Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết đề cập đến...

Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết đề cập đến vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế

Ngày 23/10, tại Thủ đô Ba-cu của Azerbaijan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết. Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elmar Mammadyarov chủ trì và sự tham gia của đại hiện 120 thành viên và quan sát viên. Hội nghị năm nay đặc biệt nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật trên thế giới và trong đó có khu vực Biển Đông.

Hội nghị tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 18. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan đề cao vai trò quan trọng của Phong trào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Phong trào cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu của các nước thành viên. Bộ trưởng Mammadyarov nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các “Nguyên tắc Bangdung” là điều kiện tiên quyết để Phong trào Không liên kết tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình. Là một tập hợp của các nước đang phát triển, Phong trào cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, môi trường, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác theo các trục Đông-Tây và Bắc-Nam và dành ưu tiên cho thế hệ trẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Phong trào Không liên kết, với 120 quốc gia thành viên, là một lực lượng chính trị quan trọng và tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Để ứng phó với những thách thức đặt ra và phát huy vai trò to lớn của mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Phong trào cần tăng cường đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc Bangdung, những nền tảng quan trọng giúp Phong trào tiếp tục khẳng định là ngọn cờ đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao luật pháp quốc tế; đồng thời các nước cần cùng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải tổ về thể chế và phương pháp làm việc nhằm tang cường hiệu quả hợp tác của Không liên kết.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong bối cảnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên Không liên kết ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 sẽ diễn ra trong các ngày 25-26/10 tại Bacu.

Phong trào không liên kết (Non-Aligned Movement – NAM) là một tập hợp bao gồm các quốc gia tự xem là không liên kết với hay chống lại khối xã hội chủ nghĩa lẫn khối tư bản chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh. Những nhà lãnh đạo được coi là đồng sáng lập Phong trào không liên kết bao gồm Thủ tướng Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser, Thống chế Josip Broz Tito của Nam Tư, Tổng thống Sukarno của Indonesia, và Tổng thống Kwame Nkrumah của Ghana. Năm nguyên tắc chung sống hòa bình được coi là nền tảng của Phong trào không liên kết bao gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; (2) không xâm lược lẫn nhau; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) bình đẳng và cùng có lợi; (5) cùng tồn tại hòa bình.

Mục tiêu của Phong trào được ghi rõ trong Tuyên bố Havana 1979, bao gồm việc bảo đảm “độc lập và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” trong “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả hình thức xâm lược, chiếm đóng, thống trị, can thiệp hay bá quyền nước ngoài.” Tính trung lập của các quốc gia không liên kết có thể tạo cho họ sức ảnh hưởng về mặt ngoại giao trong Chiến tranh Lạnh khi họ có thể đóng vai trò hòa giải giữa các cường quốc và đóng góp trực tiếp cho mục đích hòa bình. Phần lớn thành viên của tổ chức này là các quốc gia nằm ở châu Phi và châu Á, và chiếm đa số trong Liên hợp quốc. Từ khi thành lập, Phong trào không liên kết cố gắng tạo ra một con đường độc lập trên vũ đài chính trị thế giới, tránh trở thành con tốt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. Điều này đã dẫn đến một giai đoạn dài trong lịch sử Chiến tranh Lạnh Phong trào bị ảnh hưởng bởi căng thẳng toàn cầu gây nên bởi thế đối đầu giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh không phải là vấn đề duy nhất trong chương trình nghị sự của Phong trào. Một cái nhìn sơ lược về lịch sử Phong trào cho thấy có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Phong trào đối với các vấn đề quốc tế. Đó là quyền tự quyết, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới, và việc duy trì chính sách trung lập trong quan hệ với tất cả các nước lớn.

Hiện nay thành viên của Phong trào không liên kết chiếm gần 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc và 55% dân số thế giới. Tính đến năm 2011, Phong trào có 118 quốc gia thành viên và 20 quốc gia mang tư cách quan sát viên. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, dẫn đến việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà chỉ trích đã đặt dấu hỏi về mục đích tồn tại và sự vững bền của Phong trào không liên kết. Chính vì vậy Phong trào đã buộc phải tự điều chỉnh mình và đề ra mục tiêu mới trong hệ thống thế giới hiện tại.

RELATED ARTICLES

Tin mới