Truyền thông Trung Quốc (10/10) cho biết, Cục Cứu hộ Nam Hải thuộc Bộ Giao thông vận tải của Trung Quốc đã thành lập và chính thức đưa vào hoạt động “Trung tâm cứu hộ hàng hải Tam Sa”, đồng thời tuyên truyền rằng hành động này là nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Theo thông tin trên, trụ sở của Trung tâm cứu hộ hàng hải Tam Sa được đặt tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam Trung Quốc. Phát biểu tại lễ thành lập, Bí thư Trung tâm cứu hộ trên biển Tam Sa Trang Tắc Bình cho biết: “Việc thành lập Trung tâm Cứu hộ Hàng hải Tam Sa là nhằm thực thi trách nhiệm hỗ trợ khẩn cấp và cứu hộ khẩn cấp ở các khu vực xung quanh Tam Sa và hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho máy bay, tàu biển hoạt động trong khu vực; nhấn mạnh đây là biện pháp thực thi quan trọng nhằm xây dựng cường quốc giao thông, không ngừng nâng cao năng lực cứu trợ khẩn cấp trên Biển Đông”.
Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tuyên truyền rằng “việc Trung tâm Cứu hộ Hàng hải Tam Sa đi vào hoạt động sẽ tối ưu hóa hơn nữa cách bố trí lực lượng cứu hộ Biển Đông và đặt nền tảng vững chắc cho việc thiết lập mạng lưới cứu hộ khẩn cấp 24 giờ của Trung Quốc trong khu vực; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trên Biển Đông; là cách bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải, bảo vệ con đường chiến lược an ninh năng lượng trên biển; thúc đẩy sự ổn định của khu vực, thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo Công ước; xây dựng hình tượng nước lớn có trách nhiệm; đồng thới nó còn có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh”.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc (30/7/2018) cho biết, Trung Quốc đã đưa tàu “Nam Hải cứu 115” ra thường trực phi pháp ở đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Theo phía Trung Quốc, tàu “Nam Hải cứu 115” có bãi đỗ trực thăng, có khả năng chống đỡ sóng biển cao tới 6m. Tân Hoa Xã xác định đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu cứu hộ tới neo đậu lâu dài tại Trường Sa kể từ khi bắt đầu các hoạt động nạo vét bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực kể từ năm 2013. Trong khi đó, các quan chức Bộ Giao thông Trung Quốc tuyên truyền rằng Bắc Kinh sẽ “liên tục cải thiện khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nạn hàng hải ở Biển Đông theo các thỏa thuận quốc tế”.
Việc Trung Quốc thành lập Trung tâm Cứu hộ Hàng hải Tam Sa và đưa tàu “Nam Hải cứu 115” ra thường trực phi pháp ở đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) là nằm trong chuỗi âm mưu nham hiểm của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Truyền thông, chính giới Trung Quốc liên tục viện dẫn, tuyên truyền cho rằng nhiệm vụ của Trung tâm và tàu cứu hộ này là “nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định thành lập Trung tâm Cứu hộ Hàng hải Tam Sa và đưa tàu “Nam Hải cứu 115” của Trung Quốc nằm trong những động thái được cho là tính toán có phối hợp nhằm áp đặt, củngcốquyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Không những vậy, Bắc Kinh muốn thông qua hành động trên để tuyên truyền, quảng bá “nỗ lực” của Trung Quốc trong việc thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng muốn thông qua việc triển khai tàu cứu hộ để tìm cách xóa bỏ “vết đen” quân sự hóa Biển Đông đối với các nước trên thế giới.
Theo giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế: (1) Trung Quốc có thể đã triển khai tàu và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về nước mình quanh nỗ lực cứu nạn, sau khi khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận vì các hoạt động quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc. Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Biển Đông ở Đài Bắc, Đài Loan, nhận định “toàn bộ chuyện rầm rộ thông báo một hoạt động mang tính nhân đạo như vậy nhằm để che đậy việc quân sự hóa rõ ràng và tẩy não bằng một vỏ bọc thân thiện”. (2) Ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách để làm dịu sức nóng từ các hành động quân sự bằng cách công bố các hoạt động cứu nạn, nhưng hành động này của Trung Quốc không giúp các nước thay đổi nhận thức về những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông. Việc Bắc Kinh đưa tàu cứu hộ ra Trường Sa chỉ là chiêu trò đánh bóng hình ảnh và những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là hiện hữu, khó có thể che giấu. (3) Bà Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, cho rằng các nhà lập pháp Philippines có thể coi tàu cứu hộ của Trung Quốc với một thái độ “ngờ vực”. (4) Chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ((RSIS, Singapore) cho rằng, nếu Bắc Kinh can thiệp vào các tình huống trên biển dưới danh nghĩa cung cấp dịch vụ tìm kiếm và cứu hộ thì vấn đề trong vùng biển tranh chấp sẽ càng thêm khó lường. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Jay Batongbacal thuộc Đại học Philippines cảnh báo hành động của Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Theo ông, nước này có thể lấy cớ tiến hành sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ (SAR) để điều người đến đóng trú và duy trì các cơ sở phi pháp tại Trường Sa. Ngoài ra, thông qua SAR, Trung Quốc có thể tiến hành giám sát liên tục và theo dõi tàu, máy bay nước ngoài qua lại. Ngoài ra, ông Batongbacal dự đoán Trung Quốc sẽ thông qua việc điều lực lượng đến Trường Sa cho hoạt động cứu hộ để lập luận nước này đang thực hiện chủ quyền và một số quyền khác ở khu vực. (5) Nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger cũng thuộc RSIS cùng chung nhận định: Chắc chắn nếu tàu dân sự lẫn quân sự của Trung Quốc gặp vấn đề trên Biển Đông thì tàu “Nam Hải Cứu 115” sẽ đến hỗ trợ. Như vậy có nghĩa là tàu hải quân và bán quân sự nước này có thêm hậu thuẫn trong các hành động “thực thi chủ quyền” do nước này tự tuyên bố. Thậm chí, dù là tàu cứu hộ nhưng “Nam Hải Cứu 115” hoàn toàn có thể hoạt động như tàu tuần tra. “Đây là công cụ mới phục vụ ý đồ của Trung Quốc biến Trường Sa thành lãnh thổ của mình”, ông Bitzinger cảnh báo.
Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc tiếp tục có các tuyên bố biện minh cho hành động của Chính phủ Trung Quốc. Ông Wang Zhenliang, Giám đốc cơ quan tìm kiếm và cứu hộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo quy ước quốc tế.
Đáng chú ý, việc Trung Quốc thành lập Trung tâm cứu hộ hàng hải và cố gắng tuyên truyền về ý nghĩa của nó, nhưng hành động trên thực tế lại khác biệt. Mới đây nhất, tàu Trung Quốc (9/2019) đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá mang số hiệu QNa 90569 TS khi lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của phía tàu Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định về hàng hải mà còn thể hiện sự mất nhân tính trong cách đối xử với người bị nạn trên biển. Theo thông tin do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Cục cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng cho biết, biết tàu cá của tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa 90569 TS với 12 lao động đã bị gãy trục láp hôm 25/9 và phải thả trôi trên biển. Các ngư dân trên tàu cá QNa 90569 TS của ông Huỳnh Văn Sửu phát tín hiệu cầu cứu sau khi gặp nạn ở khu vực đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của tàu cá QNa 90569 TS, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ giúp đỡ các ngư dân trên. Trung Quốc (29/9) đã cử 1 tàu đến khu vực nêu trên để cứu nạn tàu cá của Quảng Nam. Tuy nhiên khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn của Trung Quốc “xác định sự cố tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn.” Do đó, phía Trung Quốc “giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu” cho phía Việt Nam và cho biết “để được thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận”.