Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChủ trương, chính sách và hoạt động của Anh, Pháp, Nhật Bản,...

Chủ trương, chính sách và hoạt động của Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Canada về vấn đề Biển Đông trong năm 2019

Trong năm 2019, một số nước đồng minh của Mỹ tiếp tục phối hợp với Washington, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm ngăn chặn và thách thức các yêu sách “chủ quyền” thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Anh gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á -Thái Bình Dương Mark Field (3/1) cũng đã chia sẻ một số quan điểm của chính phủ Anh về Biển Đông cũng như quan hệ với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo ông Field cho biết chính phủ Anh muốn vùng biển này được đảm bảo hàng hải tự do và rộng mở. Ông nhắc lại việc Anh đã đưa tàu đi qua khu vực trong vài tháng qua, đồng thời khẳng định London muốn chứng kiến luật pháp quốc tế được tuân thủ. Về mối quan hệ với các nước ASEAN, ông Field cho biết Anh là đối tác đối thoại với ASEAN nên sẽ luôn muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ tối đa cũng như nỗ lực vì quan hệ toàn diện sâu rộng với các nước thành viên ASEAN. Ông Field cũng nhấn mạnh Anh luôn chú trọng mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm 2020, thời điểm Anh hoàn tất cả các thảo luận về việc rời EU. Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương trên toàn bộ các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, dược phẩm, y tế và đặc biệt là giáo dục.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (11/2) cho biết London sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực. Theo đó, ông Williamson nói rằng Anh là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong khu vực trên và họ phải thể hiện “quyền lực cứng” để bảo vệ quyền lợi của mình. Đáng chú ý, tờ Navy Recognition dẫn một số nguồn tin cho biết, nhiều khả năng Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và một số tàu khu trục Type 45 và tàu hộ vệ Type 26 thế hệ mới để tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong năm 2021.

Bất chấp cảnh bảo và đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ và Anh (18/2) tiếp tục điều tàu chiến tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi lại trong khu vực. Theo đó, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe trong khi Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu hộ vệ HMS Montrose tham gia cuộc tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Trung tá Conor O’Neill, chỉ huy tàu HMS Montrose, cho biết đây là đợt diễn tập quan trọng để giữ cho cả Hải quân Hoàng gia và Thủy quân lục chiến của Anh luôn trong tư thế sẵn sàng để thi hành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó. Đáng chú ý, trên trang Twitter chính thức, Hải quân Mỹ (21/2) thông báo cuộc tập trận với Hải quân Anh “được thiết kế nhằm chia sẻ và tăng cường các kỹ năng bảo đảm sự hiện diện an toàn trên Biển Đông”.

Tuyên bố chung của Anh, Đức và Pháp (29/8) bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước, vốn đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển, bao gồm cả ở Biển Đông, phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”. Ngoài ra, Pháp, Anh và Đức cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dựa trên các quy tắc, hợp tác hiệu quả, phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích các bước tiến để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc này.

Bộ Quốc phòng Anh (9/2019) được cho là đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay tối tân HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông trong năm 2021. Đây là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sau khi chính thức đi vào hoạt động trong năm 2020. Tàu dự kiến có tải trọng đến 65.000 tấn và sẽ được trang bị tiêm kích thế hệ mới F-35. Trong khi đó, Người phát ngôn Chính phủ Anh nhấn mạnh sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại Biển Đông là bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Nước Anh có lợi ích lâu dài tại khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực; nhấn mạnh Anh muốn hỗ trợ Mỹ và Australia thực thi quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.

Nhật Bản tăng cường phối hợp với các nước đối phó với Trung Quốc

Tại Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật Bản (2+2), Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an ninh mạng, không gian vũ trụ, đồng thời tuyên bố phản đối các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Tại Đối thoại, các bộ trưởng cũng phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông; cam kết tăng cường phối hợp, cả song phương lẫn đa phương, trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản phản đối các hoạt động quân sự hóa và gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các bên phải tôn trọng Công ước về Luật Biển.

Tại Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 (3/6) ở Hà Nội, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong cuộc gặp giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Tướng Koji Yamazaki và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Macairog S. Alberto (4/3), hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Không những vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và Biển Đông Ngoài ra, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (18/4) cho biết, từ ngày 30/4 – 10/7, Nhật Bản sẽ điều tàu khu trục hạm trực thăng JS Izumo và tàu khu trục đa dụng JS Murasame huấn luyện tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Biên đội tàu chiến Nhật dự kiến cập cảng, thăm một số quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Philippines và Brunei. Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) Hiroshi Yamamura cho biết, chuyến huấn luyện này sẽ giúp cải thiện trình độ chiến thuật của binh sĩ, cũng như tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước.

Đáng chú ý, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Canada đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập chung ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa hai lực lượng. Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã hoàn thành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông, với mục đích cải thiện khả năng tương tác và làm quen giữa hải quân hai nước. Theo đó, cuộc tập trận “KAEDEX” năm 2019 (13-15/6) là hoạt động trên biển song phương được Nhật Bản và Canada tiến hành từ năm 2017. Các lần lặp lại trước đây của cuộc tập trận đã diễn ra ở và ngoài vùng biển ngoài khơi Sasebo, Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này được tổ chức tại vùng trời và vùng biển ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”; khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, “nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”.

Trước đó, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho biết, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam là “hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán”; khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản luôn tôn trọng Luật pháp quốc tế trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông, do vậy, Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng UNCLOS. Ngoài ra, ông Katsuhito Asano cho rằng Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế. Việt Nam có đủ chứng cớ và năng lực để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã từng làm trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro (29/7) công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang là nguyên nhân đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương. Tháng 6/2019, tàu Liêu Ninh cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu đi qua khu vực biển Okinawa của Nhật Bản, tiến sâu vào Thái Bình Dương. Sách Trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Động thái này đáng lo ngại và tập trung sự chú ý của dư luận quốc tế. Với tình huống trên, Nhật Bản tập trung thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia…trong việc tăng cường năng lực của lực lượng hải quân trên biển, duy trì, phát triển tự do hàng hải dựa trên Luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải trên quan hệ song phương, đa phương.

Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng của Nhật Bản và các nước ASEAN (1/8), hai bên nhấn mạnh các bên cùng chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN; đề nghị các bên liên quan cần đảm bảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển trong khu vực; khẳng định Tokyo muốn cùng hiệp hội khu vực thúc đẩy một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên luật pháp.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (27/8) cho biết Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, nó liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực; khẳng định phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trong vùng biển này”. Ông Taro Kono cũng cho rằng “cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào; đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”; nhấn manh “chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (21/9) cho biết đã cử tàu khu trục Asagiri tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Malaysia nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tàu khu trục Asagiri (18/9) của Nhật Bản đã cập bến Kuantan, phía Đông Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia lần này, tàu khu trục Asagiri sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Hải quân Malaysia. Theo thuyền trưởng tàu Asagiri Yuichi Haeno, hoạt động chung với Hải quân Malaysia có ý nghĩa quan trọng, giúp đóng góp vào ổn định ở Biển Đông và khu vực lân cận; nhấn mạnh Nhật Bản kỳ vọng những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ tương tự trong tương lai.

