Trong năm 2019, Campuchia tiếp tục thực thi chủ trương, chính sách trong vấn đề Biển Đông từ nhiều năm trở lại đây. Theo đó, Campuchia vừa đưa ra tuyên bố, hành động ủng hộ Trung Quốc, vừa nhấn mạnh căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Gặp Việt Nam, Campuchia tuyên bố cần giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (4-5/10), hai bên nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52); cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Trong thời gian thăm, Thủ tướng Hun Sen đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Hun Sen đã cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia.
Phát biểu sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng khẳng định, quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời. Hai nước đã từng kề vai sát cánh, cùng hy sinh xương máu đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, đó là tài sản quý báu mà cả hai nước cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu mai sau. Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cũng ghi nhận những bước phát triển tích cực, thực chất của quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và đạt đồng thuận cao về phương hướng thúc đẩy hợp tác hai nước trong thời gian tới. Hai Thủ tướng nhất trí không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên tinh thần tin cậy, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Hai bên nhất trí làm sâu sắc quan hệ chính trị thông qua tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương; tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia. Hai bên nhất trí cho rằng, là hai nước láng giềng, Việt Nam và Campuchia hội tụ những tiềm năng, lợi thế to lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là kết nối các tuyến giao thông đường bộ, đường sông, kết nối điện năng, du lịch, tài chính, ngân hàng…; triển khai mạnh mẽ các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư; phối hợp xây dựng khung chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong tam giác Việt Nam – Campuchia – Lào, sử dụng bền vững sông Mekong hướng tới phát triển bền vững. Hai lãnh đạo khẳng định quyết tâm phối hợp xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, phát huy vai trò trung tâm của khu vực. Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cũng nhất trí dành sự quan tâm thỏa đáng cho cộng đồng gốc Việt ở Campuchia có cuộc sống ổn định, đóng góp vào sự phát triển của Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen, với tư cách cá nhân và đại diện cho nhân dân Campuchia, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Việt Nam vì đã hỗ trợ Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot cũng như sự giúp đỡ trong quá trình phát triển từ trước đến nay; khẳng định “tất cả những gì Campuchia có ngày hôm nay sẽ không có được nếu không có sự giúp đỡ trong sáng của quân đội và nhân dân Việt Nam”. Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen biết hai nước sẽ hợp tác để tổ chức thành công các sự kiện trong năm 2020 khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và Campuchia tổ chức hội nghị về Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Trong chuyến thăm, hai nước đã ký kết 7 văn bản quan, gồm: Hiệp định viện trợ triển khai dự án Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Hiệp định viện trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc dự án Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện, dựa vào cộng đồng tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; Bản ghi nhớ về tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao Chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện năng. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia cũng đã ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền; nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước, là nền tảng để hai bên tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
Xu nịnh Trung Quốc để đổi lấy lợi ích kinh tế
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20-23/01/2019), hai bên đã ra Thông cáo báo chí trong đó có nội dung hai bên cảm thấy vui mừng trước tình hình Biển Đông duy trì ổn định và phát triển theo hướng tốt đẹp, kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, làm sâu sắc hợp tác thiết thực trên biển, thúc đẩy tham vấn về COC. Campuchia hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do Trung Quốc nêu ra, mong muốn cùng các bên cùng nhau nỗ lực, duy trì xu thế tích cực tham vấn về COC, tranh thủ sớm đạt được COC trên cơ sở hiệp thương nhất trí, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị hợp tác.
Khi Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan (29/7) ngang nhiên cho rằng “người ngoài” không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Ông Phay Siphan nhận xét “tình hình hiện nay ở Biển Đông là ổn định, nhưng có thể sẽ còn căng thẳng nếu tiếp tục có sự can thiệp từ bên ngoài”; cho rằng “những người bên ngoài khu vực không nên tiếp tục khuấy động rắc rối ở Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải”, đồng thời nhận định “bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ ba hoặc người ngoài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, mà còn khơi dậy đối đầu trên Biển Đông”. Theo ông Phay Siphan, “Campuchia mong muốn tất cả các bên có liên quan trực tiếp đến các bất đồng ở biển Đông kiềm chế và tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình. Cho đến nay, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến triển ổn định trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), và chúng tôi khuyến khích tất cả các bên tiếp tục đối thoại hòa bình vì sự hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”.
Cùng quan điểm với ông Phay Siphan, một số chuyên gia Campuchia cũng đưa ra những nhận định tương tự – hay nói cách khác, những nhận định tương tự với người Trung Quốc. Trong đó, Giáo sư cao cấp Joseph Matthews từ Đại học quốc tế Beltei ở Phnom Penh cho rằng tình hình ở biển Đông hiện nay ổn định và hòa bình hơn so với vài năm trước. Theo ông này, sự can thiệp của bên thứ ba vào tranh chấp “gây ra tác hại nhiều hơn là có ích, cho nên các nước bên ngoài tranh chấp khu vực nên đứng ngoài bất đồng và đừng cố tham gia vào những vấn đề thậm chí không có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến họ”; đồng thời đánh giá “quá trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN đã tiến triển tốt và các nước cần duy trì bầu không khí mang tính xây dựng cho đối thoại. Việc hoàn thành nhanh chóng bộ quy tắc COC có ý nghĩa sẽ đóng góp cho xây dựng lòng tin, hòa bình và ổn định khu vực”. Chủ tịch Viện tầm nhìn châu Á Campuchia Chheang Vannarith cho rằng “hợp tác và đối thoại thực chất về COC là điều thúc đẩy nhằm giảm hiểu lầm và căng thẳng, xây dựng lòng tin chiến lược, đặc biệt là giữa các nước có bất đồng trên Biển Đông”. Trong khi đó, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Campuchia Kin Phea (thuộc Học viện hoàng gia Campuchia) cũng đánh giá “căng thẳng ở Biển Đông đã lớn hơn so với bản chất thực của tranh chấp tại đây bởi có sự can thiệp từ bên ngoài và cách thức đưa tin sai lệch trên truyền thông phương Tây. Sự can thiệp từ bên ngoài không chỉ hủy hoại nỗ lực chung để hiện thực hóa COC, mà còn gây ra cọ xát giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, giữa các nước ASEAN với nhau, cũng như hủy hoại lợi ích to lớn có thể đạt được từ quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Vấn đề biển Đông không nên được tập trung bởi các nước không liên quan, bởi vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng hơn hơn là vấn đề biển Đông đối với người dân ASEAN, các nước ASEAN và cả Trung Quốc. Các nước bên ngoài nên tránh xa vấn đề này và không đưa ra phát ngôn vô trách nhiệm liên quan [vấn đề biển Đông”. Ngoài ra, Kin Phea cho rằng “Trung Quốc, Campuchia và ASEAN đã cam kết gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông, đồng thời gìn giữ lợi ích to lớn cho cả khu vực thông qua quan hệ hợp tác tốt và quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi giữa ASEAN với Trung Quốc. Điều bắt buộc là các bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông tiếp tục dàn xếp bất đồng bằng những giải pháp hòa bình; hoặc các bên cần tiếp tục áp dụng cơ chế ASEAN-Trung Quốc để thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cùng nỗ lực hơn nữa để hoàn thành COC”.
Campuchia đã nhận được viện trợ khủng từ Trung Quốc
Trong năm 2019, Bắc Kinh đã “bù đắp” cho Campuchia nhiều viện trợ kinh tế, quân sự lớn để đổi lấy sự phục tùng của nước này. Theo đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/01/2019 cho biết, Trung Quốc đã hứa sẽ viện trợ cho đất nước chùa tháp 4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 588 triệu USD, trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 400 ngàn tấn gạo của Campuchia trong năm nay, tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2023 và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Campuchia. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (29/7) cũng đã tiết lộ thông tin Phnom Penh mua vũ khí từ Trung Quốc nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nước này. Ông Hun Sen cho biết, Campuchia đã chi 40 triệu USD để mua lô vũ khí trên. Tính tổng cộng, những hợp đồng mua vũ khí trước nay của Phnom Penh với Bắc Kinh trị giá 290 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cũng tiếp tục bác bỏ thông tin cho rằng Campuchia có thỏa thuận ngầm cho phép Trung Quốc cất trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại một căn cứ hải quân ở nước này, gọi đây là “lời vu khống”.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc (20/10) ký thỏa thuận viện trợ hơn 84,8 triệu USD cho quân đội hoàng gia Campuchia. Theo thỏa thuận được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ viện trợ 600 triệu nhân dân tệ (trên 84,8 triệu USD) để hỗ trợ Bộ Quốc phòng Campuchia.
Campuchia và Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự
Trung Quốc và Campuchia (13-28/3) khai mạc cuộc diễn tập “Rồng vàng” năm 2019 tại trường bắn đạn thật thuộc huyện Chum Kiri, tỉnh Kampot, đây được coi là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay giữa quân đội hai nước. Lễ khai mạc cuộc diễn tập “Rồng vàng” năm 2019 được tổ chức dưới sự chủ trì của Đại tướng Vong Pisen, Tổng Tư lệnh Quân đội hoàng gia Campuchia, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Wang Wentian, Thiếu tướng Feng Xiang, Phó Tham mưu trưởng lục quân, Quân khu miền Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Đại tướng Chum Sucheat, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết Cuộc tập trận “Rồng vàng” 2019 được tổ chức nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước Campuchia – Trung Quốc. Cuộc diễn tập bao gồm huấn luyện chuyên ngành, huấn luyện chiến thuật và diễn tập tổng hợp. Trong đó tập trung vào các nội dung phòng chống khủng bố, giải cứu con tin, ứng cứu thiên tai, công binh, ứng phó với vũ khí sinh học, giám sát và trinh sát, gìn giữ hòa bình. Phát biểu với báo giới, Phó Tổng tham mưu trưởng RCAF, Tướng Eth Sarath khẳng định “Rồng Vàng 2019” có số lượng binh sĩ và trang thiết bị quân sự tham gia đông hơn các năm trước đây. Theo ông, cuộc diễn tập năm nay ở quy mô cấp lữ đoàn. Binh sĩ hai nước cùng luyện tập các bài chống khủng bố, bắn đạn thật và tìm kiếm-cứu nạn. Tại cuộc diễn tập lần này, Trung Quốc đã cử các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia bao gồm các lực lượng đặc nhiệm, không quân, lục quân, công binh, pháo binh, tăng thiết giáp… Với tổng quân số là 252 người và các phương tiện, trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng, pháo cối. Trong khi đó, lực lượng Campuchia tham gia tập trận gồm 2.542 người, trong đó số quân trực tiếp tham gia tập trận là 382 người, lực lượng hậu cần là 448 người, và 1.685 người tham dự lễ khai mạc và bế mạc.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho biết, tàu chiến Wuhu, Handan và Dong Ping Lake của Trung Quốc (9-12/1) thăm Campuchia nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước. Theo đó, Trung Quốc là bên đề xuất thực hiện chuyến thăm này để thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương. Chuyến thăm diễn ra trùng với thời điểm Campuchia tổ chức các hoạt động chào mừng những công trình mới xây trên đảo Koh Rong, bao gồm một quân cảng.
Campuchia không chịu làm “thuộc địa của Trung Quốc”?
Phát biểu tại lễ khởi công đường cao tốc trị giá 2 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ ở tỉnh Kampong Speu, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố “mặc dù Trung Quốc muốn kiểm soát Campuchia, song Campuchia sẽ không để Trung Quốc làm như vậy”. Tuyên bố được Thủ tướng Campuchia đưa ra khi phát biểu tại lễ khởi công đường cao tốc trị giá hai tỷ USD do Trung Quốc tài trợ ở tỉnh Kampong Speu. Con đường dài gần 200 km này do Tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc thi công và là một phần sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Dự án đường cao tốc đầu tiên của Campuchia này dự kiến được hoàn thành vào năm 2023, sẽ nối thủ đô Phnom Penh với Sihanoukville, khu nghỉ dưỡng và hải cảng ở phía Nam Campuchia.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cũng bác bỏ quan ngại về việc Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng với Phnom Penh. Ông cho rằng một số người có ác ý “đã tô vẽ rằng khoản đầu tư của Trung Quốc là một cái bẫy”, “thực ra điều đó không đúng, mà là sự trợ giúp”.
Nhìn chung, từ những sự kiện trên cho thấy, Campuchia chắc chắn sẽ không thể từ bỏ Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “đu dây” trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại những khoản đầu tư, viện trợ kếch xù từ Bắc Kinh.