Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động ngư nghiệp ở Biển Đông năm 2019: Diễn biến phức...

Hoạt động ngư nghiệp ở Biển Đông năm 2019: Diễn biến phức tạp, chưa có cơ chế quản lý thống nhất

Trong năm 2019, hoạt động khai thác, đánh bắt cá của ngư dân các nước ven Biển Đông tiếp tục được thúc đẩy. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước khác vẫn còn phức tạp, một số nước tiếp tục thực thi chính sách cứng rắn khi xử lý tàu cá vi phạm. Đặc biệt, việc Trung Quốc ngang ngược ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trái phép, sử dụng lực lượng chấp pháp, dân quân biển đâm chìm tàu cá Việt Nam gây ảnh hưởng đến hoạt động ngư nghiệp hợp pháp của Việt Nam, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân các nước.

Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh cá trái phép, tấn công tàu cá các nước

Trong năm 2019, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông kéo dài ba tháng rưỡi (1/5 -15/8) trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Trung Quốc ngang nhiên áp dụng lệnh cấm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm. Hành động phi pháp của Trung Quốc đã bị Việt Nam, Philippines và nhiều nước lên án, chỉ trích.

Không chỉ cấm đánh bắt cá, Trung Quốc còn sử dụng lực lượng chấp pháp, dân quân biển… cố tình tấn công, đâm chìm tàu cá các nước, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam, xua đuổi không cho ngư dân vào tránh bão, bỏ mặc ngư dân bị nạn trên biển mà không có hành động cứu trợ. Trong đó có một số vụ việc điển hình, gây bức xúc, căm phẫn trong dư luận các nước: (1) Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Việc Trung Quốc cho tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là đi vi phạm luật pháp và đi ngược lại đạo lý làm người. Các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi thuộc về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1974 – điều mà luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc không cho phép và thừa nhận. Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là không thể chấp nhận được. Hành động này của Bắc Kinh rất phù hợp với câu nói “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (7/3) xuyên tạc rằng tàu Ngư chính của Trung Quốc liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc và “cứu” các ngư dân trong buổi chiều, cho rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm. Trước đó, ông Lục Khảng (3/1/2019) ngang nhiên cho rằng việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va tàu của ngư dân Việt Nam hoạt động đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là “hành động chấp pháp bình thường”. Theo đó, phía Trung Quốc xuyên tạc rằng: “Căn cứ tình hình mà chúng tôi nắm được, tàu công vụ Trung Quốc luôn chỉ tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển mà Trung Quốc quản hạt. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Mà theo tôi tìm hiểu thì những việc mà bạn hỏi chỉ là tình hình cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là rất bình thường”. (2) Trung Quốc (9/6) cho tàu cá giả dạng đâm chìm tàu Gem-Ver 1 của Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân trôi dạt trên biển, sau đó được ngư dân Việt Nam cứu. Sau vụ việc, phía Trung Quốc tìm mọi cách để biện minh, bao che cho hành vi mất nhân tính của mình. Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6. Tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”; đồng thời khẳng định “thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”. (3) Tàu cá QNa-91441 của ngư dân Quảng Nam (2/6) bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 chặn cướp tài sản khi đánh bắt cá trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo thông tin trên, tàu cá của ngư dân Quảng Nam có số hiệu QNa-91441 khai báo rằng tàu bị “tàu Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, yêu cầu mở hầm tàu và đưa hết mực khô bên trong rồi vận chuyển sang ca nô chở về tàu 46305”. Vụ cướp được ghi nhận xảy ra tại vị trí 15042’ Bắc, 111034’ Đông, thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thuyền trưởng tàu QNa-91441 cho biết, “trong khi khống chế và lấy mực, có người trên tàu Trung Quốc nói tiếng Việt với các ngư dân rằng đây thuộc vùng biển Trung Quốc nên cấm khai thác. Ngoài ra người này còn dọa sẽ cắt hết lưới và lấy hết dụng cụ hành nghề nếu phát hiện ngư dân Việt Nam lần sau”. (4) Mới đây, khi tàu cá Việt Nam gặp nạn trên Biển Đông, tàu Trung Quốc đã từ chối cứu giúp ngư dân gặp nạn. Theo thông tin do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Cục cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng cho biết, biết tàu cá của tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa 90569 TS với 12 lao động đã bị gãy trục láp hôm 25/9 và phải thả trôi trên biển. Các ngư dân trên tàu cá QNa 90569 TS của ông Huỳnh Văn Sửu phát tín hiệu cầu cứu sau khi gặp nạn ở khu vực đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của tàu cá QNa 90569 TS, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ giúp đỡ các ngư dân trên. Trung Quốc (29/9) đã cử 1 tàu đến khu vực nêu trên để cứu nạn tàu cá của Quảng Nam. Tuy nhiên khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn của Trung Quốc “xác định sự cố tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn.” Do đó, phía Trung Quốc “giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu” cho phía Việt Nam và cho biết “để được thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận”.

Trước các hành động phi pháp, không có tính nhân văn của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Philippines (13/9) đã chỉ trích Trung Quốc đang tận dụng các tàu cá để kín đáo thực hiện động thái giám sát, tìm kiếm và cứu hộ cũng như hỗ trợ cho hoạt động của các lực lượng hành pháp nước này; nhấn mạnh có khả năng cao là Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai những tàu này trong chiến lược tác chiến bất đối xứng để kiểm soát và phong tỏa biển, ví dụ như chiến thuật áp đảo số lượng và đâm vào tàu của các quốc gia tranh chấp chủ quyền khác tại Biển Đông. Trung Quốc dường như muốn tạo nên lợi thế trong khu vực hàng hải nhưng không gây nên căng thẳng trong khu vực. Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng các tàu cá Trung Quốc thực chất là “dân quân trên biển”, thường xuyên hỗ trợ cho hoạt động của tàu hải cảnh cũng như hải quân. Theo Bộ Quốc phòng Philippines, trong 6 tháng đầu năm 2019, nhà chức trách Philippines đã phát hiện 322 tàu loại này. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines ghi nhận ít nhất 300 lần tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng nước quanh đảo Thị Tứ.

Indonesia mở vùng đánh cá mới, tăng cường xử lý tàu cá vi phạm

Indonesia có kế hoạch mở một vùng đánh bắt cá mới ở vùng biển Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở rìa phía Nam của Biển Đông. Khu vực này từng bị Trung Quốc (2016) tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Luhut Pandjaitan, Indonesia hiện duy trì một tàu hải quân và một tàu cung cấp dầu trong vùng biển Natuna để bảo vệ, cũng như cung cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển này. Thời gian tới, Indonesia sẽ triển khai thêm một chợ cá, trung tâm trữ lạnh và xứ lý thủy sản cùng nhiều cơ sở khác sẽ được xây tại quần đảo Natuna trong quý 3 năm nay. Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia quyết tâm mở khu vực đánh bắt cá ở Natuna là nhằm ngăn chặn “nước khác” tuyên bố khu vực này là ngư trường truyền thống của họ, một lời ám chỉ tới tuyên bố của Trung Quốc.

Không những vậy, Indonesia tăng cường lực lượng chấp pháp bắt giữ, xử lý tàu cá các nước đánh bắt cá trong vùng biển của Indonesia. Indonesia (4/5/2019) đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 thuyền treo cờ Việt Nam, 6 thuyền Malaysia, 2 thuyền Trung Quốc và 1 thuyền Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.

Malaysia bắt đầu cứng rắn với tàu cá các nước

Trong vấn đề kiểm soát, ngăn chặn tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trong vùng biển của Malaysia, phía Malaysia đã đưa ra một số quy định mới của Chính phủ về việc xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Malaysia. Nội dung cụ thể như sau: Theo luật pháp của Malaysia, mọi hành vi xâm phạm trái phép vùng biển đều bị bắt giữ, đưa ra tòa, xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Đối với các trường hợp đánh cá trộm thì cách xử lý như sau: Cảnh sát biển Hoàng gia Malaysia sẽ đưa tàu đến bắt giữ và đưa đến cảng gần nhất. Sau khi hoàn thiện hồ sơ ban đầu, số ngư dân, ngư cụ sẽ được giao cho cơ quan Thủy sản, sau đó đưa ra tòa xét xử. Hình thức xử phạt đối với ngư dân vi phạm lãnh hải gồm 11 mức: Mức 01 áp dụng cho tài công: nộp phạt đến 100.000 ringgit, tương đương 26.316 USD (Tỷ giá 01 USD = 3,8 ringgit), nếu không có tiền nộp phạt thì bị 06 tháng tù giam trở lên; Từ mức 02 đến mức 07 áp dụng cho ngư dân: ngư dân nào nằm trong khung này thì phải nộp phạt đến 50.000 ringgit, tương đương 13.158 USD, nếu không có tiền nộp, thì chịu 02 tháng tù giam trở lên; Các mức phạt từ 08 đến 11 áp dụng cho người dưới 18 tuổi: ngư dân nào thuộc đối tượng này sẽ chuyển cho Cục Nhập cư để giải quyết cho về sớm; Tịch thu toàn bộ ngư cụ.

Malaysia (4/2019) cũng đã thành lập một tổ chức đặc nhiệm nhằm đối phó với nạn khai thác thủy sản lậu của các tàu nước ngoài. Đội đặc nhiệm bao gồm lực lượng của các cơ quan khác nhau từ hải quân, cảnh sát biển hoạt động theo dõi giám sát cả trên mặt nước lẫn từ trên cao của lực lượng không quân.

Đáng chú ý, từ ngày 2-16/5, lực lượng Cảnh sát biển Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency – MMEA) đã bắt giữ 25 tàu cá và 123 ngư dân Việt Nam với cáo buộc “khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền của Malaysia”. Trong khi đó, Chính phủ Malaysia (8/5) đã bất chấp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nươc, đưa ra cảnh cáo sẽ “đối xử thẳng tay” với ngư dân Việt Nam bị cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia trên Biển Đông.

Việt Nam đang thực thi nhiều chính sách hữu hiệu bảo vệ ngư dân

Trước việc tàu Trung Quốc hành động ngang ngược, cướp bóc trắng trợn tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá trong vùng biển của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: Những hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiếp tục làm phức tạp tình hình trên Biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất. Theo Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, đây là một trong những hành động nguy hiểm, có dụng ý của phía Trung Quốc nhằm đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thể hiện tinh thần thiếu thiện chí, lời nói không đi đôi với việc làm của phía Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam.

Để phục vụ kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar (được triển khai từ năm 2012). Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ, lắp đặt lại 2.048 thiết bị Movimar, trong đó có 1.622 thiết bị lắp cho tàu cá từ 24m trở lên và 426 thiết bị lắp cho tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m làm nghề câu cá ngừ và tàu lưới kéo.

Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều quy định, biện pháp cụ thể để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, tổ chức buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Bộ Quốc phòng để thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá.

Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; tổ chức, cá nhân sử dụng biển số giả, sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để răn đe.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai hạ tầng thông tin phục vụ giám sát tàu cá, Dự án Thông tin nghề cá giai đoạn II; phối hợp trong việc lựa chọn, đánh giá các đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Tiếp tục giao và chỉ đạo Tập đoàn viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) triển khai thí điểm hệ thống VNPT-VSS.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất và nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định, tập trung theo dõi những tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn và kiên quyết xử lý nghiêm các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản. Tăng cường công tác điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối đưa tàu cá đi khai thác vùng biển nước ngoài, môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép, đưa ra khởi tố hình sự những vụ điển hình đối với các tổ chức cá nhân vi phạm. Hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký, báo cáo khai thác hải sản, đồng thời xử lý các trường hợp không ghi nhật ký hoặc ghi sơ sài, không đúng quy định.

RELATED ARTICLES

Tin mới