Hãng tin AFP (17/10) cho biết, Công ty China Sam của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để thuê toàn bộ hòn đảo Tulagi ở Quần đảo Solomon. Đây được coi là một bước mới của Trung Quốc trong việc nắm quyền kiểm soát khu vực Thái Bình Dương.
Theo thông tin trên, Công ty China Sam của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận để thuê toàn bộ hòn đảo Tulagi ở Quần đảo Solomon một ngày sau khi Bắc Kinh coi quốc gia Thái Bình Dương này là đồng minh mới nhất trong khu vực quan trọng chiến lược này. Tài liệu rò rỉ cho thấy, tỉnh miền Trung của Solomons (22/9) đã ký “thỏa thuận hợp tác chiến lược” với Công ty China Sam về đảo Tulagi, nơi có cảng biển nước sâu có thể phục vụ mục đích quân sự. Thỏa thuận này nêu rõ: “Bên A sẵn sàng cho bên B thuê toàn bộ đảo Tulagi và các đảo xung quanh để phát triển đặc khu kinh tế”. Thỏa thuận cũng nói rằng đặc khu kinh tế này bao trùm “bất kỳ lĩnh vực công nghiệp nào phù hợp cho phát triển, bao gồm phát triển dầu khí”. Thỏa thuận cho phép China Sam thuê hòn đảo trong 75 năm và có thể gia hạn. Thỏa thuận còn cho phép thiết lập một cơ sở về nghề cá, một trung tâm điều hành và “xây dựng hoặc nâng cấp sân bay”.
Tulagi, hòn đảo chỉ rộng khoảng 2km và có dân số 1.200 người, là nơi Nhật Bản từng mở một căn cứ hải quân và cũng là một trong những chiến trường ác liệt trong Thế chiến 2.
Trước thông tin về thỏa thuận này, nhiều người dân địa phương đã bày tỏ sự tức giận. Một số quan chức Mỹ và Solomon nói rằng, nhiều doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc từ lâu đã tiếp cận các chính trị gia địa phương bằng những khoản tiền hối lộ và quà tặng xa xỉ như những chuyến đi nghỉ dưỡng đến Trung Quốc và Singapore. Ở đất nước nghèo khó với chỉ khoảng 600.000 dân và quốc hội với 50 thành viên, họ không dành nhiều thời gian để tranh luận. Giới chuyên gia nhận định, một căn cứ quân sự ở đảo Tulagi sẽ có tầm quan trọng về biểu tượng và chiến lược. Mỹ và các đồng minh khu vực, đặc biệt là Australia, lo sợ rằng mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là lập một căn cứ hải quân ở Thái Bình Dương để gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực này. Bước đi đó sẽ làm mất ưu thế của Australia và New Zealand khi nằm ở vị trí xa Trung Quốc và có một vùng đệm quốc phòng đáng giá.
Trước sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Australia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (17/10) khi được hỏi về thông tin trên, đã cho rằng “không nắm được không tin” và “Chính phủ Trung Quốc nhất quán khích lệ các doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc thị trường và nguyên tắc quốc tế; triển khai hợp tác thương mại với nước ngoài dựa trên các nguyên tắc luật pháp cơ bản của nước sở tại”.
Trước đó, sau khi truyền thông Philippines loan tin các nhà đầu tư Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển 3 hòn đảo chiến lược ở miền bắc Philippines thành các đặc khu kinh tế và du lịch. Kế hoạch trên là một phần trong khoản đầu tư trị giá gần 12,2 tỉ USD (khoảng 283.000 tỉ đồng) do Trung Quốc cam kết trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 4/2019. Trong đó có kế hoạch xây dựng “thành phố thông minh” trị giá 2 tỉ USD tại đảo Fuga do một tập đoàn Trung Quốc đề xuất. Theo cơ quan Quản lý đặc khu kinh tế Cagayan (Ceza), công ty này dự định sẽ xây dựng một trung tâm gây giống nông nghiệp, trường y và một khu công nghiệp cao trên đảo Fuga. Được biết, Cagayan hiện đã trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư Trung Quốc. Bên cạnh dự án Fuga trị giá 2 tỷ USD, Ceza cũng ghi nhận các dự án với nguồn vốn đăng ký lên tới 1,9 tỷ USD nằm ở nhiều khu vực khác nhau ở tỉnh Cagayan, khu vực chiến lược ở cực đông bắc Philippines.
Quân đội Philippines (6/8) lên tiếng cảnh báo Chính phủ về việc cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc phát triển 3 hòn đảo nhỏ nhưng chiến lược có thể “làm tổn hại” đến an ninh của Manila. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Philippines, Thiếu tướng Edgard Arevalo (6/8) đề nghị Chính phủ Philippines nên nghiên cứu kỹ lưỡng ý nghĩa an ninh của việc cho các thực thể nước ngoài đầu tư vào các hòn đảo này. Ông Edgard Arevalo cho biết, “không có nghi ngờ gì về việc các hòn đảo này có ảnh hưởng đến an ninh chiến lược của chúng ta nếu chúng rơi vào tay người khác. Chúng có một tầm quan trọng chiến lược đối với nền quốc phòng của chúng ta. Dù xác định nền kinh tế của chúng ta đang cần những động lực, nhưng vẫn nên lưu ý rằng yếu tố an ninh có thể bị tổn hại nếu chúng ta không nghiên cứu đầy đủ tác động của việc cho người nước ngoài thuê những hòn đảo này”. Ngoài vấn đề liên quan đến các hòn đảo, ông Arevalo cho biết quân đội đã được báo động về tình trạng gia tăng số lượng lao động Trung Quốc tại Philippines, trong đó có cả “những báo cáo về việc khách du lịch Trung Quốc chụp hình các căn cứ hải quân” của nước này. Trong khi đó, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết ông Duterte đã nhận thức về việc có những đề nghị đầu tư vào các đảo Grande và đảo Chiquita nằm tại cửa của căn cứ hải quân cũ của Mỹ trước đây trên vịnh Subic, cũng như đảo Fuga nằm ở cực Bắc nước này; đồng thời nhấn mạnh rằng việc đầu tư tại các hòn đảo hiện mới chỉ là “kế hoạch”, hơn nữa, “việc xem xét những nguy cơ về an ninh trong mọi vấn đề” là chức trách của các cơ quan quân sự và quốc phòng.
Theo giới chức Philippines, các đảo Fuga ở tỉnh Cagayan, Grande và Chiquita ở vịnh Subic thuộc tỉnh Zambales đều đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia. Đảo Fuga có diện tích 10.000 ha, nằm trong nhóm đảo Babyyan, nhóm đảo cực Đông Bắc lớn thứ 2 Philippines. Vị trí của Fuga giúp tiếp cận dễ dàng Thái Bình Dương và Biển Đông. Trong khi đó, vịnh Subic chỉ cách bãi cạn tranh chấp Scarborough chỉ khoảng 260 km. Tuy nhiên, một quan chức quân sự cấp cao của Philippines bày tỏ lo ngại mục đích cuối cùng của Trung Quốc là sẽ sử dụng đảo Fuga để hỗ trợ các mục tiêu địa chính trị của mình ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Trong khi đó, đối với lực lượng hải quân Philippines, Fuga cùng các quần đảo thuộc nhóm đảo Batanes được xác định mang tính “chiến lược” bởi “khả năng có thể kiểm soát tuyến đường tới eo biển Luzon”. Không những vậy, đảo Fuga còn mang yếu tố quan trọng có một không hai đối với lực lượng hải quân khi trên đảo có một sân bay tư nhân và một tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển nối khu vực này với đất liền. Ở khu vực Tây Bắc Philippines, công ty GFTG Property của Trung Quốc và Sanya CEDF cũng đã kí kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án trị giá 298 triệu USD trên các đảo Grande và Chiquita thuộc vịnh Subic. Vịnh Subic, trước đây là một căn cứ quân sự Mỹ cho đến khi bị đóng cửa vào năm 1992, nằm cách bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát 260km. Đảo Grande nằm ở cửa vịnh Subic, và là căn cứ phòng thủ của hải quân Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi ở phía tây Philippin, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự nhằm kiểm soát khu vực Biển Đông, vùng biển chiến lược quan trọng của khu vực. Trong thời gian qua, những hoạt động đầu tư cũng như sáng kiến Vành đai và Con đường của chính quyền Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại trên toàn cầu về việc những dự án về thương mại ban đầu sẽ mở đường cho sự hiện diện về quân sự sau này. Một quan chức quân sự cấp cao Philippin nhận định có khả năng đảo Fuga sẽ được Trung Quốc sử dụng để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của nước này ở khu vực Thái Bình Dương thông qua các dự án đầu tư. Sự hiện diện của Trugn Quốc ở trên đảo này sẽ tạo lợi thế lớn về con đường tiếp cận biển Thái Bình Dương và biển Đông, đồng thời có thể kéo Philippines vào một cuộc xung đột Trung Quốc – Đài Loan nếu xảy ra trong tương lai, vị quan chức này nói.