Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngTàu Hải Dương Địa chất 8 rút khỏi vùng biển Việt Nam,...

Tàu Hải Dương Địa chất 8 rút khỏi vùng biển Việt Nam, hướng về TQ

Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam sau ba tháng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Hãng tin Reuters ngày 24-10 dẫn các dữ liệu từ trang theo dõi hàng hải Marine Traffic cho biết tàu Hải Dương Địa chất 8 rời vùng EEZ của Việt Nam hướng về Trung Quốc sáng cùng ngày dưới sự hộ tống của hai chiếc tàu khác.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3-10 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác nhận nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

“Theo cơ quan chức năng Việt Nam, nhóm tàu này tiếp tục mở rộng tầm hoạt động trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam, được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 3-10.

Theo bà Thu Hằng, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này và đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu cũng như không được lặp lại hành động này.

Tàu Hải Dương Địa chất 8 rút khỏi vùng biển Việt Nam, hướng về Trung Quốc - Ảnh 2.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Trước đó một số thông tin cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho thấy nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đây là lần thứ tư kể từ tháng 7 nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm.

Khu vực mà nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.

Về phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

UNCLOS 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế.

Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS 1982.

Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn.

Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới