Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump trong năm 2019, Mỹ có cách tiếp cận quyết liệt hơn, tập trung vào khía cạnh quân sự, phô trương lực lượng ở Biển Đông và khu vực Châu Á, đồng thời tích cực thúc giục các đồng minh, đối tác trong, ngoài khu vực tham gia vào vấn đề an ninh hàng hải nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Các cuộc tập trận đa phương mới với sự tham gia lần đầu tiên của quân đội Mỹ
Một là, cuộc tập trận “Le Perouse” do Pháp tổ chức cùng với Australia và Nhật Bản diễn ra hôm 16/5 trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản. Mỹ cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia cùng tham gia. Trong đợt tập trận này, các tàu cùng thực hiện các khoa mục huấn luyện chung như triển khai đội hình, bắn đạn thật, tìm kiếm và cứu hộ. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn, gồm Anh và Pháp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Hai là, cuộc tập trận “Pacific Vanguard” (“Đội tiên phong Thái Bình Dương”) do Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức tại Thái Bình Dương diễn ra hôm 23-28/5.Đây là lần đầu tiên 4 nước trên tổ chức tập trận chung ở khu vực Tây Thái Bình Dương, gần đảo Guam. Cuộc tập trận diễn ra trước thềm chuyến thăm Nhật Bản, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh Washington cùng các đồng minh đang liên kết lại để chống lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.Cuộc tập trận có tên “Đội tiên phong Thái Bình Dương” có sự tham gia của quân đội 4 bên, có tư duy hàng hải quốc gia giống nhau nhằm cung cấp hoạt động an ninh thông qua khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, dựa trên sự chia sẻ các giá trị và lợi ích chung. Cuộc tập trận 6 ngày có sự tham gia của 2 tàu khu trục Nhật Bản, 2 tàu khu trục đến từ Australia và 1 tàu khu trục đến từ Hàn Quốc với khoảng 3000 thuỷ thủ tham gia.Trong khi đó, Hải quân Mỹ triển khai 5 tàu chiến và các máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải cho cuộc tập trận. Sự kiện này sẽ bao gồm các bài diễn tập bắn đạn thật và tác chiến chống tàu ngầm.
Ba là, cuộc tập trận chung với Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ ở Biên Đông từ ngày 01/5 đến ngày 8/5. Trong đó, hải quân Mỹ cho biết Nhật Bản gửi một trong hai tàu sân bay lớn nhất của nước này là Izumo tới tham gia tập trận. Trong khi đó, Ấn Độ triển khai tàu khu trục INS Kolkata và tàu chở dầu INS Shakti.Cuộc tập trận được tiến hành sau khi hai tàu chiến khác của Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông cách đây 3 ngày. Chỉ huy Andrew J. Klu, Thuyền trưởng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ tuyên bố: “Những cam kết mang tính chuyên nghiệp với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực của chúng tôi là cơ hội để xây dựng mối quan hệ bền chặt hiện tại”. Mặc dù các cuộc tập trận tương tự đã được tổ chức ở biển Đông trong quá khứ. Tuy nhiên, việc 4 quốc gia nói trên kết hợp tập trận tại biển Đông “cho thấy một thách thức mới đối với Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tăng thuế lên số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD từ Bắc Kinh”. Hải quân Mỹ nhiều lần khẳng định họ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải như vậy ở các vùng biển quốc tế trên khắp thế giới mà không cần cân nhắc chúng có gây ảnh hưởng về chính trị hay không.
Lần đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu F35 tham gia tập trận “Balikatan 2019” với Philippines
Cuộc tập trận thường niên Balikatan 2019 diễn ra hôm 10/4, là cuộc tập trận chung lớn nhất năm giữa quân đội Philippines và Mỹ cùng đồng minh Australia, nhằm chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cuộc tập trận năm nay tập trung vào an ninh hàng hải, một mối quan ngại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các tuyến hải lộ quan trọng trong khu vực. Balikatan 2019 quy tụ 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ và 50 lính Australia. Đây là lần đầu tiên tàu USS Wasp và các tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận Balikatan. Con tàu này và các tiêm kích trên hạm “thể hiện năng lực quân sự gia tăng theo cam kết đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở”, hải quân Mỹ tuyên bố, tương tự các chiến dịch tự do hàng hải và các điệp vụ máy bay ném bom bay qua biển Đông, mục tiêu là để thăm dò thái độ Trung Quốc. F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ là một biến thể của dòng tiêm kích F-35Joint Strike Fighter. Không quân và hải quân Mỹ cũng đang dần biên chế các phiên bản F-35A và F-35C (được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay cỡ lớn).Triển khai lực lượng với số tiêm kích F-35 lớn hơn bình thường có thể là bước đi đầu tiên đưa vào ứng dụng các tàu sân bay cỡ nhỏ, một hướng đi về lý thuyết có thể tăng cường không chỉ về số lượng các tàu sân bay mà còn nâng cao sức mạnh hỏa lực cho hạm đội này.
Lần đầu tiên tập trận cảnh sát biển với Philippines ở Biển Đông
Cuộc tập trận mang tên “Kamandag” diễn ra từ ngày 10/10 đến ngày 14/10 ở ngoài khơi Palawan, một tỉnh đảo của Philippines gần quần đảo Trường Sa, trong bối cảnh Mỹ đã tăng cường sử dụng nhằm đối phó với việc Trung Quốc liên tục có các hành vi gây căng thẳng trong khu vực này. Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tiến hành khóa mục bắn tỉa bằng súng hạng nặng và diệt mục tiêu với lựu pháo 155 mm tại cuộc tập trận. Những hoạt động mới nhằm tăng cường khả năng “phối hợp đa quốc gia, tính sẵn sàng và các khả năng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thiên tai”, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines.
Nhìn chung, trong năm 2019, Mỹ đã có cách tiếp cận mạnh mẽ, trực tiếp trong vấn đề Biển Đông với nhiều động thái mới, trong đó ưu tiên thể hiện sức mạnh quân sự và hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, khẳng định các quy tắc của luật pháp quốc tế. Những động thái của Mỹ và các nước đã có tác động nhất định đối với việc hạn chế những hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở khu vực.