Những diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, đặc biệt là các việc tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục gây quan ngại và phản ứng mạnh của dư luận quốc tế.
ASEAN quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông
Mới đây, tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 diễn ra tại thành phố Đà Lạt, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng hiện nay nếu tiếp tục để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gia tăng nguy cơ va chạm và tính toán sai lầm, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Sau phát biểu của Đoàn Việt Nam nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, an ninh ở khu vực và không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), các nước ASEAN đã nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Năm 1992, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên hầu hết diện tích của Biển Đông bằng việc thông qua Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của CHND Trung Hoa, xâm lấn chủ quyền của 4/6 thành viên ASEAN vào thời điểm đó là Brunei, Philippines, Malaysia và Indonesia. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc lại cấp phép cho công ty Crestone Energy Corporation (Mỹ) tiến hành thăm dò hydrocarbon ngay trong thềm lục địa của Việt Nam. ASEAN đã nhanh chóng đáp lại bằng Tuyên bố Biển Đông năm 1992, thúc giục “tất cả các bên liên quan” cùng giải quyết “các vấn đề chủ quyền và tài phán” trong tranh chấp này thông qua “các biện pháp hòa bình” và “không sử dụng vũ lực”.
Nhằm kìm hãm thái độ cứng rắn của Bắc Kinh, ASEAN tiếp tục tìm kiếm một văn bản pháp lý có tính ràng buộc cao hơn DOC. Với sự kiên trì của ASEAN, khuôn khổ Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), bước tiếp theo của (DOC) với những ràng buộc pháp lý cao hơn, đã được thống nhất giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2017.
Có thể nói, bất chấp việc Trung Quốc luôn dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để gây sức ép với ASEAN, thậm chí khiến Hiệp hội từng có lần không ra được Tuyên bố chung sau hội nghị ngoại trưởng, ASEAN đã đoàn kết, nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận để có tiếng nói chung trong vấn đề phức tạp và khó khăn liên quan đến Biển Đông. Sức mạnh đồng thuận và đoàn kết đó đã tạo nên “bó đũa” ASEAN để đối phó với những tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Với Việt Nam, thông qua vai trò thành viên ASEAN, Việt Nam có một diễn đàn ngoại giao khu vực và sân khấu chính trị đa phương để truyền tải và thúc đẩy các mối quan tâm an ninh khu vực. Theo ông Chito Sta Romana, Chủ tịch Hội nghiên cứu về Trung Quốc của Philippines, hướng đi tự thân giải quyết vấn đề sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn sử dụng các cơ chế của ASEAN. Việt Nam đã sử dụng tương đối hiệu quả các cơ chế để nhận được sự ủng hộ quốc tế trong vấn đề Biển Đông cũng như truyền đi các quan ngại của mình.
Đối với nhiều nước châu Âu, vấn đề Biển Đông trước đây ít được quan tâm. Thế nhưng vài năm gần đây, châu Âu đã có sự thay đổi đáng kể trong thái độ đối với Trung Quốc, mà nguyên nhân là cách hành xử ngày càng mang tính áp đặt của Bắc Kinh.
Mới đây, trong cuộc hội kiến với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng đến Liên minh châu Âu (EU), Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini khẳng định EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây. EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; ủng hộ việc đàm phán COC một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác.
EU có lý do để quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông bởi các nước Đông Bắc Á là thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU. Trung Quốc và Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn nhất của khối. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.
Bảo vệ các hành lang vận chuyển tàu biển an toàn và ổn định trên Biển Đông đã trở thành vấn đề có tính sống còn với EU, một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới. Ngoài lợi ích kinh tế, EU còn có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bắt nguồn từ việc EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Và điều quan trọng nhất khiến châu Âu trong vai trò là một siêu cường quy chuẩn phải cảnh giác là chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc – mối đe dọa với trật tự toàn cầu dựa trên những nguyên tắc đã định hình. Cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa môi trường hàng hải toàn cầu tự do. Trước những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, EU cùng các nước có cùng quan điểm đã hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hai nước thành viên của EU là Pháp và Anh đã gia tăng hoạt động trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Với các vùng lãnh thổ trải khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 9 triệu km2, Pháp tự coi mình là một bên tham gia an ninh hàng hải khu vực hợp pháp.
Tháng 5-2018, tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong động thái bày tỏ sự phản đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Anh cũng đã đưa tàu đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia di chuyển gần những đảo đá mà Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Hành động của London đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Về chính trị, EU đang nỗ lực để được thừa nhận như một bên tham gia về chính trị và an ninh ở châu Á. Theo hướng đó, EU mong muốn tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) – diễn đàn gồm 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận, đồng thời hướng tới vai trò là quan sát viên tại Nhóm chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, EU đã có những tuyên bố bày tỏ quan ngại. 3 thành viên chủ chốt của EU là Pháp, Anh và Đức quyết định ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ UNCLOS. Đây chính là cách gián tiếp bác bỏ những lập luận sai trái về quyền lịch sử hay yêu sách về vùng biển trái với quy định của UNCLOS mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua