt phương tiện khác nhau để làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên không vượt quá giới hạn để tránh nguy cơ can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc đã từng phê chuẩn UNCLOS 1982 vào năm 1996, nhưng họ vẫn giữ lập trường trước đây – điều này được thể hiện trong luật pháp Trung Quốc về các đặc khu kinh tế và thềm lục địa mà Quốc hội nước này thông qua vào ngày 20/06/1998.

Lập trường của Trung Quốc về việc thực thi UNCLOS 1982 đã cho thấy rõ cách thức Bắc Kinh khẳng định vị thế của mình trong mối quan hệ với quốc tế. Dù Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982, nhưng dường như việc nước này tôn trọng các quy tắc đã cam kết trên thực tế phụ thuộc vào tương quan lực lượng vốn luôn biến động và những lợi ích mà chính phủ Trung Quốc xác định.

Tương tự, với những nền tảng pháp lý thậm chí còn yếu ớt hơn, Trung Quốc đang cố gắng mở rộng khái niệm “chủ quyền lịch sử” để từng bước áp đặt ảnh hưởng của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cùng với việc tiến hành các hoạt động san lấp, bồi đắp và tôn tạo trái phép đối với các cấu trúc địa lý ở các vùng biển này nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ, Trung Quốc còn sử dụng các thủ đoạn pháp lý nhằm làm thay đổi lập trường của các nước láng giềng hướng đến việc công nhận một thực trạng mới không thể chối cãi.

Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng này, chiến lược của Bắc Kinh đã vấp phải nhiều thất bại, trong đó đặc biệt phải kể đến phán quyết của PCA vào ngày 12/06/2016 – được xem như là thất bại lớn nhất của Bắc Kinh về mặt pháp lý và làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc. Phán quyết đã được đón nhận và hoan nghênh rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á và Nhật Bản, thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế và xác nhận thêm sự cô lập của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt, bất chấp sự hấp dẫn của các dự án “Con đường tơ lụa” nhằm giành lại sự ủng hộ của các nước trong khu vực, chiến lược hung hăng của Bắc Kinh kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã kích động các chiến lược đối phó của khu vực nhằm tái cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

Ở phạm vi ASEAN, những sáng kiến khu vực đã được đưa ra, dù không công khai nhắm vào Bắc Kinh vì những lý do ngoại giao, nhưng cũng nhằm ngăn chặn những bước tiến của họ trong khu vực. Về phần mình, Indonesia đã xây dựng chính sách đại dương mới nhấn mạnh nhiệm vụ phòng thủ biển, giữ gìn trật tự và an ninh trước những nguy cơ mới liên quan đến môi trường biển và hoạt động đi lại trên Biển Đông. Ở Malaysia, lập trường cứng rắn của chính phủ nước này đối với Trung Quốc được củng cố với sự quay trở lại cầm quyền của Thủ tướng Mahathir – người có lập trường ít hòa giải với Bắc Kinh và đã hủy bỏ những hợp đồng mà người tiền nhiệm đã ký với Bắc Kinh trong khuôn khổ các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và con đường”. Đồng thời, chính phủ Malaysia cũng lên kế hoạch tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển với các phương tiện mới để đối phó với những hành động xâm nhập của Trung Quốc.

Cuối cùng, vào tháng 6/2017, Indonesia, Malaysia và Philippines đã thực hiện các cuộc tuần tra chung trên biển, chính thức là để chống lại hoạt động cướp biển trong khu vực Sulawesi, nhưng cũng nhằm mục đích kiểm soát tốt hơn các đường biên giới biển của 3 quốc gia này, đặc biệt để chống lại các hành động xâm nhập của các tàu đánh cá Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhận thức được những nguy cơ, nên mượn danh nghĩa “quyền đánh cá lịch sử” của họ để lên tiếng phản đối.

Thứ tư, đang tạo ra nguy cơ “quốc tế hóa” xung đột ở Biển Đông

Trong khi Trung Quốc hy vọng có thể ngăn cản những phản ứng mạnh mẽ của các nước láng giềng liên quan tới tình hình quản lý căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vốn có lợi cho họ do sự vượt trội về sức mạnh kinh tế và quân sự so với toàn bộ các nước láng giềng, thế giới lại chứng kiến xu hướng “quốc tế hóa” xung đột, đặc biệt kể từ khi PCA ra phán quyết về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc. Những phản ứng và các biện pháp chống Trung Quốc đã vượt ra khỏi khuôn khổ khu vực.

Ở Mỹ, tổng thống Donald Trump chủ trương bảo vệ trước hết các lợi ích của Mỹ (theo tinh thần khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”) và nếu như trong những tháng sau khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ, người ta lo ngại Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ trở thành con tốt trong ván bài giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề thương mại và Triều Tiên, thì chính sự kiên định chiến lược của Mỹ đã khiến Trung Quốc thất vọng.

Vụ rắc rối xảy ra hồi tháng 9/2018 giữa một tàu Trung Quốc và một tàu Mỹ ở Biển Đông càng thúc đẩy Mỹ khẳng định sự hiện diện của họ ở vùng biển này, đặc biệt bằng việc Mỹ nối lại các hoạt động trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc coi động thái này của Mỹ là hành vi khiêu khích, ảnh hưởng đến chủ quyền và “lợi ích sống còn” của họ, như vậy càng kích thích Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, nhất là tại các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép. Năm 2018, Washington cũng rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) – một cuộc tập trận chung quốc tế do Mỹ chủ trì, với sự tham dự của hơn 20 nước từ khắp nơi trên thế giới. 2 năm trước, Mỹ đã mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung này như là một dấu hiệu của sự cởi mở. Mỹ cũng tiếp tục chiến lược xích lại gần các nước trong khu vực đang phải đối phó với các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Chiến lược này của Mỹ được thực hiện với sự trợ giúp của đồng minh Nhật Bản. Được biết, kể từ khi áp dụng quy chế mới xuất khẩu quân sự linh hoạt hơn vào năm 2014, Nhật Bản đã cung cấp trang thiết bị quân sự như tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Philippines, đồng thời tham gia huấn luyện cho các thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam. Đặc biệt, luật quốc phòng mới được Nhật Bản thông qua vào năm 2015 và 2016 đã cho phép lực lượng phòng vệ Nhật tham gia các cuộc tuần tra chung, kể cả ở Biển Đông. Mùa Thu năm 2018, Nhật Bản đã lần đầu tiên đưa một tàu ngầm đến Biển Đông.

Trên thực tế, Nhật Bản có cùng mối lo ngại với các nước láng giềng Đông Nam Á trước những bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Năm 2018, Tokyo đã thông qua đường lối chỉ đạo mới nhằm phát triển năng lực của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đồng thời có kế hoạch nâng cấp chiến hạm khu trục Izumo thành tàu sân bay. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng đã thể hiện lập trường rất mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, đồng thời đã nhắc lại phán quyết của PCA.

Dù xa hơn về mặt địa lý, châu Âu cũng thay đổi lập trường theo hướng bất lợi hơn đối với Trung Quốc. Các nước châu Âu tăng cường sự có mặt ở Biển Đông trong khuôn khổ chính sách kiềm chế Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tiếp tục hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc thực hiện các chiến dịch trên biển nhằm chống lại các hoạt động gây lo ngại của Trung Quốc trong khu vực. Trong một cuộc thảo luận về vai trò của EU đối với khu vực, bà Liselotte Odgaard, chuyên gia của Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu tại Washington (Mỹ), cho biết: “EU sẽ có đường lối chính sách chung nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và thúc đẩy tự do hàng hải”. Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông cũng góp phần mạnh mẽ thúc đẩy châu Âu xem xét lại những nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình mà EU đặc biệt coi trọng. 

Trong số các nước châu Âu can dự tích cực nhất vào vấn đề Biển Đông, đứng đầu là Pháp (vốn có nhiều lãnh thổ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và do vậy, có những lợi ích trực tiếp trong khu vực và duy trì ở đó các lực lượng tiền tiêu). Pháp đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn đi kèm với những biện pháp cụ thể để đối phó với Trung Quốc. Tháng 6/2018, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã nhắc lại việc nước này luôn tôn trọng nguyên tắc tự do đi lại trên mọi vùng biển. Tiếp đó, bài phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron tại Australia năm nay nhân dịp ký hợp đồng bán tàu ngầm cho Australia, đề cập đến việc Pháp tham gia sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” là câu trả lời cho chiến lược hàng hải hung hăng của Trung Quốc. Tương tự, việc các tàu của Pháp và Anh qua lại Biển Đông bất chấp những cảnh báo từ các tàu của Trung Quốc, là nhằm khẳng định lại các quy tắc tự do đi lại trên biển.

Những đánh giá như trên của giới nghiên cứu chiến lược Pháp rõ ràng cho thấy, những căng thẳng ở Biển Đông đã không hề suy giảm, cho dù 2 năm qua Trung Quốc không có thêm bất kỳ hành động xâm chiếm mới nào đối với các thực thể biển đang tranh chấp. Nhưng trên thực tế, những động thái này của Trung Quốc chỉ mang tính chiến thuật nhằm xoa dịu các nước láng giềng, hạn chế những hậu quả tiêu cực đối với hình ảnh của Trung Quốc và ngăn chặn sự hình thành các liên minh trong và ngoài khu vực. Những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng vẫn còn đó như tranh chấp liên quan tới các nguồn tài nguyên, năng lượng, việc tiếp cận các ngư trường… Bên cạnh đó, cạnh tranh Mỹ – Trung vẫn đang diễn ra ở Biển Đông. Trong con mắt của Bắc Kinh, sự khó lường của Tổng thống Mỹ có thể làm tăng nguy cơ xảy ra những rắc rối và buộc Trung Quốc phải thận trọng nhiều hơn. Xét về lý thuyết, một Biển Đông do Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát có thể đóng vai trò là một “vùng đệm” an toàn cho họ, song hiện tại triển vọng này là rất xa vời đối với năng lực thực sự của Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột. Kịch bản có khả năng nhất trong ngắn hạn là sự ổn định với các giai đoạn căng thẳng và hòa hoãn xen kẽ nhau, tùy thuộc vào phản ứng của các “địch thủ” của Bắc Kinh, mà đứng đầu là Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới