Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn biến tình hình và hoạt động của các nước liên quan...

Diễn biến tình hình và hoạt động của các nước liên quan bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông năm 2019

Trong năm qua, môi trường sinh thái ở Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, Trung Quốc tiếp tục có các hoạt động tán phá, hủy hoại môi trường sinh thái trong khu vực. Hành động này của Trung Quốc đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Bằng chứng về việc Trung Quốc phá hủy môi trường sinh thái Biển Đông

Tạp chí khoa học quốc tế Nature (28/3) công bố báo cáo đưa ra các bằng chứng về sự biến đổi môi trường do hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc gây ra ở Biển Đông. Báo cáo đánh giá các tác động môi trường của hoạt động cải tạo đảo từ việc nạo vét đáy biển và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thực vật, động vật biển và cả hệ sinh thái. Báo cáo cho biết mức độ hủy hoại là rất lớn bởi các rạn san hô ở Biển Đông là nơi tập trung sự đa dạng sinh học lớn nhất Trái Đất. Thông qua việc sử dụng hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động xây dựng ở đá Vành Khăn, cho thấy mức độ tán xạ ở vùng biển quanh cấu trúc này lên tới 350%, lượng phù sa vượt quá 250 km2 trong thời gian cải tạo đảo và diện tích khu vực bị tác động bởi việc nạo vét vượt quá 1.200 km2.

Báo cáo cho biết, hoạt động nạo vét dẫn đến việc môi trường sống tự nhiên bị che phủ và các rạn san hô bị trầm tích hóa, khiến cho nguồn lực sinh học của khu vực bị suy giảm. Báo cáo khẳng định, theo các chuyên gia, hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là hoạt động làm xói mòn các rạn san hô nhanh nhất trong lịch sử loài người. Hoạt động này không chỉ phá hủy các rạn san hô, tác động đến các khu vực xung quanh mà còn làm giảm trữ lượng các đàn cá cũng như giảm khả năng giải độc chất thải của Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các cấu trúc nhân tạo như sân bay và bản thân các hòn đảo nhân tạo có thể phá hoại môi trường sống của san hô, dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài cá, động vật không xương sống và một số thành phần quan trọng của hệ sinh thái bản địa. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, báo cáo này sẽ đóng vai trò là cơ sở để các cơ quan liên chính phủ đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó có thể đưa ra các chính sách hạn chế cải tạo đảo cũng như yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại này.

Trung Quốc tuyên truyền một kiểu, hành động một kiểu khác

Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/1) thông báo Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo, và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đồng thời khẳng định hoạt động trên bước đầu đã giúp khôi phục hệ sinh thái ở các vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.

Trong khi đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, 20/5), cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu khét tiếng phá hoại môi trường của Trung Quốc lại gia tăng hoạt động tại Biển Đông. Theo AMTI, sau khi giảm hoạt động trong giai đoạn 2016-2018, đội tàu đánh bắt nghêu Trung Quốc đổ về Biển Đông với số lượng lớn trong sáu tháng qua. Các đội tàu này thường gồm nhiều tàu nhỏ đi cùng với nhóm các “tàu mẹ” có tải trọng lớn hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.AMTI nhận định mô hình đánh bắt của các đội tàu phá hủy diện tích lớn rạn san hô trong vùng biển để khai thác giống nghêu khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những giống nghêu này có thể phát triển dài hơn 1m, nặng hơn 200 kg và sống hơn 100 năm tuổi. Vỏ nghêu được đưa về tỉnh Hải Nam, có thể được bán với giá hàng nghìn USD mỗi cái để chế tác đồ trang sức hoặc tác phẩm điêu khắc.

Theo nghiên cứu của CSIS, giới chức Trung Quốc dường như ý thức rõ và cho phép đội tàu khét tiếng này quay lại hoạt động trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy tàu đánh bắt nghêu bắt đầu hoạt động ở vùng biển quanh Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ cuối năm 2018. Các hoạt động khai thác nghêu bằng phương pháp trên đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế và luật môi trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng vẫn ngang nhiên diễn ra sau khi Trung Quốc (7/2018) cho lắp đặt tại Đá Bông Bay cái gọi là trạm quan sát hàng hải “Ocean E-Station”, hỗ trợ định hướng cho tàu trong khu vực. Những mô tả về năng lực radar giám sát của cơ sở này cho thấy giới chức Trung Quốc đủ khả năng nắm được diễn biến ở thực địa nhưng không hề có động thái can thiệp.Đội tàu Trung Quốc cũng xuất hiện tại bãi cạn Scarborough, vốn là điểm nóng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh tháng 12/2018 cho thấy số lượng lớn tàu Trung Quốc hiện diện tại vùng biển. So sánh ảnh chụp tháng 3 và tháng 12/2018 cũng cho thấy nhiều dấu vết nạo vét mới xuất hiện ở đáy biển. Các chuyên gia của CSIS nghi ngờ tàu Trung Quốc đang áp dụng thêm phương pháp khai thác mới ở bãi cạn Scarorough, đặc biệt tại các vùng biển sâu mà thiết bị nạo vét không tiếp cận được đáy biển.

AMTI cho biết hiện chưa phát hiện bằng chứng đủ vững chắc cho thấy hoạt động khai thác nghêu của đội tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia AMTI phát hiện một “tàu mẹ” cùng nhiều tàu nhỏ hiện diện ở vùng biển gần Đá An Nhơn (tên tiếng Anh là Lankiam Cay). Tàu mẹ của ngư dân Trung Quốc có chiều dài gần 20 m, nhỏ hơn các tàu xuất hiện tại Đá Bông Bay gần 10 m. Các tàu nhỏ ở hai trường hợp có kích thước tương đương. Các chuyên gia cũng chưa phát hiện những dấu sẹo đặc trưng trên đáy biển ở khu vực Đá An Nhơn. Điều này có thể cho thấy hoạt động khai thác nghêu gây hại cho môi trường vẫn chưa diễn ra sau khi đội tàu Trung Quốc đến khu vực.

Malaysia kêu gọi các nước tăng cường bảo vệ môi trường Biển Đông

Phát biểu tại Hội nghị Biển Đông lần thứ ba 2019 tại Đại học Malaya, Phó Vụ trưởng của Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Mohd Nor Azman Hassan (25/6) cho biết Biển Đông đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm, khai thác tài nguyên, bao gồm cả việc biến đổi tự nhiên của môi trường biển. Theo đánh giá của ông Mohd Nor Azman Hassan, Biển Đông là một vùng biển quan trọng được nhiều quốc gia sử dụng chung. Các quốc gia này phụ thuộc vào tài nguyên Biển Đông cho nguồn thực phẩm, các hoạt động thương mại, giao thông, du lịch và bảo vệ. Tuy nhiên, vùng biển này đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm, khai thác tài nguyên, bao gồm cả việc biến đổi tự nhiên của môi trường biển. Do đó, Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia cần phải đảm bảo sự bền vững của môi trường và sẽ cố gắng hướng tới một nền kinh tế “xanh” nhằm bảo vệ tài nguyên biển và môi trường chung.

Giới nghiên cứu bày tỏ quan ngại

Trong năm 2019, giới nghiên cứu, chuyên gia và học giả quốc tế nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc môi trường sinh thái ở Biển Đông bị hủy hoại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan cùng hợp tác bảo vệ môi trường. Giáo sư Datuk Azizan Haji Abu Samah, Viện Khoa học Trái đất và đại dương cho rằng Malaysia đánh giá chưa đúng về tầm quan trọng của Biển Đông, đặc biệt là eo biển Malacca; đồng thời cho biết bất kỳ loại ô nhiễm nào cũng sẽ có tác động lớn đến eo biển Malacca vì đây là eo biển đông đúc thứ hai trên thế giới. Eo biển này đóng vai trò là trung tâm trung chuyển quan trọng nhất với khoảng 200 tàu thuyền đi qua mỗi ngày.

Tiến sĩ Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Phán quyết của Tòa là một tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng vấn đề trên biển rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện. Nhưng hãy bắt đầu từ 1 phương diện cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ.” Tiến sĩ Masanori Muto cũng nhận định, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh xây dựng trái phép trên Biển Đông và không ngăn chặn ngư dân của họ tận diệt tài nguyên biển, các nước rất khó ngăn cản Trung Quốc chấm dứt các hành vi phi pháp trên, chỉ trừ khi Bắc thấy được lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Tiến sĩ Michael Parsons nhấn mạnh: “Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, điều đó sẽ gây bất lợi cho họ sau này. Kinh tế vận tải biển của Trung Quốc cũng đang suy giảm, nhiều tàu đã không còn cập cảng của họ nữa. Nội bộ Trung Quốc cũng đang có mâu thuẫn về Biển Đông, người dân Trung Quốc biết quá ít thông tin về việc này. Họ sẽ thắc mắc tại sao đất nước họ lại đối đầu với tất cả ở Biển Đông”.

Cựu Giám đốc chương trình Địa Chính trị của Viện nghiên cứu Scott Polar (Anh), ông Paul Berkman cho rằng “an ninh môi trường” cần là ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia của các nước ven biển bên cạnh sự ổn định chính trị hay an ninh quốc phòng. Theo ông Paul Berkman, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thực phẩm đang tới gần, nhu cầu cân đối giữa các lợi ích về an ninh, quân sự với các lợi ích kinh tế từ biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khẩn trương phối hợp để đưa ra các giải pháp, đặc biệt trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển. Riêng việc bảo vệ san hô tại Biển Đông, ông đề nghị thành lập một Mạng lưới Hành động vì San hô (Reef Action Network Coral), tương tự với mạng lưới bảo vệ rừng trên đất liền. Các chuyên gia xuất sắc nhất về đa dạng sinh thái và phát triển bền vững thuộc các nước có tranh chấp tại Biển Đông cần tập hợp lại tại một diễn đàn về chính sách, khoa học biển. Một ủy ban khoa học nghiên cứu Biển Đông cũng cần được thành lập để hướng các nước ASEAN đến hợp tác trong việc quản lý biển.

Giáo sư McManus thì cho rằng “một nước đánh bắt quá nhiều thì đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến các nước khác. Nó cũng giống như trong cuộc sống hàng ngày, khi cơ hội trao cho bạn nhiều hơn thì cơ hội dành cho người khác sẽ ít đi. Vì thế nên cách tốt nhất ở đây là phải dừng ngay những tuyên bố chủ quyền phi lý. Nếu không muốn nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, các nước liên quan cần phải ngồi lại với nhau để tính toán lại, phối hợp xây dựng kế hoạch đánh bắt ở Biển Đông. Chúng ta cần một thỏa thuận hòa bình, có thể kéo dài 30 năm rồi gia hạn và tiến tới thỏa thuận quản lý Biển Đông về nguồn lợi thủy sản.

Đáng chú ý, ông Gregory Poling, trưởng nhóm chuyên gia về Biển Đông của AMTI, cho rằng Philippines nên hợp tác với Việt Nam để bắt buộc Bắc Kinh giải quyết các vấn đề liên quan đến nghề cá và môi trường do chính hành vi phi pháp của nước này gây ra. Ông Poling khẳng định: “Nếu Manila muốn bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông, họ cần phải hợp tác với các nước mà điển hình là Việt Nam và thúc đẩy thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc”; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các tàu dân quân và những kẻ săn trộm trong vùng biển tranh chấp. Bên cạnh đó, Philippines cũng nên tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia khác và đưa vấn đề Biển Đông tới mọi diễn đàn quốc tế để kêu gọi sự chú ý của Trung Quốc

Nhìn chung, vấn đề khai thác tài nguyên, an ninh hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường Biển Đông đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm đến mức báo động, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc hủy hoại và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã ảnh hưởng xấu tới tất cả các bên tranh chấp. Người dân trong khu vực chính là những người phải gánh chịu những ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác động môi trường do các dãi san hô bị hủy hoại. Do đó, có lẽ người dân tại đây nên hình thành mạng lưới hành động bảo vệ các rạn san hô, tương tự như mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới