Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNga - Thái Lan tổ chức diễn tập chung trên Biển Đông

Nga – Thái Lan tổ chức diễn tập chung trên Biển Đông

Trong chuyến thăm của Hạm đội Thái Bình Dương đến Thái Lan, hai nước đã tổ chức tập trận chung trên Biển Đông nhằm tăng cường khả năng tương tác và phối hợp giữa hải quân hai nước trong các hoạt động chung, mở ra triển vọng cho những hợp tác sâu hơn trong tương lai.

Theo thông tin trên, tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Panteleyev, tuần dương hạm Varyag của Nga và tàu hộ tống HTMS Ratanakosin (FS-441) của Hải quân Hoàng gia Thái Lan tổ chức tập trận trên Biển Đông. Giới chức hai nước cho biết, cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng tương tác và phối hợp giữa hải quân hai nước trong các hoạt động chung, mở ra triển vọng cho những hợp tác sâu hơn trong tương lai.

Được biết, tàu hộ tống HTMS Ratanakosin của Thái Lan có lượng choán nước 840 tấn, dài 75 m, rộng 9,5 m. Tàu được vũ trang pháo 76 mm, pháo phòng không nòng kép 40 mm, 2 cụm phóng tên lửa phòng không tầm thấp Aspide, 8 tên lửa chống hạm Harpoon và 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ.

Trong khi đó, tuần dương hạm Varyag của Nga là một trong những tuần dương hạm tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay, tàu được trang bị hệ thống vũ khí có thể tiêu diệt cả nhóm tàu sân bay, Varyag chính là ngôi sao sáng của hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Tàu có lượng choán nước11.490 tấn, dài 186m, rộng 20m; thủy thủ đoàn 480 người; tổng công suất mã lực là 121.000 mã lực; vận tốc tối đa 32 hải lý/h; tầm hoạt động 19.000km với vận tốc 16 hải lý/h. Với tư cách là chiến hạm hạng nhất, tàu được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh và đầy uy lực: tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt cải tiến (SS-N-12 Sandbox theo NATO) tầm bắn lên đến 550km, tên lửa được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động. Các tham số về mục tiêu trong hành trình bay được hiệu chỉnh thông qua việc kết nối dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B. Không những thế, Varyag còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại S-300F với số lượng lên đến 64 quả. Hệ thống tên lửa này có khả năng chống nhiễu cao và tiêu diệt máy bay ở cự ly 200km, tên lửa đạn đạo ở 40km. Ngoài ra còn có một số tên lửa đối không phản ứng nhanh, pháo hạm đa năng, pháo siêu nhanh, hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800, radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA và một số hệ thống điện tử hiện đại khác.

Tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Panteleyev được đánh giá là một trong những chiến hạm chống tàu ngầm mạnh hàng đầu thế giới hiện nay. Đồng thời nó cũng là một trong những chiến hạm chủ lực của Hải quân Nga. Khu trục hạm Đô đốc Panteleyev thuộc lớp Udaloy I Project 1155 được đóng từ những năm 1990. Tàu có lượng giãn nước 7.570 tấn, dài 163m, rộng 19,3m, mớn nước 6,2m. Tàu được vận hành với đội ngũ thủy thủ đoàn đông đảo, tới 300 người. Tàu trang bị hệ thống 4 động cơ tuốc bin khí cho phép đạt tốc độ tối đa 65km/h, tầm hoạt động 19.400km. Với vai trò chính là tìm kiếm, phát hiện, săn lùng, tiêu diệt tất cả các tàu ngầm. Lớp Udaloy I trang bị hệ thống vũ khí săn ngầm “đồ sộ” gồm: tên lửa, ngư lôi, rocket. Hỏa lực chống ngầm mạnh nhất của Udaloy I là hệ thống tên lửa RPK-3 Metel (NATO định danh là SS-N-14 Silex) phát triển từ những năm 1960. RPK-3 Metel trang bị đạn tên lửa chống ngầm có trọng lượng gần 4 tấn, dài 7,2m. Quả đạn lắp động cơ rocket nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn từ 10-50km, tốc độ hành trình cận âm. Đạn tên lửa không lắp đầu đạn thuốc nổ thường mà sử dụng một quả ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ AT-2UM. Hoặc nếu dùng cho nhiệm vụ chống tàu nổi, nó sẽ mang đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 185kg. Cơ chế hoạt động, khi các hệ thống định vị thủy âm trên tàu phát hiện đối phương. Tên lửa sẽ được phóng đi, trong hành trình nó bay cách mặt biển 400m. Tới vị trí định sẵn, quả ngư lôi sẽ tách khỏi tên lửa lao xuống biển và tự tìm diệt mục tiêu. Bên cạnh vũ khí chống ngầm tầm xa RPK-3 Metel, trong tầm 10km trở lại, Udaloy I được bổ sung thêm hệ thống rocket săn ngầm RBU-6000 và ngư lôi cỡ 533mm. Trong đó, ngư lôi RBU-60 thiết kế với 12 ống phóng cỡ 213mm bắn đạn rocket không điều khiển RGB-60 (lắp đầu đạn 25kg) đi xa 5.800m, xuyên sâu xuống mặt nước 500m. Ngoài ra, tàu còn được bổ sung thêm 2 trực thăng săn ngầm Kamov Ka-27 đậu ở đuôi. Mỗi chiếc mang được 1 ngư lôi hạng nhẹ và 36 phao âm. Ngoài vũ khí săn ngầm cực mạnh, để tự phòng vệ chống mối đe dọa từ trên không, Udaloy I trang bị: hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn 3K95 Kinzhal (tầm bắn 12.000m, độ cao diệt mục tiêu 10-6.000m); hệ thống pháo – tên lửa kết hợp Kashtan (tầm bắn 500-8.000m); hệ thống pháo phòng không cao tốc AK-630. Các loại vũ khí phòng không này chủ yếu tác chiến tầm gần chống lại mục tiêu máy bay tầm thấp, trực thăng và tên lửa hành trình chống tàu.

Trong những năm gần đây, Nga và Thái Lan đang tích cực thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Thái Lan hiện đang thúc đẩy các hợp đồng mua trang bị vũ khí của Nga, trong khi đó Nga có ý định xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp quốc phòng tại Thái Lan để chế tạo vũ khí xuất khẩu cho nước này và các quốc gia trong khu vực. Đáng chú ý, sau khi mua thành công 4 chiếc trực thăng Mi-17 của nga, Thái Lan đang có kế hoạch mua số lượng nhiều hơn nữa loại trực thăng này, để thay thế máy bay trực thăng Type UH-1H của Mỹ đã có tuổi đời phục vụ 40 năm qua trong quân đội Thái Lan.

Ngoài ra, Đại sứ Nga tại Thái Lan Kirill Barsky cho biết, Bangkok quan tâm đến việc mua nhiều loại khí tài quân sự và vũ khí của Nga cũng như muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với giữa hai nước. Theo Đại sứ Barsky, Thái Lan gần đây tỏ dấu hiệu quan tâm nhiều hơn đến thiết lập quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật với Moskva và những năm gần đây, Nga thường xuyên giới thiệu vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội Thái Lan. Tuy nhiên, Nga và Thái Lan chưa phải là đối tác gần gũi trong quan hệ hợp tác quân sự, dù giữa hai hai nước không có bất đồng về chính trị hay quân sự. Gần đây xuất hiện những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và sự tin tưởng lẫn nhau. Đó là nền tảng để xây dựng mối hợp tác kỹ thuận và quân sự giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới