Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiải pháp khả thi nhất cho Việt Nam

Giải pháp khả thi nhất cho Việt Nam

Nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 lần thứ 4 quay lại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, thậm chí còn vào sâu hơn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lý. Trung Quốc đã gây hấn, xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong hơn 3 tháng qua. Giải pháp nào là khả thi nhất cho Việt Nam vào lúc này?

Bình luận về những diễn biến xung quanh vụ việc Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam, hôm 05/10/2019 ông Shekhar Sinha, nguyên Phó đô đốc Hải Quân Ấn Độ, hiện là chuyên gia phân tích, viết trên Twitter cho rằng diễn biến tại Bãi Tư Chính đã “trở nên nguy hiểm cho hòa bình thế giới”, và đã đến lúc Liên Hiệp Quốc phải quan tâm, và nhóm P4, tức là 4 thành viên thường trực còn lại (Nga, Anh, Pháp, Mỹ) của Hội đồng Bảo an có trách nhiệm nêu lên vấn đề.

Một số ý kiến gần đây cho rằng Việt Nam nên đưa ra Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở NewYork từ tháng 9/2019. Phương án này có khả thi vào lúc này hay không, chúng ta cùng phân tích.

Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an là các định chế quan trọng nhất Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên thường đưa ra các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế ra trước Đại hội đồng thay vì Hội đồng Bảo an, bởi lẽ ở đó các quyết định không bị vướng phải quyền phủ quyết của một trong năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An là Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc. Trong trường hợp của Việt Nam nếu đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phủ quyết vì vậy các ý kiến đề xuất đưa ra Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều có quyền bình đẳng bỏ một lá phiếu để thông qua các nghị quyết. Một Nghị quyết được thông qua với đa số phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ có sức mạnh chính trị to lớn bởi nó phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế và các quốc gia thường tìm kiếm một Nghị quyết như vậy tạo tính chính đáng cho hành động của họ.

Một số ý kiến thậm chí còn coi các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc là đại diện cho sự đồng thuận toàn cầu, có thể được coi là một yếu tố của luật tập quán quốc tế (customary international law). Theo đó, nhiều nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã được trích dẫn tại các tòa án quốc tế…. Xét từ góc độ này, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc còn có ý nghĩa về mặt pháp lý.

Về nguyên tắc, Căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc, rõ ràng là Việt Nam hoàn toàn có quyền đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam mà cụ thể ở đây là vụ việc nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 hoạt động trái phép ở khu vực bãi Tư Chính ra trước Đại hội đồng. Điều 11 và 14 của Hiến chương Liên hợp quốc, quy định rằng chức năng chủ chốt của Đại hội đồng Liên hợp quốc bao gồm việc thảo luận và ra khuyến nghị về những vấn đề có tác hại đến an ninh và hòa bình thế giới.

Trên thực tế, Biển Đông bao gồm các vùng biển quốc tế, là tuyến đường hàng hải quan trọng mang tính toàn cầu và quan trọng đối với hệ thống thương mại quốc tế (hàng năm có lượng hàng hóa trị giá trên 5.300 tỷ USD được vận chuyển qua Biển Đông), Việt Nam có thể dễ dàng lập luận rằng do những hành vi hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc làm chotình hình ở Biển Đông đã vượt quá phạm vi tranh chấp giữa một số quốc gia hay thậm chí xung đột khu vực và trở thành một vấn đề của hòa bình và an ninh quốc tế.

Một Nghị quyết nếu được thông qua tại Đại hội đồng có thể mang lại những hệ quả chính trị và pháp lý nhất định có lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông. Khó khăn chủ yếu là làm sao vận động được đại đa số các thành viên Liên hợp quốc ủng hộ mình.

Hiện nhiều cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Úc, Nhật đều đã bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc ở bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và có thể nhiều nước châu Âu khác luôn đề cao thượng tôn pháp luật sẽ ủng hộ Việt Nam, nhưng hậu thuẫn này chưa đủ để thông qua một Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Việt Nam vừa trúng cử Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao gần như tuyệt đối, song điều đó không có nghĩa là khi Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên hợp quốc lại nhận được sự ủng hộ cao như vậy bởi lẽ ngay Trung Quốc cũng ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an và không vận động các nước chống lại Việt Nam vì vấn đề này không ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Còn một Nghị quyết về vấn đề Biển Đông sẽ liên quan trực tiếp đến lợi ích trực tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông mà cụ thể là ngăn chặn mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc nên Trung Quốc sẽ ráo riết vận động các nước, thậm chí dùng tài chính mua chuộc các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, bỏ phiếu chống việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về Biển Đông. Hiện, do nhiều nước bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nên số lượng các quốc gia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông không phải là ít, nhất là các nước châu Phi, nơi Trung Quốc đang dùng tài chính để tăng cường ảnh hưởng.

Ngay cả một số nước láng giềng của Việt Nam, thành viên của ASEAN đã chịu chi phối của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, ủng hộ quan điểm của Trung Quốc phá rối khi các nước ASEAN thảo luận về Biển Đông. Việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Cămpuchia năm 2012 lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung do không thống nhất được với nhau về nội dung vấn đề Biển Đông là một ví dụ thực tế. Và chính Trung Quốc là kẻ đã đứng đằng sau giật dây Cămpuchia.

Đó được coi là trở ngại nghiêm trọng khiến Việt Nam khó có thể đạt được một chiến thắng đáng kể nếu đưa vấn đề Biển Đông ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, một Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc về Biển Đông sẽ có một tác động chính trị và pháp lý sâu sắc và vẫn là một lựa chọn có giá trị cho các nước nhỏ như Việt Nam, đang tìm cách kháng cự lại Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây vẫn là một khả năng mà Việt Nam có thể tính đến như một biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không chỉ đòi hỏi Việt Nam có một chiến lược cụ thể, tỉ mỉ mà Việt Nam còn cần có rất nhiều nỗ lực và thời gian với một công cuộc vận động thích hợp để huy động hậu thuẫn quốc tế và tăng cơ hội thành công.

Nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng ở thời điểm này, giải pháp khả thi nhất cho Việt Nam là đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 như Philippines đã làm. Hành vi của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến nay và ngày càng mở rộng sâu vào vùng biển Việt Nam không chỉ vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà là hành vi coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh cho toàn khu vực chứ không chỉ đối với Việt Nam.

Cùng với Mỹ lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành vi của Trung Quốc, nhiều nước khác như Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu và đáng chú ý là nhóm 3 nước Anh, Pháp, Đức đã lần đầu tiên ra Tuyên bố lên án Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại trên Biển Đông

Sự bất bình của cộng đồng quốc tế trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam là một thuận lợi để Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài và đặc biệt phán quyết ngày 12/7/2019 của Tòa Trọng tài vụ kiện do Philippines khởi sướng là một án lệ hết sức quan trọng giúp Việt Nam khởi kiện Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Việt Nam.

Trong bối cảnh, đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trong hơn 3 tháng qua không đẩy lùi được hành vi xâm lấn của Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn leo thang mở rộng xâm lấn ngày càng sâu hơn vào vùng biển Việt Nam và giải pháp đưa vấn đề ra Đại hội đồng Liên hợp quốc chưa chín muồi cho việc thông qua một Nghị quyết thì xem ra giải pháp khả thi nhất cho Việt Nam vào lúc này là kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Cho dù Trung Quốc không thực hiện phán quyết như đã làm đối với phán quyết 12/7/2019 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng thì việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc cũng sẽ giúp làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của Việt Nam. Một khi Tòa thụ lý vụ kiện và ra phán quyết sẽ tạo ra căn cứ pháp lý cho Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ có cơ sở để ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu với bá quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới