Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại cách Australia thể hiện vai trò, tiếng nói trong vấn...

Nhìn lại cách Australia thể hiện vai trò, tiếng nói trong vấn đề Biển Đông suốt một năm qua

Xác định rõ lợi ích trong việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông nên trong suốt thời gian qua, Australia đã tăng cường thể hiện vai trò và tiếng nói tích cực trong vấn đề này, thể hiện qua các hoạt động như hợp tác quốc phòng với các nước, tích cực thể hiện tiếng nói, khẳng định lập trường và trở thành một trong những nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng đến tình hình khu vực.

Tăng cường các hoạt động tham gia diễn tập, tập trận với các nước

Ngày 29/10, Hải quân Australia đã cùng Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) tiến hành cuộc tập trận chungmang tên “Mastex”, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và khả năng chiến đấu, phối hợp ứng phó với các tình huống trên biển. Cuộc tập trận, có sự tham gia của 500 lính hải quân, hai tàu chiến của RMN gồm tàu KD Kelantan và KD Lekiu, 2 tàu của Hải quân Australia gồm HMAS Stuart và HMAS Sirius, kéo dài 9 ngày tại căn cứ hải quân Sepanggar, bang Sabah, Malaysia.

Ngày 8/7, khoảng 25.000 nhân viên quân sự Australia và Mỹđã tham gia vào cuộc tập trận mang tên “Talisman Saber” được tổ chức hai năm một lần. Trong cuộc tập trận này, hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động phối hợp trên biển. Phía Trung Quốc đã cử tàu giám sát, theo dõi hoạt động tập trận của Australia và Mỹ. Các tàu của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện khi cuộc tập trận “Talisman Saber”.Bộ Quốc phòng Australia nói rằng họ “ý thức được các nước khác có thể có lợi ích đối với cuộc tập trận Talisman Saber”. Cuộc tập trận Talisman Saber năm nay có sự tham gia của Lữ đoàn Triển khai nhanh Đổ bộ Nhật Bản, đơn vị được thành lập năm ngoái với mục đích trước hết là đối phó với các hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, một quan chức cho hay. Năng lực cũng như khả năng phối hợp hành động giữa họ với Australia và Mỹ là mối quan tâm của Bắc Kinh.

Ngày 24/6, Australia triển khai tàu chiến HMAS Toowoomba mang số hiệu FFH 156 của Hải quân Australia tham gia tập trận cùng tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Hải quân Pháp ở ngoài khơi vùng biển Indonesia. Tàu sân bay Charles de Gaulle hiện là tàu sân bay hạt nhân duy nhất trên thế giới không mang quốc tịch Mỹ và đã được Pháp đưa vào biên chế sử dụng từ những năm cuối của thế kỷ 20 trước đây. Trong khi đó, tàu HMAS Toowoomba của Hải quân Hoàng gia Australia là tàu khinh hạm thứ bảy được đóng theo lớp Anzac của hải quân nước này và đã được đặt lườn từ năm 2002.

Ngày 27/5, Australia triển khai nhóm tàu hải quân đi qua khu vực Biển Đông trong chuyến hoạt động kéo dài 3 tháng của Hải quân nước này ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, bao gồm các chuyến thăm đến 7 nước trong đó có Việt Nam. Chuyến đi của các tàu Australia lần này có sự tham gia của 3 tàu hải quân, máy bay và khoảng hơn 1.200 nhân sự. Australia cho biết các tàu đã đi qua khu vực Biển Đông hai lần và quân đội Trung Quốc đã theo dõi rất sát các hoạt động của hải quân Australia khi những tàu này đi qua vùng nước tranh chấp.

Ngày 22/5, Australia triển khai lực lượng tham gia cuộc tập trận mang tên “Vanguard Pacific” (Đội tiên phong Thái Bình Dương) diễn ra gần đảo Guam, với 10 chiến hạm của Mỹ, Nhật, Hàn và Australia cùng 3.000 thủy thủ. Phó đô đốc Phillip Sawyer, tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết cuộc tập trận kéo dài 6 ngày. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cử 2 tàu khu trục, Hải quân Hoàng gia Australia triển khai 2 tàu hộ vệ tên lửa và Hàn Quốc cử một tàu khu trục, tổng cộng có khoảng 3.000 thủy thủ tham gia tập trận. Hải quân Mỹ điều động 5 tàu khu trục, máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra hàng hải tham gia tập trận. Cuộc tập trận bao gồm bắn đạn thật và diễn tập chống ngầm. Đội tiên phong Thái Bình Dương là chương trình mới nhất của lực lượng hải quân kết hợp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong tháng 5, các chiến hạm của Mỹ đã tập trận chung với tàu chiến Pháp, Nhật Bản và Australia ở vịnh Bengal.

Tăng cường các chuyến viếng thăm của hải quân tới các nước

Từ ngày 7-10/5, Australia cử hai tàu Hải quân HMAS Canberra và HMAS Newcastle với 800 thủy thủ tới thăm Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa hải quân hai nước. Chuyến thăm cũng nằm trong khuôn khổ Chương trình Nỗ lực Thái Bình Dương (IPE) năm 2019 được Australia tổ chức tại một số nước trong khu vực như: Sri Lanka, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia. IPE được Australia tổ chức từ năm 2017 và đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.Hai tàu HMAS Canberra và HMAS Newcastle sẽ thực hiện một số hoạt động giao lưu với hải quân Việt Nam về CUES, PASSEX, hoạt động quản lý và điều hành tàu, trao đổi kinh nghiệm về các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa và giao hữu thể thao. Cùng trong thời gian này, Australia cử hạm đội “The First Lady” của Hải quân Australia thăm và giao lưu với Hải quân Hoàng gia Malaysia tại cảng Klang, Malaysia nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hải quân hai nước.

Tích cực thể hiện quan điểm trong vấn đề Biển Đông

Tháng 1/2019, khi tham dự diễn đàn an ninh Fullerton tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne đã kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Ông Pyne cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại. “Việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác”, ông Pyne cho biết. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm. “Do vậy, tôi kêu gọi Trung Quốc hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông”, ông Pyne nhấn mạnh. Bộ trưởng Pyne cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực”. “Việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”, Bộ trưởng Pyne cho biết. Chỉ ra rằng các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ trở thành mối đe dọa với quy tắc pháp luật, ông Pyne cảnh báo: “Chúng tôi sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế”.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Tiếp đến trong chuyến thăm Việt Nam hôm 22/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Lãnh đạo Australia khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và kêu gọi COC giữa Trung Quốc và ASEAN cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay.

Tháng 8/2019, sau cuộc gặp tại Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã cùng Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã ra Tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với “các báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí lâu dài” ở Biển Đông. Trong tuyên bố chung, những người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ, Nhật Bản, Australia có đoạn: “Các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những diễn biến tiêu cực ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể tranh chấp”. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của nó trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải. Tuyên bố chung của ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật, Australia được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chỉ trích hành vi của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cho rằng ASEAN nên đặt niềm tin vào Mỹ.

Tại Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng (Đối thoại “2+2”) tại thành phố Sydney, Australia hôm 4/8, Australia đã cùng Mỹ bày tỏ lo ngại trước những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như những bẫy nợ mà Trung Quốc đang tạo ra với các quốc gia khu vực này. “Chúng tôi đều bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold cho biết, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang “thịnh vượng hơn nhưng cũng đồng thời lo lắng nhiều hơn”. Một trong những lo lắng đó xuất phát từ những mối đe dọa đến tự do hàng hải. Bộ trưởng Linda Reynold nói “hôm nay chúng tôi cũng chia sẻ sự lo lắng về mối đe dọa đến tự do hàng hải cũng như việc cản trở đối với tuyến đường giao thương quốc tế tại vùng biển chiến lược ở Trung Đông cũng như ở trong khu vực, trong đó có Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới