Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về tham vọng “vẽ lại thông tin toàn...

Một số phân tích về tham vọng “vẽ lại thông tin toàn cầu” của TQ hiện nay

Trong quá trình gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp Bắc Kinh che đậy cho những mặt tiêu cực và nước này gây ra cho các nước, đồng thời quảng bá về hình ảnh Trung Quốc trỗi dậy đầy hấp dẫn.

Hệ thống Truyền hình Toàn cầu TQ (CGTN) đóng vai trò là cánh tay quốc tế của Hãng Truyền hình Trung ương TQ (CCTV)

Với các nhà báo phương Tây, vốn đang vô cùng chán nản khi tình trạng cắt giảm ngân sách vẫn chưa có hồi kết, Hệ thống Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã mở ra một viễn cảnh đầy hứa hẹn khi mang lại các khoản lương cạnh tranh, cơ hội làm việc tại các studio vô cùng hiện đại tại Chiswick, phía Tây London. CGTN, đơn vị được đổi tên vào năm 2016 và đóng vai trò là cánh tay quốc tế của Hãng Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), là nhân tố nổi bật nhất trong quá trình mở rộng truyền thông nhanh chóng của Trung Quốc trên thế giới. Theo như phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, mục tiêu của CGTN là “kể câu chuyện của Trung Quốc một cách tốt đẹp”. Trên thực tế, kể câu chuyện của Trung Quốc một cách tốt đẹp rất giống việc phục vụ cho các mục tiêu ý thức hệ của quốc gia này.

Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Bắc Kinh trong việc định hình hình ảnh quốc gia thường mang tính phòng thủ, đối phó và chủ yếu hướng tới độc giả trong nước. Biểu hiện dễ thấy nhất của những nỗ lực này là việc Bắc Kinh loại bỏ một số nội dung trên các phương tiện truyền thông trong nước: Các tạp chí nước ngoài được ấn bản với một số trang bị lược bỏ, màn hình kênh tin tức BBC nhấp nháy chuyển đen khi đưa tin về các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng, Đài Loan hoặc vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Bắc Kinh đã sử dụng nhiều công cụ thô bạo như kiểm duyệt trong nước, có hình thức phản đối chính thức tới trụ sở của các tổ chức tin tức và trục xuất phóng viên khỏi Trung Quốc.

Nhưng từ khoảng một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã triển khai một chiến lược tinh vi và quyết đoán hơn, ngày càng tập trung vào các độc giả quốc tế. Trung Quốc đang cố gắng tái định hình môi trường thông tin toàn cầu bằng túi tiền khổng lồ của mình dưới các hình thức – tài trợ cho các bài báo PR, bài báo thương mại và các thông tin tích cực từ những người ủng hộ. Trong khi bên trong Trung Quốc, báo chí ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ, ở bên ngoài Bắc Kinh lại đang tìm cách trục lợi bằng việc khai thác các điểm yếu của tự do báo chí.

Hình thức đơn giản nhất là trả tiền để các bài báo tuyên truyền của Trung Quốc xuất hiện trên nhiều báo quốc tế uy tín như tờ Washington Post. Chiến lược này cũng tồn tại dưới nhiều hình thức khôn ngoan khác như lồng ghép nội dung từ Hệ thống Phát thanh Quốc tế của Trung Quốc (CRI) – một đài phát thanh của nhà nước – lên sóng của các hãng phát thanh-truyền hình mà tưởng như độc lập trên khắp các quốc gia thế giới, từ Úc cho đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, tại Mỹ, các nhà vận động hành lang, với sự hậu thuẫn của các tổ chức do Trung Quốc chống lưng, đang tìm cách huy động tiếng nói từ người ủng hộ được biết đến với tên gọi “người phát ngôn bên thứ ba” nhằm mục đích chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh, và tìm cách thay đổi nhận thức của dư luận về cách thức Trung Quốc cai trị Tây Tạng. Trung Quốc cũng đang ve vãn các nhà báo trên khắp thế giới bằng các hình thức như tổ chức các chuyến du lịch được chi trả trọn gói, hay có lẽ tham vọng nhất là cung cấp các chương trình đào tạo miễn phí chuyên ngành truyền thông cho bậc sau đại học, tổ chức nhiều khóa đào tạo phóng viên nước ngoài hàng năm để “nói câu chuyện Trung Quốc một cách tốt đẹp.”

“Chiến tranh truyền thông” đã trở thành một phần công khai trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh

Kể từ năm 2003, sau quá trình sửa đổi một văn bản chính thức trong đó phác thảo các mục tiêu chính trị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cái gọi là “chiến tranh truyền thông” đã trở thành một phần công khai trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh. Mục tiêu là tạo ảnh hưởng tới quan điểm của công chúng các nước, từ đó tác động tới chính phủ nước ngoài phải hoạch định chính sách theo hướng có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo nhà phân tích từng làm việc cho CIA Peter Mattis, hiện là nghiên cứu viên của chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown, một cơ quan nghiên cứu tại Washington chuyên về an ninh, “quan điểm của họ về an ninh quốc gia là phòng ngừa trong thế giới của các ý tưởng”. “Nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền này là để loại bỏ hoặc phòng ngừa các quyết định đi ngược lại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Đôi khi chiến dịch này cũng sử dụng các biện pháp kiểm duyệt truyền thống, như: Đe dọa, gây áp lực lên các cơ quan báo đài đăng tải những quan điểm này hoặc đơn giản hơn là mua luôn các cơ quan báo đài đó. Bắc Kinh ngày càng kiên nhẫn, sử dụng các công ty tư nhân để gia tăng kiểm soát hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu. Các công ty của Trung Quốc hiện đi đầu trong việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số tại một số khu vực ở châu Phi, triển khai các vệ tinh truyền hình và xây dựng hệ thống cáp quang và trung tâm dữ liệu, một dạng “con đường tơ lụa kỹ thuật số” để truyền tải thông tin tới toàn thế giới. Theo hướng này, Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát không chỉ các nhà sản xuất tin tức, các nền tảng sản xuất thông tin mà còn cả các cách thức thu phát tín hiệu.

TQ đang tham vọng vẽ lại trật tự thông tin toàn cầu

Dù các biện pháp tuyên truyền chủ động của Bắc Kinh thường bị đánh giá thấp do cách làm vụng về và nội dung tẻ nhạt, Trung Quốc đang tham vọng vẽ lại trật tự thông tin toàn cầu. Đây không chỉ là trận chiến để giành lượng truy cập. Trên hết, đây là trận chiến về ý thức hệ và chính trị, khi Trung Quốc quyết tâm tăng cường “quyền lực diễn ngôn” để chống lại những gì mà họ coi là sự thống trị của truyền thông phương tây vốn luôn ở thế áp đảo trong nhiều thập kỷ qua.

Cùng thời điểm đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách dịch chuyển trọng tâm toàn cầu về phía đông, truyền bá ý tưởng về một thế giới mới với hình ảnh Trung Quốc trỗi dậy ở trung tâm. Dĩ nhiên, các chiến dịch nhằm tạo ảnh hưởng không phải điều gì mới mẻ; Mỹ và Anh cùng các nước khác cũng liên tục dụ dỗ các nhà báo, chào mời bằng các cám dỗ như những chuyến công tác miễn phí, đặc quyền tiếp cận các quan chức cấp cao. Đối với các lãnh đạo Trung Quốc, những người coi báo chí là “mắt, tai, lưỡi và họng” của Đảng Cộng sản, truyền thông vừa là một chiến trường của cuộc “chiến tranh thông tin toàn cầu” vừa là một vũ khí tấn công.

Nhà báo điều tra người Nigeria Dayo Aiyetan vẫn nhớ về cuộc gọi ông nhận được một vài năm sau khi CCTV mở trung tâm châu Phi tại Kenya năm 2012. Aiyetan đã thành lập một trung tâm báo chí điều tra uy tín của Nigeria, và ông đã vạch trần những thương gia Trung Quốc buôn gỗ trái phép ở Nigeria. Ông nhận được một lời đề nghị hấp dẫn: Làm việc tại văn phòng mới của một hãng truyền hình quốc gia Trung Quốc, và ông sẽ kiếm được khoản thu nhập ít nhất gấp đôi hiện nay. Mức thu nhập và sự ổn định của loại công việc kiểu này đã khiến Aiyetan phải cân nhắc, nhưng cuối cùng ông quyết định không chấp nhận bởi trung tâm báo chí của ông mới chỉ vừa đi vào hoạt động. Châu Phi đã trở thành phép thử cho chiến dịch mở rộng quy mô quốc tế đầu tiên của truyền thông Trung Quốc. Những nỗ lực này được đẩy mạnh sau Olympic năm 2008, khi các lãnh đạo Trung Quốc giận dữ trước làn sóng tin tức mang tính chỉ trích, đặc biệt là các tin tức quốc tế về nhân quyền và các cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng, được truyền tải rộng rãi tới thế giới song song với hình ảnh ngọn đuốc Olympic. Trong năm tiếp theo, Trung Quốc thông báo sẽ dành 6,6 tỷ USD để củng cố sự hiện diện truyền thông trên toàn cầu. Hoạt động quốc tế lớn đầu tiên là thành lập CCTV ở châu Phi, và cơ quan này đã ngay lập tức tuyển chọn các nhân vật danh tiếng như Aiyetan.

Truyền thông TQ bủa vây châu Phi

Đối với các nhà báo địa phương, CCTV hứa hẹn các khoản tiền hấp dẫn và cơ hội “kể câu chuyện châu Phi” tới khán giả toàn cầu mà không cần tuân thủ lối kể chuyện của phương Tây. Sau khi được thuyết phục về làm việc tại CCTV từ KTN, một trong những kênh truyền hình hàng đầu của Kenya, nhà báo người Kenya Beatrice Marshall cho biết, “điều mà tôi thích là chúng tôi đang kể câu chuyện từ quan điểm của mình.” Sự hiện diện của cô đã củng cố uy tín của đài, và cô tiếp tục nhấn mạnh sự độc lập về mặt biên tập của các nhà báo.

Trong 6 năm qua, CGTN dần mở rộng tầm với ra toàn châu Phi. CGTV xuất hiện trên sóng TV tại các quốc gia quyền lực trong khối Liên minh Châu Phi, tại “thủ phủ chính trị châu Phi” Addis Ababa và phát sóng miễn phí cho hàng nghìn ngôi làng hẻo lánh tại nhiều nước châu Phi, trong đó bao gồm Rwanda và Ghana, thông qua StarTimes, một công ty truyền thông Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước. Các gói rẻ nhất của StarTimes gồm các kênh của Trung Quốc và châu Phi, ngược lại việc tiếp cận BBC hoặc al-Jazeera tốn kém hơn, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người xem. Bằng cách thức như vậy, tác động của các kênh này là nhằm mở rộng lượng khán giả tiếp cận các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, hiện đang chiếm khoảng 10 triệu trong tổng số 24 triệu lượt thuê bao truyền hình trả tiền tại châu Phi. Mặc dù các nhà phân tích trong ngành công nghiệp truyền hình tin rằng những con số này có khả năng bị thổi phồng, nhưng các đài truyền hình thực sự lo ngại rằng StarTimes đang dồn các công ty địa phương buộc phải ra khỏi một số thị trường truyền thông của châu Phi. Vào tháng 9, Hiệp hội Phát sóng Độc lập Ghana cảnh báo rằng “Nếu StarTimes được phép kiểm soát hạ tầng truyền tín hiệu kỹ thuật số và không gian vệ tinh của Ghana… Ghana về cơ bản sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát không gian và nội dung phát sóng”.

Đối với các nhà báo không phải người Trung Quốc tại châu Phi và những nơi khác, làm việc tại các hãng truyền thông quốc gia Trung Quốc đồng nghĩa với việc được hưởng những khoản thù lao đáng kể và các cơ hội mới. Khi CCTV mở trụ sở tại Washington vào năm 2012, ít nhất là 5 phóng viên đã và đang làm tại trụ sở của BBC tại Mỹ Latinh đã gia nhập hãng này. Một trong số đó, Daniel Schweimler, hiện nay đang làm việc tại al-Jazeera, nói rằng kinh nghiệm của anh ta tại đó là thú vị và hầu như không có rắc rối, dù vậy anh ta không nghĩ rằng nhiều người đã thực sự được nghe các câu chuyện của anh ta.

Nhưng với các nhà báo làm việc tại Tân hoa xã, cơ quan báo chí của nhà nước, số lượng khán giả tiếp cận được những câu chuyện của họ lại lớn hơn rất nhiều. Chính phủ hỗ trợ khoảng 40% chi phí của Tân hoa xã. Tờ báo này tạo ra doanh thu theo cách thức tương tự các cơ quan tin tức khác như hãng tin AP, bằng cách bán các câu chuyện cho các tờ báo trên toàn thế giới. Theo lời của một cựu nhân viên Tân hoa xã yêu cầu giấu tên để tự do bày tỏ quan điểm và tránh bị trả đũa, “Câu chuyện của chúng tôi không được 1 triệu người xem. Chúng được 100 triệu người xem”. Tân hoa xã được thành lập năm 1931, nhiều năm trước khi Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc. Với tư cách là cơ quan phát ngôn của đảng, các bài boa của Xinhua tràn ngập các biệt ngữ được sử dụng để tuyên truyền các định hướng mới và giải thích sự chuyển đổi chính sách của Đảng. Nhiều mục báo cũng được dành cho các bài phát biểu văn bia và các hoạt động hàng ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình, từ việc ông đang gặp Tổng thống Togo, kiểm tra các loại rau quá kích cỡ hay đang nói chuyện phiếm với các công nhân tại nhà máy sản xuất chuột đồ chơi.

Chi tiền cho những thông tin TQ trên các tờ báo nổi tiếng thế giới

Khó có thể lấy được các số liệu, nhưng theo một báo cáo, hàng năm tờ Daily Telegraph được trả 750.000 euro để chèn nội dung China Watch một tháng một lần. Thậm chí tờ Daily Mail còn có một thỏa thuận với cơ quan ngôn luận bằng tiếng Trung của chính phủ Trung Quốc, tờ Nhân dân nhật báo, trong đó đưa các bài báo giật gân kiểu Trung Quốc như câu chuyện về các cô phù dâu say khướt sau bữa tiệc, hay mẩu chuyện người mẹ trẻ bán đứa con của mình cho kẻ buôn người để mua mỹ phẩm. Những thỏa thuận chia sẻ nội dung như vậy là một lý do đằng sau các khoản chi tiêu khổng lồ của China Daily tại Mỹ; hãng này đã chi 20,8 triệu USD để giành ảnh hưởng tại Mỹ kể từ năm 2017; nếu không tính các chính phủ nước ngoài, đây là tổ chức chi khoản tiền lớn nhất tại Mỹ.

Mục đích của chiến lược “mượn tàu” có lẽ là nhằm tạo uy tín cho nội dung mà Trung Quốc muốn chuyển tải do khó biết được bao nhiêu độc giả thực sự quan tâm và sẽ mở các tin tức mang đậm tính tuyên truyền này. Theo Peter Mattis, “rõ ràng, một phần mục tiêu là nhằm mang lại tính chính danh. Nếu nội dung xuất hiện trên tờ Washington Post, nếu nội dung xuất hiện trên nhiều tờ báo khác trên thế giới, thì ở một khía cạnh nào đó, độ tin cậy của các quan điểm được chuyển tải sẽ tăng lên”.

Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích rằng Trung Quốc đang thúc đẩy “các thông điệp giả” nhằm gây khó dễ cho ông trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Ông đăng trên tweet rằng “Trung Quốc đang chèn các quảng cáo tuyên truyền vào tờ Des Moines Register và các tờ báo khác, làm các quảng cáo này trông giống như tin tức. Điều này là bởi chúng tôi đang đánh bại họ về thương mại và các thị trường mở, người nông dân sẽ hưởng lợi khi cuộc chiến này kết thúc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới