Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines tìm kiếm hợp tác với Nga ở Biển Đông

Philippines tìm kiếm hợp tác với Nga ở Biển Đông

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn bên cạnh duy trì quan hệ đồng minh truyền thống của Manila là Mỹ. Trong hơn 3 năm qua, ông Duterte đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh nhằm tranh thủ quan hệ kinh tế-thương-mại đầu tư với Trung Quốc, song kết quả chẳng đạt được như mong muốn, hàng chục tỉ USD mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào Philippines vẫn chỉ là những lời hứa xuông, trong khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép lên Philippines ở Biển Đông. Do vậy, ông Duterte đã tìm kiếm sự hợp tác của Nga. Đây cũng chính là dẫn chứng cụ thể về việc ông Duterte thực hiện lời cam kết của mình khi đảm nhận chức tổng thống Philippines, cố gắng hướng đến việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của đất nước mình.

 

Tổng thống Duterte đã có chuyến thăm Nga từ 01 – 05/10/2019 nhằm tăng cường quan hệ với Nga. Kể từ khi trở thành Tổng thống Philippines năm 2016, đây là lần thứ 2 ông Duterte thăm Nga (ông Duterte tới Moscow lần đầu tiên hồi tháng 5 năm 2017, cuộc tiếp xúc đó bị gián đoạn do cuộc tấn công khủng bố trên đảo Mindanao). Trong chuyến thăm, hơn một chục thỏa thuận đã được ký kết. Philippines sẽ cung cấp cho Nga cá ngừ, các loại hải sản khác và nước cốt dừa; Nga sẽ bán xe Kamaz, đồng hồ, thiết bị y tế và tài nguyên năng lượng cho Philippines. Hai bên bắt đầu nghiên cứu vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Philippines. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hai bên cũng trao đổi về hợp tác kỹ thuật quân sự.

Đáng chú ý nhất trong chuyến thăm là việc Tổng thống Duterte cùng với Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Năng lượng của Philippines gặp gỡ các lãnh đạo tập đoàn năng lượng Rosneft Nga, trong đó có giám đốc điều hành Igor Sechin. Mặc dù, thông tin chi tiết về cuộc gặp không được công bố công khai nhưng Người phát ngôn của ông Duterte cho biết Tổng thống Philippines “đã mời Rosneft, hãng đi đầu trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga, đầu tư vào Philippines, đặc biệt liên quan tới việc phát triển dầu mỏ và khí đốt”.

Trước đó, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc thăm dò năng lượng ở Biển Đông. Một số chuyên gia nhận định rằng ông Duterte đang học tập theo cách làm của Việt Nam là kéo Nga vào các dự án hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines bởi Nga kiên trì triển khai các dự án hợp tác với Việt Nam bất chấp sự giao thiệp phản đối của Trung Quốc. Rosneft là tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga là mục tiêu Philippines nhắm đến.

Hiện Rosneft đang cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện dự án tại lô 06-1 và đang tỏ ý mong muốn mở rộng hoạt động ở khu vực. Trong suốt mấy tháng qua, Trung Quốc đã cho tàu Hai cảnh áp sát, đe dọa, song Rosneft không hề nao núng mà tiếp tục triển khai dự án bởi lẽ Rosneft hiểu rõ tính chất pháp lý của khu vực này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, mặt khác Rosneft nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ Nga.

Theo một số nguồn tin, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta đóng vai trò quan trọng làm cầu nối cho việc thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Philippines và Nga. Trước cuộc gặp của ông Duterte với các lãnh đạo của Rosneft, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta nói rằng, các công ty năng lượng của Nga rất quan tâm đến hoạt động khai thác dầu khí ở Philippines và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga (nếu có) đều sẽ không làm tổn hại đến các quyền của Manila trong khu vực. Ông Soreta nhấn mạnh “Họ (Nga) đã sẵn sàng hợp tác theo luật của chúng tôi. Họ không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông. Nếu họ tham gia, đó thực sự là việc công nhận đầy đủ các quyền chủ quyền và quyền khai thác của cúng tôi”.

Một só nhà nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai các tàu hải cảnh, tàu khảo sát và tàu dân quân biển ra Biển Đông để nỗ lực thể hiện sức mạnh cơ bắp của mình trước các đối thủ, ông Duterte thi hành một chính sách hòa dịu với Trung Quốc (ông Duterte vừa có chuyến thăm đến Bắc Kinh hồi cuối tháng 8/2019) và “ve vãn” Nga để tạo thế cho mình trong bàn cờ cạnh tranh chiến lược ở Biển Đông; Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đã tìm ra “chiến lược Biển Đông” của mình để cân bằng quan hệ với các nước lớn. Đó là tìm cách tận dụng Nga chống lại Trung Quốc, đồng thời tận dụng cả Nga và Trung Quốc tăng cường vị thế và tiếng nói trong quan hệ với Mỹ.

Giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và gia tăng hoạt động thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông; Mỹ và các đồng minh của mỹ tăng cường sự hiện diện và can dự ngày càng sâu vào Biển Đông, Nga có nhu cầu tăng cường củng cố chỗ đứng của mình ở Biển Đông để không bị thất thế. Điều này có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Nga đối với khu vực. Do vậy, mặc dù đang có mối quan hệ chiến lược khăng khít với Trung Quốc, Nga vẫn không thể đứng về phía Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng Nga có những lợi ích chiến lược lâu dài ở Biển Đông mà họ sẽ cố gắng bảo vệ, ngay cả khi điều đó gây ra sự khó chịu cho Trung Quốc. Đương nhiên việc Nga tăng cường hợp tác trên biển với các nước ven Biển Đông làm Bắc Kinh không hài lòng. Đây là một trong những điểm chưa thuận giữa Bắc Kinh và Moscow nhưng hoạt động của các công ty Nga ở Biển Đông khó có thể làm mất sự ổn định trong mối quan hệ chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Nga. Hai nước vẫn cần nhau trong các vấn đề lớn hơn, nhất là trong bối cảnh cả 2 nước đều đang khó khăn trong quan hệ với Mỹ.

Có một điều không thể phủ nhận là Philippines không thể so sánh hoặc dập khuôn mô hình của Việt Nam trong quan hệ với Nga bởi lẽ, Nga vốn có quan hệ truyền thống, thậm chí là đồng minh với Việt Nam từ thời chiến tranh lạnh trong Thế kỷ 20.

Nga là nước đầu tiên có hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam từ những năm 80 của Thế kỷ 20 với liên doanh dầu khí Việt – Xô (Liên Xô trước đây) rất thành công. Các tập đoàn năng lượng lớn như Rosneft, Gasprom của Nga hiện nay được kế thừa nền tảng và thành quả hợp tác Việt – Xô từ thời Liên Xô trước đây trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Đây là điều mà Manila không thể có được để thúc đẩy hợp tác.

Mặt khác, Philippines vẫn là đồng minh quân sự của Mỹ. Đây là rào cản không nhỏ đối với quan hệ hợp tác giữa Philippines và Nga, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Dù muốn hay không muốn thì quan hệ đồng minh Philippines với Mỹ vẫn tác động trực tiếp đến quan hệ của Philippines với cả Trung Quốc và Nga. Hợp tác ở Biển Đông giữa Philippines với cả Trung Quốc và Nga luôn là vấn đề nhạy cảm đối với Mỹ. Do vậy, mặc dù Philippines và Nga đã trao đổi về hợp tác năng lượng ở Biển Đông, song Nga cần cân nhắc thận trọng trước khi đi vào hợp tác.

Biển Đông là khu vực giàu tiềm năng khai thác dầu khí, vốn là thế mạnh của Nga và Moscow khó có thể cưỡng lại. Nga luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế (Nga kiên trì triển khai các dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam vì Nga hiểu rõ tính chất pháp lý của khu vực này), Philippines mời chào Rosneft tham gia các dự án hợp tác dầu khí tại các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Hơn thế nữa, Philippines còn có trong tay phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài nên có đầy đủ cơ sở pháp lý để kêu gọi doanh nghiệp các nước đầu tư vào khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines.

Mặc dù, ông Duterte đã có trao đổi với ông Putin về hợp tác năng lượng ở Biển Đông và cùng các quan chức Philippines tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Rosneft để kêu gọi đầu tư vào vùng biển của Philippines, song để đi đến các dự án hợp tác cụ thể còn cần vượt qua một chặng đường dài với mong muốn và nỗ lực chung của cả 2 bên.

Tuy nhiên, chỉ cần việc có trao đổi và gặp gỡ trực tiếp với một tập đoàn dầu khí lớn của Nga đã là một động thái rất mới thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Duterte trong việc đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép, đe dọa hoạt động dầu khí của Rosneft ở lô 06-1, việc lãnh đạo Rosneft gặp gỡ trao đổi với Philippines về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông thể hiện rõ quyết tâm của Rosneft không lùi bước trước áp lực của Trung Quốc. Đây là một tín hiệu tích cực chống lại yêu sách ngang ngược của Bắc Kinh ngăn cản các nước ven Biển Đông hợp tác dầu khí với các doanh nghiệp của các nước ngoài khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới