Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóng‘Ăn chia’ 60/40 ở biển Đông với TQ: Philippines chia rẽ

‘Ăn chia’ 60/40 ở biển Đông với TQ: Philippines chia rẽ

Ngoài Tổng thống Duterte đang chủ trương và hào hứng khai thác chung với Trung Quốc ở biển Đông, ngay trong nội các chính quyền Manila đang có sự chia rẽ.

Trả lời kênh truyền hình ABS-CBN News hôm 28-10, Phó Tổng thống Philippines Leonor Robredo khẳng định Philippines sẽ chỉ tham gia các thỏa thuận khai thác dầu mỏ với Trung Quốc (TQ) nếu nước này công nhận chủ quyền của Philippines trên biển Đông.

“Đối với tôi, tiền đề cho việc thỏa thuận với TQ là việc nước này phải thừa nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của chúng tôi trong các khu vực sẽ khai thác chung” – bà Robredo nói. Nữ phó tổng thống còn dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về biển Đông vào năm 2016. “Việc chúng tôi thắng lớn ở vụ kiện trên có nghĩa là chúng tôi sẽ không tham gia hợp tác với TQ trong các khu vực nằm trong phán quyết, trừ khi TQ thừa nhận chủ quyền của chúng tôi trong khu vực” – bà Robredo phát biểu.

Cái lý của phe đối lập ông Duterte

Đây không phải lần đầu nữ phó tổng thống Philippines tấn công cấp trên của mình, đương kim Tổng tống Philippines Rodrigo Duterte. Hôm 12-9, bà Robredo đã công khai tuyên bố việc Tổng thống Duterte có ý định gạt đàm phán biển Đông sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Bắc Kinh là một bước đi “thiếu trách nhiệm” và “đáng xấu hổ”.

Hồi giữa tháng 8-2019, hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Robredo kêu gọi Tổng thống Duterte phải có lập trường cứng rắn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền Philippines ở biển Đông. Nữ tổng thống cho biết dân chúng Philippines lo lắng ông Duterte đang “bán mình” cho TQ. “Tổng thống Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố tạo cảm giác chúng ta đang ưng thuận ngầm với những gì TQ mong muốn” – bà Robredo nhận xét.

Không chỉ bà Robredo, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng lên tiếng khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài vượt lên trên thỏa hiệp giữa ông Duterte và người đồng cấp TQ Tập Cận Bình, do đó không thể gạt phán quyết sang một bên. Tương tự, hồi đầu tháng 9 Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cũng khẳng định tổng thống Philippines không có thẩm quyền quyết định phán quyết của tòa bị bãi bỏ, bị đảo ngược hoặc bị phủ quyết.

Tờ South China Morning Post mới đây đưa ra nhận định các chủ trương bắt tay TQ của Philippines có thể làm suy yếu giá trị thực tế của phán quyết năm 2016 vốn có lợi cho Philippines. Sở dĩ phe đối lập ông Duterte khẳng định không ủng hộ “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà ông Duterte và ông Tập đang hào hứng là vì hai lý do.

Thứ nhất, phán quyết năm 2016 cho thấy Manila không cần phải khai thác chung với TQ vì các khu vực hai bên định “ăn chia” 60/40 đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Điều đó có nghĩa là không tồn tại tranh chấp, nên nếu gọi là “gác tranh chấp, cùng khai thác” chính là sập bẫy của TQ – “biến của người khác thành của chung”.

Thứ hai, ông Duterte chủ trương ăn chia 60/40 và cho rằng có lợi với Manila – đó là quan điểm sai lầm. Nếu việc hợp tác thành hiện thực, tạm chưa bàn đến việc ông Duterte có khả năng vi hiến (vì vượt thẩm quyền cho phép nước ngoài vào EEZ khai thác tài nguyên) thì khả năng tiếp theo là TQ sẽ lấn tới và chiếm các vùng biển của Philippines. Hậu quả là ngư dân lẫn các lực lượng chấp pháp của Manila bị đẩy ra khỏi khu vực.

Hai tâm thế khác nhau ở Philippines

Trái ngược với quan điểm của Phó Tổng thống Philippines Leonor Robredo và các chính trị gia khác, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. lại cho rằng thỏa thuận “ăn chia” 60/40 của TQ và Philippines trên biển Đông là “công bằng”. Vị quan chức này lý giải vì TQ sẽ chịu trách nhiệm thăm dò và xây dựng cơ sở hạ tầng, vì thế Manila sẽ có lợi khi TQ phải chịu phần lớn chi phí, theo tờ Inquirer.

Quan điểm này trùng khớp với những phát ngôn trước đây của Tổng thống Duterte . Với con số 60 được hưởng, ông Duterte cho rằng đây là một chương trình làm ăn có lời. Trong khi đó, theo vị tổng thống này, Philippines không thể chống lại các ý đồ hung hăng của TQ. Thậm chí ông lo ngại nếu xung đột xảy ra thì Philippines chịu thiệt hại nặng.

Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào (…) Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để khẳng định các quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các nước láng giềng của chúng ta, Việt Nam và Indonesia, đã nhiều lần chứng minh điều đó.

Phó Tổng thống LEONOR ROBREDO hôm 13-9 phản bác việc ông Duterte lo ngại chiến tranh nếu không hợp tác với TQ

Giới quan sát cho rằng ông Duterte và đồng minh đã “sập bẫy” tâm lý của TQ. Việc Bắc Kinh hoàn thành việc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo, triển khai quân chiếm đóng bãi cạn Scarborough, quân sự hóa các đảo nhân tạo, triển khai lực lượng tàu chiến vây quanh một số thực tế do Philippines kiểm soát, đưa tàu hải cảnh và dân quân biển vào các vùng biển thuộc chủ quyền Philippines,… đã khiến ông Duterte cho rằng “không thể ngăn cản ông Tập nếu ông ấy muốn” và tốt hơn nên bắt tay ăn chia với Bắc Kinh.

Trong khi đó, phe đối lập cho rằng phán quyết của tòa năm 2016, quan hệ đồng minh với Mỹ và tình thế bất lợi đối với TQ nếu Bắc Kinh gây chiến chính là những lý do Manila không nên tự dọa mình bằng chiến tranh. Thế nên Philippines cần dựa vào ASEAN, đồng minh, đối tác để đưa biển Đông – vốn liên quan lợi ích nhiều quốc gia – ra dư luận quốc tế.

Việc huy động sức mạnh tập thể vào Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cũng là một cách tiếp cận hiệu quả nếu Philippines có cùng lập trường thượng tôn pháp luật: Tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và thúc đẩy quá trình công nhận phán quyết của tòa năm 2016.

COC phải bao gồm phán quyết 2016

Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 28-10 nói với hãng tin Rappler rằng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) phải bao hàm phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 để đảm bảo bộ quy tắc này thượng tôn pháp luật. “Phán quyết của tòa án ở Hague về vụ Philippines (kiện TQ) ở biển Đông phải là một phần của bộ quy tắc (COC). Chúng ta không thể thúc đẩy thượng tôn pháp luật nếu chúng ta lờ phán quyết” – ông Del Rosario nói.

Phát biểu của ông Del Rosario diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần thứ 35 của ASEAN diễn ra tại Thái Lan từ ngày 31-10 và kéo dài bốn ngày.

RELATED ARTICLES

Tin mới