Từ 29/10 – 1/11, tàuINS SAHYADRI của Hải quân Ấn Độ thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Chuyến thăm của thủy thủ đoàn trong khuôn khổ việc triển khai hoạt động liên tục của Hải quân Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á và thể hiện tinh thần hợp tác hữu nghị, bền vững giữa hai nước.
Trong chuyến thăm, tàu INS SAHYADRI sẽ tham gia huấn luyện tập chung trên biển, tiến hành trao đổi chuyên môn giữa Hải quân hai nước. Bên cạnh đó là hoạt động giao lưu thể thao, tham quan các danh lam thắng cảnh của thành phố Đà Nẵng. Chuyến thăm lần này một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam- Ấn Độ trên các phương diện văn hóa, tôn giáo và kinh tế.
INS SAHYADRI (F-49) là tàu tên lửa dẫn đường thuộc lớp Shivalik tàng hình đa nhiệm vụ được đóng cho Hải quân Ấn Độ. Lớp này có tính năng tăng cường khả năng tấn công tàng hình và tấn công trên đất liền hơn lớp Talwar. Tàu có độ dài 142,5 m; sườn ngang 16,9 m; mớn nước 4,5 m. Thủy thủ đoàn đầy đủ: 257 người (35 sỹ quan). Tàu được trang bị một loạt các thiết bị điện tử và cảm biến. Tàu cũng được trang bị với vũ khí của Nga, Ấn Độ và phương Tây. Bao gồm: súng hải quân 76 mm Otobreda, Klub và tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos, tên lửa phòng không Shtil-1, tên lửa chống tàu ngầm RBU-6000 và ngư lôi DTA-53-956. Barak SAM và AK-630 như Hệ thống vũ khí cận chiến (CIWS). Con tàu cũng mang hai trực thăng HAL Dhruv hoặc Sea King.
Trong những năm gần đây, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ được đẩy mạnh cả về số lượng, mức độ, cũng như lĩnh vực hợp tác. Việc hai nước thúc đẩy hợp tác, giao lưu về hải quân là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Trước chuyến thăm của tàu INS SAHYADRI, tàu ICGS VIJIT cùng gần 140 cán bộ, sĩ quan và thủy thủ thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ (1/4) cũng đã cập cảng Tiên Sa, thăm hữu nghị Thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian 4 ngày, các sĩ quan và thủy thủ tàu đã thăm xã giao lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và giao lưu thể thao với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, tham quan thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong chương trình, lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện cuộc tập trận chung trên biển về công tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Đại tá Varandan Kumar, Tùy viên Quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, những năm qua, mối quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ được đúc kết với những kết nối mạnh mẽ của tình hữu nghị trên các phương diện văn hóa, tôn giáo và kinh tế và ngày càng được thắt chặt, tăng cường hơn nữa về mối quan hệ kinh tế, an ninh, chính trị. Ngoài ra, mối quan hệ giữa cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ trong những năm qua rất tốt và ngày càng được thắt chặt. Chuyến thăm lần này không ngoài mục đích là đẩy mạnh mối quan hệ giữa 2 nước về văn hóa, quốc phòng và Ấn Độ muốn các sĩ quan thủy thủ tìm hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam và các lực lượng Hải quân Việt Nam.
Được biết, tàu ICGS VIJIT có trọng tải 2.393,6 tấn, dài hơn 93m, rộng gần 13m và mớn nước 4,5m. ICGS VIJIT thuộc lớp Vishwast được trang bị súng hải quân CRN 91 30mm để tuần tra Vùng đặc quyền kinh tế. Các tàu lớp này được thiết kế chạy bằng hai động cơ MTU (tạo ra 18.000 kW điện), được trang bị hệ thống an toàn và báo nguy hàng hải toàn cầu (GMDSS) tiên tiến. Các tàu lớp Vishwast – là sản phẩm của tập đoàn Goa Shipyard Limited (GSL) của Ấn Độ – chủ yếu đảm trách các hoạt động tuần tra, tìm kiếm và cứu hộ, giám sát hàng hải, các chiến dịch chống buôn lậu, ứng phó với ô nhiễm, chống tràn dầu và chữa cháy. Tàu ICGS Vijit số hiệu 31 là một trong ba tàu thuộc lớp Vishwast, được hạ thủy tháng 11/2010 và được biên chế tháng 12/2010. Hai tàu còn lại là ICGS Vishwast số hiệu 30 và ICGS Vaibhav số hiệu 32.
Trước đó, tại Hội thảo “Hợp tác hàng hải Ấn Độ-Việt Nam: Những điểm hội tụ”, Phó Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ (22/4) đánh giá Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là đối tác hết sức quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ; cho rằng có những điểm hội tụ về địa chính trị lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ ở Biển Đông mà cả các khu vực khác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Pradeep Chauhan cũng lưu ý đến những điểm hạn chế về kết nối hàng hải mà hai nước cần khắc phục để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác song phương.