Ngày 24/9/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Chiến lược Đông Nam Á (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ. Ngày hôm sau, 25/9/2019, dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.
Trước đó, ngày 18/9/2019, nữ Nghị sĩ Hạ viện Ann Wagner, người giới thiệu Dự luật Chiến lược Đông Nam Á, ra thông cáo cho biết: “Cho đến nay, Mỹ chưa bao giờ đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực Đông Nam Á. Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ thực hiện điều đó bằng cách thiết lập một chiến lược khu vực sâu sắc, rành mạch, nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của mối quan hệ quan trọng của Mỹ với Đông Nam Á và ASEAN”.
Ngày 25/9, Thượng Nghị sĩ Mitt Romney và các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã giới thiệu dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (The Indo-Pacific Cooperation Act of 2019), theo đó cho phép Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả châu Âu để cùng đưa ra một giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thượng Nghị sĩ Mitt Romney cho rằng đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một chiến lược toàn diện để đối đầu với hành động hung hăng của Trung Quốc khi họ đang mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự; để làm tốt nhất điều đó, Mỹ phải liên kết sức mạnh quân sự với các quốc gia khác và phát triển cách tiếp cận thống nhất với các đồng minh để giải quyết mối đe dọa đáng kể của Trung Quốc đối với nền tự do trên khắp thế giới.
Ngày 25/9/2019, Thượng Nghị sĩ Cortez Masto, đồng bảo trợ Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ra thông cáo nhấn mạnh các liên minh và các đối tác mạnh mẽ trên khắp thế giới của Mỹ là một nguồn sức mạnh hợp nhất; Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ đảm bảo cho Mỹ phối hợp hiệu quả hơn với các quốc gia khác để có cách tiếp cận thống nhất, toàn diện đối với Trung Quốc.
Trong bối cảnh, Trung Quốc gia tăng các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông hòng thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, đặc biệt việc Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương địa chấn 08 tiến hành các hoạt động xâm lấn ngày càng leo thang trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế từ đầu tháng 7/2019 đến nay, các nhà lập pháp Mỹ thấy rằng cần phải xây dựng những văn bản pháp luật để chống lại các hành động hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc
Việc các Nghị sĩ Mỹ đề xuất các dự thảo luật nói trên thể hiện quyết tâm của các nhà lập pháp Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, trên phương diện luật pháp, tạo hành lang pháp lý cho các hành động của chính quyền trên thực tế.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ liên tiếp có các phát biểu lên án mạnh mẽ Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông; chỉ trích đích danh Trung Quốc tại điều trần ở Thượng viện Mỹ, coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Mỹ và hòa bình ổn định khu vực.
Còn trên thực địa, trong 3 tháng qua kể từ khi Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 tiến hành các hoạt động gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Mỹ đã có nhiều động thái mới tăng cường sự hiện diện ở khu vực, thể hiện quyết tâm ngăn chặn bá quyền Bắc Kinh.
Tháng 8/2019, thủy quân lục chiến Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ và chiếm đảo kéo dài 11 ngày ở biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi được Mỹ coi là những khu vực bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vì các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Đại tướng David Berger, người vừa được bổ nhiệm Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 7/2019 tuyên bố lực lượng này đang cải tiến mạnh mẽ để đối phó với các thách thức và “mối đe dọa hiện hữu lâu dài” từ Trung Quốc; lực lượng này cần được cải tổ, tăng cường năng lực tác chiến trên biển trước tham vọng muốn “soán ngôi” Mỹ của Trung Quốc.
Trong vòng 2 tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, Mỹ đã 2 lần điều tàu khu trục tiến hành tuần tra tự do hàng hải (FONOP) thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông (hôm 28/8 Mỹ tiến hành FONOP trong phạm vi 12 hải lý bãi Chữ Thập và bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa; ngày 13/9, Mỹ tiến hành FONOP ở quần đảo Hoàng Sa).
Từ cuối tháng 9, tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng nhóm tàu hộ tống của Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông. Ngày 6/10/2019, nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm sẵn sàng đổ bộ Boxer Amphibious của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã hợp lực tại Biển Đông để tiến hành tập trận. Các tàu và máy bay của Hải quân cũng như máy bay của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tập trận cường độ cao nhằm tăng cường khả năng tương tác nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu như các hoạt động tấn công trên biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ tàu tấn công nhanh, liên hợp hàng hải, phòng không và các hoạt động tác chiến chống ngầm. Đây là các hoạt động năm trong khuôn khổ các chiến dịch đảm bảo an ninh và ổn định cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Phát biểu về cuộc diễn tập này, Chuẩn đô đốc George Wikoff, người vừa tiếp nhận chức chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 trên tàu sân bay USS Ronald Reagan khi đang hoạt động ở Biển Đông hôm 29/9/2019 nhấn mạnh: “Các hoạt động của chúng tôi (Mỹ) ở Ấn Độ-Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì sự ổn định và an ninh khu vực”; “Sự hiện diện này phản ánh cam kết của chúng tôi đối với các giá trị mà nước Mỹ chia sẻ với nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi sẵn sàng ngăn chặn những người thách thức các giá trị chung đó bằng phát huy sức mạnh của các nhóm tàu tấn công và đổ bộ hiện có”.
Giữa lúc Trung Quốc đang tiến hành duyệt binh phô diễn nhiều vũ khí tối tân thể hiện sức mạnh quân sự tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh để kỷ niệm 70 năm Quốc khánh hôm 01/10/2019, trong một động thái khác liên quan, tàu chiến đấu ven biển USS Gabrielle Giffords của Mỹ bắn tên lửa hành trình NSM (một tên lửa hành trình đối hải rất khó phát hiện trên radar và có thể cơ động để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương) trong diễn tập SINKEX ở Thái Bình Dương.
Các tên lửa tấn công hải quân (NSM) được phóng từ tàu chiến ven biển (LCS) USS Gabrielle Giffords ở ngoài khơi đảo Guam đã bắn trúng tàu hộ vệ cũ USS Ford đóng vai trò là mục tiêu trong cuộc diễn tập. Việc thử nghiệm thành công NSM gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc về sự vượt trội của Hải quân Mỹ so với Hải quân Trung Quốc và Mỹ quyết không để Trung Quốc thống trị khu vực.
Theo các nhà phân tích, ưu điểm lớn nhất của NSM so với các tên lửa chống hạm hiện hành của hải quân Mỹ là tầm bắn lên đến hơn 160 km, xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon. Ngoài ra, khả năng kết nối dữ liệu với các máy bay trinh sát không người lái cũng cho phép tên lửa tấn công những mục tiêu nằm ngoài phạm vi hoạt động của radar trên tàu chiến.
Nhằm mục tiêu thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc vươn lên thành cường quốc ngang bằng với Mỹ, những người lãnh đạo ở Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, con đường” để thiết lập chỗ đứng của Trung Quốc trên khắp thế giới, đồng thời Bắc Kinh gia tăng các hoạt động xâm lấn ở Biển Đông, mưu toan đẩy Mỹ ra khỏi khu vực hòng độc chiếm Biển Đông để vươn ra biển xa. Những việc làm này của Trung Quốc thách thức nghiêm trọng lợi ích của Mỹ ở khu vực, buộc Mỹ phải chủ động thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở mà Biển Đông luôn được coi là trọng tâm của chiến lược này.
Những động thái trên đây của chính quyền và các Nghị sĩ Thượng viện, Hạ viện Mỹ và nhất là những hoạt động thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng cho thấy rõ quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là chính sách cứng rắn với Trung Quốc, coi Trung Quốc là kẻ gây hấn được sự ủng hộ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như dư luận Mỹ. Hiểu rõ tham vọng và tính hiếu chiến của nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay, Washington có rất nhiều “con bài” để ngăn chặn sự lấn lướt, bành trướng của Bắc Kinh. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tác động nhiều mặt đến Trung Quốc và xem ra Trung Quốc đang ở thế yếu hơn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa kết thúc thì Mỹ đã bắt đầu sử dụng vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để đưa 28 tổ chức và doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen cùng với Hoa Vi, thậm chí ra lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với một số quan chức Trung Quốc.
Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc còn 2 “con bài” rất quan trọng để kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh là Đài Loan và Biển Đông. Với việc tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở “con bài” Đài Loan và Biển Đông sẽ được Mỹ từng bước sử dụng. Những động thái đề cập kể trên trong bài viết này là chứng minh cụ thể cho chiều hướng này.
Trong quá trình thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở với Biển Đông là trọng tâm và Đài Loan là một mắt xích quan trọng, Mỹ còn thúc đẩy được Úc, Nhật, Ấn Độ cùng tham gia ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.