Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9: TQ lại ngang...

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9: TQ lại ngang ngược “nhận vơ” chủ quyền ở Biển Đông

Ngày 21/10, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (21/10) đã đọc thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi chúc mừng diễn đàn. Ông cho rằng, hòa bình là kỳ vọng vĩnh cửu của nhân loại. Trung Quốc kiên trì thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại, dùng hợp tác thúc đẩy hòa bình và lấy hòa bình đảm bảo phát triển.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 có chủ đề bao trùm là Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình tại châu Á-Thái Bình Dương”, thu hút sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo quốc phòng, lãnh đạo quân đội, chuyên gia, học giả đến từ’ hàng chục quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Diễn đàn có 4 phiên toàn thể về các chủ đề: Quan hệ nước lớn và trật tự thế giới; Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương; Lợi ích của các nước vừa và nhỏ và an ninh chung; Cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế và an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng có phiên đặc biệt về 70 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và các phiên thảo luận đặc biệt đồng thời về các nội dung: Các biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược; Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương; Sự thay đổi nhanh chóng của an ninh biển.

Tại Diễn đàn lần này, có hơn 530 đại biểu từ 76 phái đoàn chính thức tham dự, bao gồm 23 Bộ trưởng quốc phòng, 6 Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước và 8 tổ chức quốc tế. Trong số đó có các Bộ trưởng quốc phòng Nga, Việt Nam, Campuchia, Singapore, Mông Cổ, UAE, Uganda, Myanmar, Nepan, Ai Cập…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (21/10) đã đọc thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi chúc mừng diễn đàn. Ông cho rằng, hòa bình là kỳ vọng vĩnh cửu của nhân loại. Trung Quốc kiên trì thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại, dùng hợp tác thúc đẩy hòa bình và lấy hòa bình đảm bảo phát triển. Theo ông Tập Cận Bình, “trước các mối đe dọa an ninh phức tạp, các quốc gia cần đoàn kết chặt chẽ, giữ vững hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc là nòng cốt, không ngừng hoàn thiện quan hệ đối tác an ninh kiểu mới, thúc đẩy xây dựng khuôn khổ an ninh phù hợp với sự phát triển thực tế của khu vực và thúc đẩy tốt hơn hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có đóng góp mới và nhiều hơn để thúc đẩy phát triển hòa bình thế giới và xây dựng một cộng đồng vận mệnh nhân loại”.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đã nêu quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề của Trung Quốc và quốc tế. (i) Về vấn đề thống nhất Trung Quốc: “Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn chưa thực hiện được hoàn toàn thống nhất đất nước. Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn Tổ quốc là xu thế lớn, đại nghĩa, lòng người mong muốn; không có bất cứ ai, bất cứ thế lực nào có thể ngăn cản được”; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc ra sức thúc đẩy sự phát triển hòa bình quan hệ hai bên eo biển và thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình Trung Quốc, nhưng chúng tôi quyết không cho phép chấp nhận rủi ro bởi các phần tử  “Đài Loan độc lập”, quyết không ngồi nhìn các lực lượng bên ngoài nhúng tay can thiệp. Thống nhất Tổ quốc là con đường đúng đắn, chia tách chỉ là đi vào ngõ cụt”. (ii) Liên quan tranh chấp lãnh thổ, Ngụy Phượng Hòa ngang ngược tuyên bố “các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam), đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo chi nhánh của nó đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất của tổ tiên chúng tôi để lại, chúng tôi không thể để mất một tấc….Quân đội chúng tôi hoàn toàn tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cung cấp hỗ trợ chiến lược để thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Theo ông Ngụy Phượng Hòa, “chính sách cây gậy lớn” và “nới dài tay quản lý” không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và gây áp lực trừng phạt cũng rất khó đạt được mục đích; Trung Quốc không chấp nhận và không sợ”. (iii) Về cục diện khu vực và thế giới, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho rằng trong quan hệ giữa các quốc gia không thể tránh khỏi việc này việc khác. Có sự khác biệt không đáng sợ. Then chốt là tăng cường tiếp xúc chiến lược và kiểm soát tốt rủi ro. Từ góc độ của các cuộc chiến tranh cục bộ trong thời gian gần đây, việc sử dụng vũ lực không giải quyết được vấn đề, mà dẫn đến gia tăng mâu thuẫn và cục diện hỗn loạn. Chỉ dùng cách kiên trì đối thoại, không đối đầu, đàm phán giải quyết các vấn đề trên cơ sở bình đẳng, mới có thể tránh được những nghi kỵ, xung đột và đi đúng hướng. Đáng chú ý, theo ông Ngụy Phượng Hòa, bên ngoài can thiệp vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, kích động “cách mạng màu” và thậm chí lật đổ chính quyền hợp pháp của quốc gia khác là nguồn gốc gây nên sự hỗn loạn và chiến tranh khu vực. (iv) Trong quan hệ quân sự đối ngoại của Trung Quốc, quan hệ Trung – Nga có mức độ tin cậy lẫn nhau cao nhất, hợp tác chiến lược tốt nhất, hợp tác thực dụng sâu sắc nhất, giữ vững xu thế tốt, trở thành mẫu mực của hợp tác an ninh và là hòn đá tảng quan trọng để bảo vệ hòa bình thế giới. Quan hệ quân sự Trung – Mỹ nói chung ổn định, nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Hai quân đội cần tăng cường hợp tác trong tiếp xúc chiến lược, tăng cường tin tưởng lẫn nhau, kiểm soát xu hướng; nỗ lực thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ dựa trên sự phối hợp và hợp tác ổn định. (v) Về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, theo ông Ngụy Phượng Hòa, mọi người đều rất quan tâm đến cuộc xung đột mậu dịch Trung-Mỹ. Cuộc chiến thương mại không tốt cho cả hai nước; chỉ có kẻ thua, không có người thắng. Cách đây không lâu, vòng thứ 13 của cuộc đàm phán cấp cao về thương mại Trung – Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết đúng đắn các vấn đề cùng quan tâm và ngăn chặn xung đột leo thang thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. (vi) Ngoài ra, để “mị dân”, Ngụy Phượng Hòa tái khẳng định “sự phát triển của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Dù phát triển đến mấy, Trung Quốc cũng vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng, không mưu tìm phạm vi thế lực”; nhấn mạnh “đi con đường phát triển hòa bình đã được đưa vào Hiến pháp và Điều lệ Đảng chúng tôi, cũng là quốc sách chúng tôi luôn quán triệt, không nên đánh giá thấp hoặc nghi ngờ điều này”.

Trước đó, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (20/10) cho biết, “tại đây, bất kể nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, gần hay xa đều có thể lên tiếng, mọi quan điểm đều có thể được đưa ra, thoát ra ngoài những kiêu ngạo và định kiến, cùng nhau tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt; ở đây chỉ đối thoại, không đối đầu, kiên trì giúp đỡ, tin tưởng lẫn nhau, từ bỏ luật rừng, thúc đẩy vận mệnh chung của nhân loại trên con đường hòa hợp”; đồng thời nhấn mạnh “nếu đi vào con đường đối đầu, bất kể đó là chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, đều sẽ không có lối thoát”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu (21/10) cho biết, “đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sáng kiến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương do một số quốc gia đề xuất đặc biệt thú vị. Nga nghi ngờ về điều này, đặc biệt là về định nghĩa của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương không có giải thích địa lý rõ ràng, không có điều kiện cụ thể để tham gia sáng kiến và các mục tiêu chiến lược cũng rất mơ hồ”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho rằng “sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng không bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực, điều này dẫn đến sự hình thành các liên minh lợi ích, không phù hợp với mục tiêu hình thành một không gian an ninh duy nhất, không thể chia cắt và cũng sẽ phá hoại sự vận hành của hệ thống hợp tác đa phương khu vực. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân chính của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung là nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc”.  

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề Quan hệ nước lớn và trật tự thế giới, Phó tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn đã chia sẻ góc nhìn của ASEAN về quan hệ với các nước lớn, việc duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình ở khu vực. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng thông báo, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN. ASEAN nhận thức rõ ràng rằng hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực chỉ có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia trong khu vực đồng lòng ủng hộ mục tiêu này. Điều này có nghĩa là dù có khác biệt và cạnh tranh lợi ích, sự ổn định trong quan hệ của các nước lớn đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng môi trường để đạt được hoà bình và ổn định. ASEAN đang và sẽ tiếp tục kêu gọi hòa bình hơn là chiến tranh, hợp tác hơn là cạnh tranh. Để thúc đẩy điều này, ASEAN sẽ theo đuổi việc hợp tác với các nước lớn.

Tại phiên toàn thể thứ 2 với chủ đề Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu thể hiện quan điểm của Việt Nam về các vấn đề an ninh và phát triển mà thế giới, khu vực cùng quan tâm. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, môi trường chính trị và an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức và những rủi ro an ninh, bao gồm cả những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Để quản lý tốt các rủi ro an ninh khu vực, các nước cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế cũng như trong giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng; Phát huy trách nhiệm của các nước lớn; Phát huy tốt vai trò, hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong xây dựng lòng tin và quản lý an ninh khu vực; Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Liên hợp quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, thỏa thuận tại cơ chế hợp tác quốc phòng – an ninh quốc tế và khu vực, trong đó có ADMM+; đó vừa là yếu tố đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quan hệ giữa các nước và đặc biệt là trong xử lý các mâu thuẫn, bất đồng; đồng thời cũng là đặc trưng của một xã hội văn minh và phát triển mà chúng ta đang hướng đến, ở đó không có cường quyền và áp đặt.

Liên quan đến Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho rằng, đây là khu vực chứa đựng nhiều rủi ro an ninh do tác động của nhiều yếu tố, như cạnh tranh giữa các nước lớn; tranh chấp chủ quyền; các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, an ninh, ổn định của Trung Quốc và các nước ASEAN không thể tách rời nhau. Chính vì vậy hai bên luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng. Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc đối với hợp tác phát triển, giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, cũng như các cơ chế hợp tác do ASEAN giữ vai trò trung tâm và những đề xuất, sáng kiến hợp tác giữa hai bên nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới