Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLiên hợp quốc: Giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa...

Liên hợp quốc: Giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế

Trong suốt những năm qua, Liên hợp quốc đã đóng vai trò trung tâm trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu; ủng hộ ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Chiều 23/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc Kamal Malhotra và Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhân Ngày Liên hợp quốc 24/10.

Phó Thủ tướng Thường trựcViệt Nam nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ tăng cường chủ nghĩa đa phương, Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu; ủng hộ ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, các tổ chức Liên hợp quốc là những người bạn quý báu từ những năm tháng khó khăn sau chiến tranh cho đến ngày nay, dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam luôn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng Thường trực hoan nghênh nhóm Đối tác phát triển (DPG) đã hoàn thành một số báo cáo trên nhiều lĩnh vực, trong đó Liên hợp quốc chủ trì nhiều báo cáo; cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và có ý kiến phản hồi về nội dung các báo cáo. Phó Thủ tướng Thường trực cũng thông báo với các vị khách về một số kết quả kinh tế-xã hội ước đạt được trong năm 2019 với khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo là hoàn toàn đúng đắn, nghiêm túc và mang lại nhiều kết quả cụ thể.

Cho rằng hiện nay, cả Việt Nam và hệ thống phát triển Liên hợp quốc đều đang ở thời điểm quan trọng, Việt Nam đang xây dựng chiến lược cho 10 năm và kế hoạch 5 năm trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; về phía Liên hợp quốc hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trước năm 2030 và nhiều thỏa thuận toàn cầu khác, Liên hợp quốc cũng gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải cải tổ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển ở các nước, tăng cường sự phối hợp, đơn giản hóa hoạt động của các tổ chức Liên hợp quốc, hỗ trợ tốt nhất các ưu tiên phát triển của quốc gia thành viên và thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc cần tập trung nguồn lực cho mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ quốc gia phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công các SDG, đặc biệt là xóa nghèo. Trong điều phối các tổ chức, Phó Thủ tướng bày tỏ trông đợi Điều phối viên sẽ là mắt xích quan trọng giúp các tổ chức Liên hợp quốc gắn kết hơn trong thực hiện các nhiệm vụ chung của toàn hệ thống, song cần đảm bảo phát huy tối đa sự tự chủ và lợi thế so sánh của mỗi tổ chức.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc chủ động dự báo và thông tin về những xu hướng mới, khủng hoảng có thể xảy ra ở khu vực, quốc tế và tác động đối với Việt Nam. Tăng cường tư vấn chính sách về mặt chiến lược trên cơ sở lợi thế so sánh của các tổ chức Liên hợp quốc, trong đó tập trung vào một số ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, đi đôi với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị…

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác, cũng như phối hợp trong việc thực hiện hiệu quả cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc. Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và kiến nghị các biện pháp để đơn giản hóa hơn nữa thủ tục quản lý, tiếp nhận ODA, phê duyệt các dự án viện trợ không hoàn lại để có thể tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của quốc tế. Thay mặt Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra chúc mừng Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế xã hội và vị thế mà Việt Nam giành được trên trường quốc tế. Cụ thể, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, năm 2020 đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN…

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cảm ơn Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo về hệ thống phát triển Liên hợp quốc để hướng tới Liên hợp quốc phát triển ngày càng hiệu quả hơn nữa, mong muốn Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong các đóng góp cho các tổ chức của Liên hợp quốc phát triển hơn nữa, nhất là các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cũng cho biết, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ và sát cánh cùng Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ Việt Nam về các chính sách phát triển như năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế để tránh bẫy thu nhập trung bình, cùng nhau mang lại nguồn lực tài chính với cách tiếp cận tích hợp để có nguồn lực tài chính thực hiện mục tiêu phát triển bền vững sẽ là ưu tiên của Liên hợp quốc đối với kinh tế của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới