Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnHội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ: Vấn đề Mỹ-Trung, Hồng Kông và...

Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ: Vấn đề Mỹ-Trung, Hồng Kông và nguy cơ kinh tế

Trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có hồi kết, toàn cầu đang chú ý đến phong trào chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phó Tổng thống Mỹ mới đây có bài phát biểu nhắm vào ĐCSTQ, làn sóng chống ĐCSTQ cũng đang cuộn trào mãnh liệt. Ngày 24/10, ĐCSTQ đã quyết định triệu tập Hội nghị toàn thể Trung ương 4 Ban chấp hành ĐCSTQ khóa 19 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 4) từ ngày 28-31/10.

Trước Hội nghị Trung ương 4, ngày 13/10, trong chuyến thăm Nepal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy tính gây hấn, hăm dọa sẵn sàng cho ai đó “thịt nát xương tan”. Duyệt binh ngày 1/10 của ĐCSTQ vừa mới kết thúc, phát biểu “họa từ trong nội bộ” của  ông Tập Cận Bình cũng được truyền thông của ĐCSTQ công khai.

Chính quyền của ông Tập Cận Bình đang đối mặt với khó khăn cả đối nội lẫn đối ngoại, trên quốc tế đang đối mặt với “đại địch trước mắt”, bị Mỹ vây kích; trong khi đó “họa từ trong nội bộ” chính là khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, thế lực chống Tập cũng đang không ngừng phá rối cục diện.

Gần đây, thông tin về việc thay đổi Trưởng Đặc khu Hồng Kông và chủ quản Văn phòng liên lạc Trung ương, cho đến biến động về ứng cử viên vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng lan truyền khắp nơi, thậm chí có tin đồn nói, đường phố Bắc Kinh xuất hiện xe tăng.

Những điều này đều đang cho thấy Hội nghị Trung ương 4 sẽ là tiêu điểm quan trọng của xu hướng chính trị Trung Nam Hải.

5 ngày có 25 quan chức “ngã ngựa”

8:00 sáng ngày 24/10, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo, nguyên Bí thư Đảng bộ, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc (China Huadian Corporation) Mã Công Dân liên quan đến vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, hiện đang được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thẩm tra và giám sát điều tra.

Ngày 25/10, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Tần Quang Vinh bị bắt vì liên quan đến tội “nhận hối lộ”.

Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đăng bài viết “Bắt giữ Tần Quang Vinh, Tập Cận Bình đang chấn nhiếp đối phương”, bài viết nhận định, kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ làm đến nỗi thần hồn nát thần tính, Hội nghị Trung ương 4 liên tiếp trì hoãn, từ tình huống mà truyền thông ngoài Trung Quốc và không ít nhân sĩ tìm hiểu được cho thấy, ông Tập Cận Bình xác thực đang gặp phiền phức trong nội bộ đảng.

Bài viết cho hay, Tần Quang Vinh bị bắt, tội danh chủ yếu là “hát lạc điệu” với Trung ương Đảng. Tần Quang Vinh không được coi là quan chức cấp cao trong số các quan chức cấp cao, việc bắt giữ này cho thấy ông Tập Cận Bình đang đánh động những quan chức cấp cao đang nghi ngờ năng lực lãnh đạo của ông, cũng chính là đòn ra oai phủ đầu đối với những quan chức cấp cao “phát biểu những ngôn luận trái với tinh thần của Trung ương”. Đây là nguyên nhân vì sao từ năm ngoái đến nay, chính quyền ông Tập Cận Bình liên tiếp tấn công vào những “kẻ hai mặt”.

Ngoài ra, từ ngày 21 – 25/10, trong 5 ngày có 25 quan chức bị điều tra xử lý. Ví dụ như nguyên Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạng lưới điện miền Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid) Lý Khánh Khuê bị xử lý lưu lại đảng xem xét trong 2 năm; nguyên Vụ trưởng Vụ trang bị công nghiệp Bộ Công nghiệp và Thông tin hóa Lý Đông bị “song khai” (khai trừ đảng tịch và công chức).