Nhật Bản, Mỹ và Philippines (16/10) đã điều nhiều tàu chiến tập trận bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương ở vùng biển sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Australia chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (28/1) cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, ông Christopher Pyne cũng cho biết thêm, Australia sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Australia vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải, nhấn mạnh Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (12/6) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Ngoài ra, Australia được cho là đang thực hiện kế hoạch bí mật xây dựng một cảng nước sâu mới để tiếp nhận lính thủy đánh bộ Mỹ trên bờ biển phía Bắc, nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo thông tin trên, cảng nước sâu trên nằm ở khu vực Glyde Point, cách cảng hiện tại của thành phố Darwin – thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Bắc – khoảng 40km về phía Đông Bắc. Địa điểm này trước đây đã được chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia quy hoạch để phát triển cảng công nghiệp do biển ở đây tương đối sâu, song dự án này chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Giới chuyên gia cho biết cảng mới sẽ là địa điểm lý tưởng để phục vụ hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên qua khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam (22-24/8), Thủ tướng Australia Scott Morrison nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương trên 3 trụ cột: Kinh tế, an ninh quốc phòng, trí thức và đổi mới; đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hai bên kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay. 

Canada tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

Từ đầu năm 2019, ba tàu hải quân hoàng gia Canada gồm tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix (6/2) đã rời cảng Esquimalt ở tỉnh bang British Columbia để tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.Ba tàu sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie, Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương cho biết, trong đợt triển khai lần này, tàu Regina sẽ đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp bao gồm Biển Đông. Việc Canada điều tàu Regina tuần tra ở Biển Đông chứng tỏ sự quan tâm của Canada tại châu Á-Thái Bình Dương và nước này sẵn sàng ủng hộ các đồng minh, đối tác tại đây.

Đáng chú ý, tại Đối thoại ASEAN – Canada lần thứ 16 (25 – 26/3), Canada đã bày tỏ ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Tại cuộc họp, các thành viên ASEAN và Canada chia sẻ đánh giá tích cực về những tiến triển đạt được trong quan hệ ASEAN – Canada, nhất là việc thực hiện “Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN-Canada giai đoạn 2016-2020” và “Tuyên bố chung ASEAN – Canada về Thương mại và đầu tư”. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đồng đều trên cả 3 trụ cột, tập trung vào các lĩnh vực như chống khủng bố, bạo lực cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, quản lý biên giới, thương mại – đầu tư, kết nối, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục và cấp học bổng, giao lưu nhân dân, lao động di cư. Hai bên cũng nhất trí ủng hộ hệ thống thương mại đa phương quốc tế rộng mở, công bằng, dựa trên luật lệ; tiếp tục thảo luận về khả năng xây dựng FTA ASEAN-Canada. Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của Canada đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN, nhấn mạnh Canada là đối tác tin cậy, lâu đời của ASEAN, luôn coi trọng và mong muốn nâng cấp quan hệ với ASEAN; tiếp tục cam kết hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; tiếp tục bày tỏ mong muốn được tham gia sâu hơn vào các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, đặc biệt mong muốn sớm được tham gia vào Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+). Tuyên bố Canada ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh ủng hộ đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hoá, phản đối các hành động đơn phương gây căng thẳng tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và tích cực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Tàu hộ vệ HMCS Ottawa của Canada (10/9) đã di chuyển qua eo biển Đài Loan nhằm thực thi quyền tự do hàng hải và thể hiện cam kết ủng hộ Mỹ cũng như Đài Loan. Truyền thông Đài Loan cho biết, trong quá trình di chuyến từ cảng Pyeongtaek của Hàn Quốc đến Thái Lan, tàu hộ vệ HMCS Ottawa đã đi qua eo biển Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, trong quá trình di chuyển ở vùng biển này, tàu HMCS Ottawa đã kích hoạt hệ thống nhận dạng tự động nhằm đảm bảo không bị ngăn cản trong quá trình di chuyển.

Pháp thực hiện cam kết tăng cường tuần tra ở Biển Đông

Bất chấp cảnh báo và đe dọa từ Trung Quốc cũng như thách thức từ Philippines, Pháp tiếp tục đưa ra tuyên bố khẳng định sẽ cử tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngay sau khi Tổng thống Philippines Duterte đưa ra tuyên bố thách thức Mỹ, Anh, Pháp và một số nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne (28/6) tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Theo ông Jean-Baptiste Lemoyne, Pháp quyết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do hải quân của chúng tôi thường tuần tra ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này; đồng thời nhấn mạnh Pháp là một phần thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Paris có 7.000 binh sĩ ở khu vực này và đó là bằng chứng cho cam kết của Pháp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Trước đó, Pháp (6/4) đã điều tàu hộ vệ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự nhận định, việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực thi quyền tự do đi lại tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc.

Đáng chú ý, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 18, Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (1/6) đã công bố chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, đồng thời khẳng định Pháp sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông tối thiểu hai lần mỗi năm. Tại Đối thoại, Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp với 5 điểm nhấn: Thứ nhất, “bảo vệ quyền lợi về chủ quyền, của các công dân, bảo vệ lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế” của nước Pháp. Để hoàn thành những mục tiêu đó Paris đã huy động 7.000 lính đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của những người lính này rất rõ ràng: “chống khủng bố, các tổ chức tội phạm, và chống lại mọi hành vi thù nghịch nhắm vào chủ quyền quốc gia của nước Pháp”. Thứ hai, trong chiến lược an ninh được bộ trưởng Pháp, Florence Parly đề cập đến là “đóng góp duy trì ổn định khu vực qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh và quân sự. Ấn Độ và Australia là hai đối tác then chốt” của Pháp. Thứ ba, cùng với các đối tác trong vùng, bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Pháp sẽ “tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu mỗi năm hai lần”. Bà Parly cũng tuyên bố không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và lên án chủ trương “sự đã rồi” của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng bộ trưởng Quân Lực Florence Parly bồi thêm “Pháp không để bất cứ một quốc gia nào uy hiếp”. Bà gián tiếp nhắc đến sự cố hồi tháng 4/2019 khi Trung Quốc đã uy hiếp chiến hạm Vendémiaire của Pháp đi ngang qua eo biển Đài Loan. Thứ tư, liên quan hạt nhân Bắc Triều Tiên, Pháp “ủng hộ những nỗ lực ngoại giao” để đạt được đến mục đích “giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách không thể đảo ngược” và những cam kết trên hồ sơ này sẽ phải được tôn trọng. Thứ năm, bà Florence Parly cho rằng, phòng chống thiên tai, giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây nên trong vùng châu Á Thái Bình Dương cũng là một ưu tiên của Pháp.

Pháp (6/4) đã điều tàu hộ vệ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự nhận định, việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực thi quyền tự do đi lại tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc.

Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne (28/6) tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Theo ông Jean-Baptiste Lemoyne, Pháp quyết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do hải quân của chúng tôi thường tuần tra ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này; đồng thời nhấn mạnh Pháp là một phần thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Paris có 7.000 binh sĩ ở khu vực này và đó là bằng chứng cho cam kết của Pháp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này.

Tư lệnh Hải quân Pháp Barshe Prazuck (10/10) cho biết, trong thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo thông tin trên, Chính phủ Pháp mới đây khẳng định, nước này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo an toàn hàng hải tại các vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong thời gian tới quân đội nước này sẽ phối hợp cùng đối tác  tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực này.Tư lệnh Hải quân Pháp Barshe Prazuck cho biết, trong thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự, trong đó có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân Charles De Gaulle.Ngoài ra, hải quân hai nước thống nhất sẽ trao đổi để không tuần tra trên cùng một vùng biển, thực hiện các nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay, tập trận chống ngầm và đổ bộ, trao đổi binh sĩ trên các tàu ngầm của hai nước. Trong năm 2020, hải quân Pháp sẽ cùng hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài khơi New Caledonia. Đô đốc Prazuck khẳng định, Pháp quan ngại mỗi khi luật biển bị đe dọa. Mỗi quốc gia có chương trình nghị sự và mục tiêu riêng, nhưng điều quan trọng là cùng chia sẻ thông điệp cần bảo vệ luật biển. Việc Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực Biển Đông thời gian gần đây là nhằm khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải tại các vùng biển mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới