Liên tiếp trong gần 4 tháng qua, kể từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương 08 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam dọc theo Biển Đông từ miền bờ biển miền Trung tới miền Nam có lúc lên đến 30 tàu. Các tàu của Trung Quốc vừa sách nhiễu công việc thăm dò dầu khí lâu nay của Việt Nam tại lô 06-1, vừa khảo sát một khu vực ngoài khơi miền nam Trung Bộ mà theo tiết lộ mới nhất trên một tài khoản Twitter, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 km (chưa đến 100 hải lý) vào hôm 09/10/2019.
Trung Quốc ngày càng leo thang cản trở các hoạt động kinh tế trên biển chính đáng và hợp pháp của các nước láng giềng, cũng như gây áp lực đối với các công ty nước ngoài, buộc họ ngừng hoạt động thăm dò trong phạm vi “đường lưỡi bò” (đã bị Tòa ra phán quyết bác bỏ và cả thế giới coi là không có giá trị pháp lý), thậm chí thời gian gần đây Trung Quốc còn gây sức ép cả với các hoạt động ngoài phạm vi “đường lưỡi bò”, sát vào vùng biển của các nước ven Biển Đông. Điều này sẽ là “lợi bất cập hại đối với Bắc Kinh”.
Chúng ta còn nhớ trong năm 2018, trong đàm phán với các nước ASEAN, Bắc Kinh đòi đưa vào dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC nội dung không cho các nước ven Biển Đông hợp tác với bên thứ 3 ngoài khu vực trong các hoạt động dầu khí và kinh tế biển cũng như không tiến hành tập trận với các nước ngoài khu vực. Điều này đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, chính phủ nhiều nước và các học giả, nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản đối yêu cầu ngang ngược này của Bắc Kinh bởi họ thấy rõ hơn ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc; còn các nước liên quan ở Biển Đông trong ASEAN thì công khai thể hiện thái độ không chấp nhận điều này trong đàm phán với Trung Quốc.
Dân gian có câu “giọt nước tràn ly”, rõ ràng hành động của những người cầm quyền Bắc Kinh ở Biển Đông đang tiến tới một ngưỡng mà không ai chấp nhận được. Phản ứng của Mỹ và các nước Châu Âu, nhất là Anh-Pháp-Đức… trước hành vi của nhóm tàu Hải Dương 08 xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã cho thấy rõ thế giới không chấp nhận hanh vi ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu của thương mại quốc tế, hàng năm lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông lên tới 5000 tỷ USD; các nước lớn, bao gồm Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã nhiều lần khẳng định có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do an toàn hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Nga nước hiện đang có quan hệ “tốt đẹp nhất” với Trung Quốc cũng không đồng tình với hành động ngang ngược của Bắc Kinh thể hiện qua việc công ty Rozneft của Nga kiên trì triển khai hợp tác dầu khí với Việt Nam ở lô 06-1.
Sẽ không có nước nào chấp nhận việc Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông; không để Trung Quốc ngang nhiên biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Đây là điều mà giới cầm quyền ở Bắc Kinh cần nhận thức rõ để đừng một mình thách thức cả thế giới. Những hành vi mà Bắc Kinh đang triển khai ở Biển Đông không chỉ gây tổn hại cho các nước ven Biển Đông mà đang thách thức cả hệ thống luật pháp quốc tế.
Trung Quốc không muốn Mỹ can dự sâu vào Biển Đông, nhưng chính những hành vi gây hấn của Trung Quốc đang lôi Mỹ vào Biển Đông. Mỹ không chỉ có những phát biểu cứng rắn mà đang từng bước hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông từ lực lượng hải quân Mỹ cho đến lực lượng tuần duyên ven bờ biển của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn kêu gọi, thuyết phục các nước đồng minh cùng chung tay ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một số nhà phân tích cho rằng trước hành vi xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh, Washington đã có sự điều chỉnh chính sách trên vấn đề Biển Đông. Nếu như trước đây trong các phát biểu, Mỹ thường khẳng định “không đứng về bên nào” nhưng nay Mỹ đã “đứng hẳn” về phía các nước nhỏ ven Biển Đông, công khai lên án đích ranh Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép, xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông.
Trong một bài phân tích ngày 08/10/2019, cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc Tế (CSIS) tại Washington đã cảnh báo rằng “chiến lược gia tăng sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro nghiêm trọng cho Bắc Kinh, và nếu đi quá trớn, có thể gây tác động ngược lại” vì “các hành vi hù dọa của Bắc Kinh có thể thúc đẩy ASEAN và cộng đồng quốc tế ủng hộ Hà Nội”.
Xem ra trong gần 4 tháng qua, Hà Nội tỏ ra kiềm chế, kiên trì thông qua các biện pháp ngoại giao đấu tranh với hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục leo thang không có điểm dừng, đẩy Hà Nội đến chân tường thì Hà Nội sẽ phải “vùng lên” mạnh mẽ kiện Trung Quốc ra Tòa như Philippines đã làm.
Nhiều tiếng nói của các chuyên gia, luật sư cả ở Việt Nam và quốc tế đã đề nghị Hà Nội khởi kiện hành vi của Trung Quốc ra Tòa. Hầu hết đều cho rằng thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện và Việt Nam sẽ thắng kiện bởi lẽ Việt Nam có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982(UNCLOS), còn Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, thậm chí đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ. Khi đó thì giới cầm quyền ở Bắc Kinh còn mặt mũi nào để chứng minh “Trung Quốc phát triển hòa bình và tuân thủ luật pháp” nữa không.
Hiện trong nội bộ người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đang xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói đề nghị Hà Nội “cưng rắn hơn”. Trong bối cảnh đó, hành động của Trung Quốc có thể nâng cao hơn nữa quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế trên biển của mình; thúc đẩy chính phủ Mỹ và các đồng minh của Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa Việt Nam và các nước ven Biển Đông chống lại áp lực của Trung Quốc.
Hành vi gây hấn ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ làm thức tỉnh ASEAN trong nỗ lực đẩy lùi mưu toan của Trung Quốc đưa vào COC nội dung loại trừ các công ty nước ngoài khác đầu tư vào các dự án năng lượng hay ngăn các nước ngoài khu vực cùng các nước ASEAN tập trận ở Biển Đông.
Bắc Kinh nên thể hiện một thái độ cởi mở trong việc thăm dò và phát triển chung theo quy định của UNCLOS để thúc đẩy hợp tác và giải tỏa căng thẳng. Bắc Kinh có thể tham gia vào các dự án hợp tác khai thác năng lượng cùng các đối tác nước ngoài khác hoặc có thể hợp tác bình đẳng, cùng có lợi song phương với các nước ven Biển Đông như các nước đã và đang làm; không nên dùng sự đe dọa hoặc áp lực để hạn chế lựa chọn của các láng giềng.
Nếu Trung Quốc thiện chí, tin rằng các nước ven Biển Đông, bao gồm Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. Với cách làm này Bắc Kinh không chỉ hạn chế được sự can dự của Mỹ và đồng minh vào Biển Đông mà còn nâng cao được uy tín của một nước lớn – Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo sự kính trọng đối với Trung Quốc của các nước nhỏ trong khu vực. Đây là một điều kiện cần thiết giúp Trung Quốc vươn lên thành siêu cường.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch gây áp lực, cưỡng ép, bắt nạt các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thì Bắc Kinh rõ ràng sẽ gặp rủi ro. Việc xâm lấn, gây hấn hung hăng chỉ làm cho các nước trong và ngoài khu vực cứng rắn hơn với Trung Quốc, tạo ra một mặt trận phản công của cả cộng đồng quốc tế. Và chính điều này sẽ đẩy các nước láng giềng ven Biển Đông, kể cả Việt Nam ngả theo Mỹ, tạo điều kiện để Mỹ thâm nhập ngày càng sâu vào Biển Đông, như vậy chính Trung Quốc là kẻ “dẫn sói vào nhà” như lâu nay họ vẫn khuyên các nước khác.
Trung Quốc vừa kết thúc đàm phán thương mại với Mỹ, chắc hơn ai hết Trung Quốc hiểu thế nào là “già néo đứt dây”. Do Trung Quốc hủy tất cả những gì 2 bên đã đạt được thỏa thuận trong đàm phán thương mại hồi tháng 5/2019 Tổng thống D. Trump quyết định tăng thêm thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc đã buộc Trung Quốc phải xuống thang mà Mỹ chẳng mất gì. Tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung ở Washington hôm 11/10/2019, hai bên đã đạt được một thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản, theo đó Trung Quốc phải cam kết mua 40 tỷ đến 50 tỷ USD nông sản của Mỹ và thúc đẩy một thỏa thuận về tiền tệ để đổi lấy việc Tổng thống Trump hoãn chưa thực hiện tăng thuế từ 15/10/2019.
Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump đã thắng ông Tập Cận Bình keo đầu trong cuộc chiến thương mại. Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược tiềm tàng của Mỹ và hiện Mỹ còn nhiều “con bài”, trong đó có vấn đề Biển Đông để đối phó với Trung Quốc. Hy vọng Trung Quốc sẽ nhận ra vấn đề đừng tạo cơ hội cho Mỹ sử dụng “con bài Biển Đông”, đừng để “gậy ông đập lưng ông”.