 

Miễn nhiệm 5 quan chức cấp cao thuộc Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao

Chiều ngày 26/10, Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban Thường vụ Nhân đại bế mạc, danh sách quan chức bị miễn nhiệm cũng được thông báo. Trong đó phải kể đến, miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tọa Tòa án sơ thẩm và Thẩm phán thuộc Tòa án tối cao đối với Trương Dũng Kiện; miễn nhiệm chức vụ thẩm phán thuộc Tòa án tối cao đối với Hồ Vân Đằng và Tào Thủ Diệp; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Kiểm sát, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát tối cao đối với Doãn Y Quân; miễn nhiệm chức vụ Kiểm sát viên Viện Kiểm sát tối cao đối với Thúc Thuần Kiếm.

Quân đội: Một Trung tướng, một Thiếu tướng xảy ra chuyện

Ngày 25/10, trong vòng 1 ngày, Nội Mông Cổ, Ninh Hạ, Hà Nam đột nhiên đồng thời thay đổi tướng soái, kéo sớm bức màn bố cục nhân sự tại Hội nghị Trung ương 4.

Bí Thư Đảng ủy Ninh Hạ Thạch Thái Phong (63 tuổi) điều chuyển nhậm chức Bí thư Đảng ủy Nội Mông Cổ thay Lý Kỷ Hằng, còn Lý Kỷ Hằng (62 tuổi) sẽ có bổ nhiệm khác. Tỉnh trưởng Hà Nam Trần Nhuận Nhi điều chuyển làm Bí thư Đảng ủy Ninh Hạ. Đây là đợt luân chuyển Bí thư Đảng ủy cấp tỉnh đầu tiên trong năm 2019.

Ngày 26/10, Ủy ban Thường ủy Nhân đại toàn quốc khóa 13 đã công bố thông báo thẩm tra tư cách đại biểu, thông báo chấm dứt tư cách đại biểu Nhân đại toàn quốc đối với Diệp Giang, Từ Quang, Trần Cát Minh, Lôi Diễm, Nhiêu Khai Huân, Từ Hướng Hoa.

Trong đó Nhiêu Khai Huân là Phó tư lệnh viên kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội chi viện chiến lược thuộc Giải phóng quân, do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật nên đã từ chức ngày 31/7/2019.

Từ Hướng Hoa là nguyên Phó Tư lệnh viên Lục quân Chiến khu Tây bộ, do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật nên đã từ chức ngày 26/8/2019.

Tin đồn khắp nơi, kinh tế trở thành vấn đề lớn

Hội nghị Trung ương 4 lần này cách Hội nghị Trung ương 3 trước đó đến 20 tháng, Hội nghị Trung ương 2 chỉ thông qua sửa đổi Hiến pháp và hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, không xác định việc bố trí nhân sự, do đó Hội nghị Trung ương 3 buộc phải tổ chức sớm 1 năm, và cách Hội nghị Trung ương 2 chỉ 1 tháng. Giới quan sát cho rằng Hội nghị Trung ương 4 trì hoãn 1 năm mới khai mạc, thực tế là Hội nghị Trung ương 3 đã tổ chức sớm 1 năm.

Có học giả cho biết, mặc dù trong thông báo của chính quyền không nhắc đến vấn đề kinh tế, nhưng dự tính Hội nghị Trung ương 4 lần này, ngoài vấn đề chính trị như xây dựng đảng, còn bổ sung thêm quyết định kinh tế của Hội nghị Trung ương 3. Nhất là tháng sau, sau khi đàm phán thương mại Mỹ – Trung đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc làm thế nào để chiểu theo thỏa thuận mà tiến hành cải cách kinh tế, dù chỉ là cải cách mở cửa trên danh nghĩa, Trung ương vẫn cần phải đưa ra chính sách tương ứng, cộng thêm làm thế nào để giải quyết nguy cơ về kết cấu của nền kinh tế cố hữu của Trung Quốc, những chủ đề này sẽ là điều khiến cho Trung Nam Hải đau đầu.

Trước Hội nghị Trung ương 4, các phe phái trong ĐCSTQ đều đang tung tin đồn, có người nói lần này ông Tập Cận Bình phá vỡ quy tắc ngầm, khai đao đối với đương nhiệm Thường ủy Bộ Chính trị, ví dụ như Triệu Lạc Tế, Hàn Chính. Cũng có tin nói, lần này sẽ bổ sung thêm 2 Thường ủy mới (Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ và Phó Chủ tịch nước Hồ Xuân Hoa), Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ tăng từ 7 người lên 9 người, người mới thêm vào là Trần Mẫn Nhĩ còn có thể trở thành người kế nhiệm ông Tập Cận Bình, v.v.

Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn bên ngoài thấy giả tượng ĐCSTQ đoàn kết nhất trí, nên sẽ không để cho Triệu Lạc Tế, Hàn Chính hạ đài một cách rõ ràng, chỉ là gõ gậy cảnh cáo họ, còn Trần Mẫn Nhĩ cũng không có khả năng trở thành người kế nhiệm ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình vì để trở thành người “nắm quyền 20 năm” đúng là đã phá vỡ thông lệ của ĐCSTQ, đã đặc biệt mở Hội nghị Trung ương 2 để thảo luận về vấn đề này, do đó làm sao có thể để  để cho người khác thay thế ông được?

 

Xu hướng chống lại ĐCSTQ

Mặc dù ĐCSTQ đưa ra số liệu tăng trưởng GDP chính thức là 6%, nhưng Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc Hướng Tùng Tộ đã công khai chỉ ra, số liệu này là không chính xác.

Tổng thống Mỹ Trump cũng công khai chỉ ra, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện tăng trưởng âm, và ĐCSTQ cũng không dám lên tiếng tranh biện lại.

Tối ngày 24/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc. Theo Quách Văn Quý, một doanh nhân đang sống lưu vong tại Mỹ tiết lộ, ĐCSTQ vì muốn ngăn chặn những phát biểu công kích mạnh mẽ của ông Pence, đã đặc biệt lên tiếng hồi đáp trước rằng sẽ đồng ý 5 yêu cầu mà người dân Hồng Kông đề xuất. Tuy nhiên, mặc dù phát biểu của ông Pence khá ôn hòa, nhưng người hiểu chính trị có thể nghe ra lời thuyết minh của ông.

Ví dụ ông Pence nói đến chi phí quân sự của Mỹ trong 4 năm qua đã đạt con số kỷ lục 2,5 nghìn tỷ USD, ý của ông là Mỹ có đủ thực lực quân sự để đối phó với ai thách thức. Ông còn nói, vấn đề Hồng Kông cần phải giải quyết hòa bình, nếu không sẽ bất lợi cho thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung.

ĐCSTQ khai mạc Hội nghị Trung ương 4 trong lúc đang gặp khó khăn cả trong lẫn ngoài này, các loại mâu thuẫn đột nhiên xuất hiện, đã khiến cho giới quan sát chú ý sát sao xem xem sẽ có chuyện gì xảy ra.

Trước Hội nghị Trung ương 4 có thể lực muốn tạo hỗn loạn

Vấn đề Hồng Kông sẽ là một trong những trọng điểm của của Hội nghị Trung ương 4. Ngày 27/10, cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành trấn áp điên cuồng người biểu tình ở Cửu Long, thậm chí còn chạy vào trong nhóm đông người thách thức, sau đó tại khu vực Tiêm Sa Chủy lại tiếp tục bắn đạn hơi cay, còn điều động cả xe phun vòi rồng đến hiện trường.

Phân tích cho rằng, có thể là có thế lực muốn kích thích cục diện tại Hồng Kông, mục đích là tạo tình hình rối loạn trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 4.

Cuộc mít tinh phản đối cảnh sát sử dụng bạo lực vốn được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều ngày 27/10 tại Công viên Salisbury ở Tiêm Sa Chủy, cuộc mít tinh này đã xin phép cảnh sát, hiện trường không có quá nhiều người, và rất hòa bình.

Tuy nhiên lúc 2 giờ chiều, Cảnh sát trưởng Đào Huy (Rupert Dover), đột nhiên dẫn nhiều cảnh sát chống bạo động đến đứng chốt ở nhiều khu vực khởi hành cuộc diễu hành. Đào Huy cùng cấp dưới đi quanh một vòng, thị sát toàn bộ hiện trường buổi mít tinh và bị người kháng nghị truy hô “hắc cảnh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới