Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại sự tham gia mạnh mẽ của EU vào vấn đề...

Nhìn lại sự tham gia mạnh mẽ của EU vào vấn đề Biển Đông trong năm 2019 và xu hướng chính sách trong năm 2020

Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là có tiếng nói rất mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông trong năm 2019, thể hiện qua việc các nước trong khu vực này đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, với các hoạt động tự do hàng hải (FON) và quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.

Quan điểm chủ đạo của EU trong năm 2019 về Biển Đông

Như với hầu hết các bên tham gia quốc tế không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, quan điểm xuyên suốt của EU về Biển Đông trong năm 2029 là không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ quyền. Là một bên tham gia có sức nặng quy chuẩn và là bên tham gia ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Brussels luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU trước đây liên quan đến châu Á và an ninh hàng hải như “Đường lối chỉ đạo chính sách Đông Á” (2012), “Chiến lược an ninh hàng hải EU” (2014), Chiến lược toàn cầu EU (2016), “Kế hoạch hành động ASEAN-EU 2018-2022” (2018). Nhìn chung, EU đều khẳng định có lợi ích ở Biển Đông và có trách nhiệm trong việc đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực này. Do những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông kể từ đầu năm 2019, các nước EU và đối tác/đồng minh có xu hướng hợp tác để hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ FON và tuân thủ luật pháp quốc tế chung được coi là điều quan trọng. Mặc dù Brussels và Washington có thể khác nhau về lập trường và cách đối xử hiện nay của họ với Trung Quốc, nhưng họ đều có chung lợi ích trong việc duy trì một môi trường hàng hải toàn cầu tự do, dựa trên nguyên tắc.

Những tuyên bố mạnh mẽ của EU về Biển Đông

1. Tháng 01/2019, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 22, ở Brussels (Bỉ), với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và 24 nước thành viên EU, hai bên khẳng định cam kết mạnh mẽ tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và EU. Về tình hình Biển Đông, các nước EU tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

2. Tháng 2/2019, Mỹ và Anh đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông, trong khi Pháp đưa tàu tấn công hải quân Dixmude và một tàu khu trục vào gần khu vực này. Từ năm 2018, London cũng đã lên kế hoạch triển khai tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến diễn ra vào năm 2021. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước toàn tải 65.000 tấn. Theo kế hoạch, khi được triển khai tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tàu HMS Queen Elizabeth sẽ mang theo các tiêm kích F-35 của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.

3. Tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã đưa ra 10 đề xuất để tìm kiếm một mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và củng cố sự đoàn kết của EU nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh – đối tác thương mại hàng đầu của khối. Trong đó, tuyên bố gia tăng các hoạt động hải quân của các thành viên EU ở Biển Đông. Anh khẳng định việc tăng cường các hoạt động trong vùng biển châu Á và đã tiến hành 03 hoạt động chung với Mỹ ở Biển Đông. Cùng trong tháng 3, EU đã công bố một báo cáo chiến lược “ứng phó” với quốc gia Đông Á, trong đó coi Bắc Kinh là “đối thủ kinh tế” trong các lĩnh vực quan trọng như phát triển mạng 5G đồng thời cũng là một “đối thủ” về phương diện chính trị.

4. Tháng 4/2019, trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Phó Tổng Thư ký Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) J.C. Belliard, EU khẳng định ủng hộ quan điểm của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Phía lãnh đạo EU cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho hợp tác khu vực nhằm củng cố hòa bình và giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

5. Tháng 6/2019, Tại Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã nói thẳng thắn về những căng thẳng an ninh đang sôi sục ở Đông Á cũng như tầm quan trọng của khu vực này. “Hợp tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, bà Parly nói, trong bối cảnh trật tự an ninh châu Á hiện nay và những thách thức mà khu vực đang đối mặt. “Không cần ông Kissinger mới nhìn thấy sự hình thành của các khối đối lập ở châu Á. Chúng tôi nhìn thấy nó trong chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ, khẩu chiến và những vụ cọ xát đôi khi xảy ra giữa 2 tàu sân bay hoặc 2 tàu chiến. Và đây không phải sự mở đầu”, bà Parly nói. Bà Parly nêu ra 5 ưu tiên của Pháp ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, gồm: bảo vệ các lợi ích chủ quyền, công dân, lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế; thúc đẩy ổn định khu vực thông qua hợp tác an ninh quân sự; bảo vệ các quyền tiếp cận tự do và miễn phí các tuyến hàng hải; tranh thủ các phương tiện đa phương để thúc đẩy ổn định chiến lượ, đặc biệt là Triều Tiên; và giúp giải quyết và giảm nhẹ các thảm họa thời tiết và thiên tai ở khu vực. Một phần trong cam kết của Pháp đối với bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực là việc bà Parly khẳng định Pháp sẽ điều tàu chiến đi qua biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm. Bà cảnh báo Pháp sẽ không bị bắt nạt bởi những “hoạt động đáng ngờ” hay chấp nhận những thực tế đi ngược lại luật pháp quốc tế – dù bà không nêu tên Trung Quốc và nhấn mạnh bản chất hợp tác của các hoạt động Pháp triển khai, như việc đội trực thăng của Anh đã đi cùng tàu chiến Pháp trong chuyến tuần tra trên biển Đông gần đây.

6. Tháng 7/2019, trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review nhân chuyến công du Thái Lan dự các hội nghị về ngoại giao và an ninh của ASEAN, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã nhấn mạnh những gì xảy ra ở Biển Đông đều quan trọng với EU. Bà Mogherini cho biết: “Những gì xảy ra ở bán đảo Triều Tiên hay Biển Đông đều quan trọng với tất cả chúng tôi. Đó là lý do vì sao trong 5 năm trên vai trò cao ủy của mình, tôi đã nỗ lực để EU và châu Á hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết”. Bà nhấn mạnh các nỗ lực gắn kết hai khối thể hiện ở việc hợp tác tích cực với các đối tác tại khu vực qua các diễn đàn đa phương như ARF hoặc với từng quốc gia riêng lẻ tại khu vực. “Với tư cách một khối, EU đã quyết định sẽ tăng cường can dự vào các vấn đề an ninh tại châu Á cũng như hợp tác với châu Á, và chúng tôi đang quyết tâm hướng đến mục tiêu đó”, Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU tuyên bố.

7. Tháng 8/2019, trong chuyến thăm Việt Nam, Đại diện Cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini tuyên bố việc quân sự hóa ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình trong vùng biển có tranh chấp, đồng quan điểm với Mỹ trong bối cảnh sức ép lên tham vọng của Bắc Kinh đang tăng. “Liên hiệp châu Âu hoàn toàn ủng hộ quan điểm và lo ngại của quý vị về tình hình và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng căng thẳng này, việc quân sự hóa này chắc chắn không có lợi cho một môi trường hòa bình. Tại Liên hiệp châu Âu, chúng tôi luôn luôn bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, điều có lợi cho tất cả các quốc gia”, tuyên bố mạnh mẽ của Đại diện EU. “Chúng tôi ủng hộ sự minh bạch và kết thúc nhanh chóng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN. Quý vị có thể trông cậy vào Liên hiệp châu Âu để không những hướng tới việc giảm căng thẳng, mà còn, trước tiên, là bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế một cách đầy đủ”, bà Federica Mogherini phát biểu trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Mình. Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh sự ủng hộ của EU cho tự do hàng hải tại Biển Đông và cho rằng “việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đã và đang làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin và làm suy yếu hòa bình an ninh và ổn định khu vực”. Việt Nam đề nghị EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS năm 1982 và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước.

Phát ngôn nhân Maja Kocijancic, Ủy Ban Ngoại Vụ, Chính Sách An Ninh, Chính sách Láng giềng và Đàm phán của EU hôm 28/8, nêu rõ những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông dẫn đến hệ quả làm gia tăng căng thẳng và suy thoái môi trường an ninh biển. Đây là biểu hiện của mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực. Theo EU thì tất cả các bên trong khu vực cần thiết phải thực thi kiềm chế, tiến hành những bước cụ thể nhằm trở lại hiện trạng như trước, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua những phương thức hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; đặc biệt là UNCLOS. Trong trường hợp nếu thấy hữu ích, các bên cũng có thể tìm kiến hỗ trợ từ phía thứ va dưới dạng trung giam hay trọng tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi giải quyết những tranh chấp liên quan. EU sẽ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn các tiến trình do khối ASEAN lãnh đạo nhằm tăng cường hơn nữa trật tự thế giới và khu vực dựa trên căn bản luật pháp, củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với những bên thứ ba. EU trông đợi việc đúc kết nhanh chóng, trong một cách thức minh bạch, các vòng đàm phán về COC tại Biển Đông có hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc.

Cũng trong tháng 8/2019, Anh, Pháp, Đức đã lần đầu tiên ra một tuyên bố chung, bày tỏ sự lo ngại về tình hình ở biển Đông và cảnh báo những hành động đơn phương, bất chấp pháp luật có thể dẫn đến sự bất an và căng thẳng ở khu vực. Cả 3 quốc gia này đều kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông thực hiện các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực.

8. Tháng 10/2019, tại Brussels (Bỉ), Bà Federica Mogherini khẳng định EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây. EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. EU ủng hộ việc đàm phán COC một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác. Phía EU cho biết việc Việt Nam và EU ký Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia vào cơ chế quản lý khủng hoảng và an ninh của EU (FPA) khẳng định cam kết chung của hai bên nhằm đóng góp vào hòa bình và an ninh tại các khu vực lân cận của mình và trên thế giới, bao gồm cả Biển Đông.

Xu hướng chính sách và tham gia của EU trong năm 2020

Trong năm 2020, mặc dù còn nhiều vấn đề nội khối, nhưng EU được giới quan sát dự báo sẽ tiếp tục sự can dự mạnh mẽ ở Biển Đông, trong đó các hoạt động hợp tác với đồng minh, đối tác sẽ gia tăng đáng kể. EU tiếp tục giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong các tranh chấp đối với các vấn đề chủ quyền, khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS VÀ thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới